Lạm dụng gây “nhờn” kháng sinh: Đối mặt với nguy cơ không có thuốc điều trị

Chia sẻ

PNTĐ-Theo Bộ Y tế có tới 76% bác sỹ kê toa kháng sinh không phù hợp và là nguyên nhân dẫn đến 33% số người bệnh bị kháng thuốc...

 
Tình trạng lạm dụng kháng sinh dẫn tới việc người dân đối mặt nguy cơ không có thuốc điều trị.
 
Lạm dụng gây “nhờn” kháng sinh: Đối mặt với nguy cơ không có thuốc điều trị - ảnh 1
Dùng thuốc kháng sinh phải có sự chỉ định của bác sỹ
 
Thuốc kháng sinh: “Con dao hai lưỡi”
 
Kháng sinh không phải là thần dược để chữa bách bệnh, kể cả đau đầu, xổ mũi… như quan niệm của nhiều người hiện nay. PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – một trong số ít người đầu tiên ở Việt Nam viết sách về kháng sinh đã cảnh báo: thuốc kháng sinh như con dao hai lưỡi bởi những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm. Tiêu chảy kéo dài, dị ứng là những tác dụng phụ của kháng sinh dễ nhận thấy nhất mà đến cả thầy thuốc cũng phải sợ. Trong đó dị ứng có thể gây ra sốc phản vệ với diễn biến rất nhanh, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Thói quen dùng kháng sinh khi có bệnh là con đường ngắn nhất dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Đáng nói, tình trạng này đã xuất hiện ở cả trẻ em. Trong quá trình công tác của mình, BS Nguyễn Tiến Dũng đã điều trị cho nhiều trường hợp trẻ bệnh nặng như viêm phổi nhưng không tìm được thuốc để chữa trị do các loại kháng sinh tốt đưa vào cơ thể đều không có tác dụng chữa bệnh.
 
Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam nằm trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Vì thế, trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Vi khuẩn E.coli – tác nhân gây bệnh tiêu chảy thông thường bước đầu có cơ chế phát triển phức tạp, thuốc kháng sinh thế hệ 3 đã có dấu hiệu điều trị không hiệu quả. Tương tự như vậy, penicillin - loại kháng sinh rẻ tiền, sẵn có để điều trị bệnh hô hấp cũng đã mất tác dụng.

Hiểu bệnh để dùng đúng thuốc
 
Thạc sỹ, BS Nguyễn Hoài Nam – Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã từng rối bời khi cô con gái chưa đầy tuổi của chị trong tình trạng sốt cao li bì trong nhiều ngày, có lúc nhiệt độ cơ thể đến 40 độ. Tuy nhiên, thay vì dùng kháng sinh để điều trị như thường thấy, BS Nam kiên trì lau người hạ sốt đồng thời lấy máu xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh. Đơn thuốc chị dùng để điều trị sốt virus cho con là tiếp tục hạ nhiệt cơ thể bằng cách lau người, da tiếp da; thuốc hạ sốt dùng hạn chế khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 39 độ; bé được tăng cường bú mẹ, bổ sung nước… Sau 4 ngày, những cơn sốt cao đã bị đẩy lùi, nhiệt độ cơ thể trở về bình thường, bé đã vui vẻ hoạt động trở lại và ăn trả bữa.   
 
BS Nguyễn Tiến Dũng cũng đồng tình với quan điểm, dùng kháng sinh điều trị bệnh là do virus gây nên không có tác dụng. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sỹ cần xác định bệnh có thuộc loại nhiễm trùng hay không nhiễm trùng từ đó mới quyết định có dùng kháng sinh hay không. “Các bằng chứng so sánh lâm sàng cho thấy, 60% số bệnh nhân viêm xoang kéo dài trên 10 ngày mới là do nhiễm vi khuẩn. Viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ phần nhiều không phải do nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn hô hấp trên không xác định vị trí, viêm phế quản cấp ở những cơ thể trước đây khỏe mạnh thì chủ yếu là do virus. Hay cùng là sốt nhưng sốt do nhiễm virus thì không cần dùng kháng sinh; còn nếu sốt trong trường hợp viêm phổi, viêm đường tiết niệu… do vi khuẩn gây nên thì bắt buộc phải dùng kháng sinh.
 
Tương tự như vậy, khi bị ho không nhất thiết phải uống kháng sinh vì đây là phản ứng của cơ thể để đẩy đờm trong cơ thể ra ngoài sau khi bị mũi họng. Nhiều trường hợp chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng bệnh (sổ mũi, tắc mũi, viêm họng) thì sẽ nhanh khỏi ho như dùng nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt, hoặc kết hợp tăng cường uống nước ấm, vỗ lưng long đờm…” – BS Dũng cho biết thêm.
 
Tuy nhiên, để chấm dứt vấn nạn này, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cần có những giải pháp mạnh tay với nạn bán thuốc kháng sinh dễ dãi, sử dụng kháng sinh bừa bãi.
 
Việt Bách - Lý Anh

Tin cùng chuyên mục

​  Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

​ Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn thành phố; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.