Người lớn cũng có thể nguy kịch vì bệnh sởi

Bài và ảnh: Nguyên Hà
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sởi không còn là bệnh của trẻ nhỏ, và người lớn cũng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân, đặc biệt nếu chưa từng được tiêm chủng đầy đủ.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây qua đường hô hấp với tốc độ rất cao. Giai đoạn đầu thường là sốt, phát ban, ho, viêm kết mạc… nhưng chỉ sau vài ngày, virus có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan. Liên quan tới bệnh sởi, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường  - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã có những phân tích, tư vấn cụ thể dành cho người dân.

Người lớn cũng có thể nguy kịch vì bệnh sởi  - ảnh 1
Một trường hợp bệnh nhân sởi biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim phải thở máy được điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới. 

Người lớn mắc sởi - diễn biến nhanh, biến chứng nguy hiểm
Hai bệnh nhân đang điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian gần đây là những ví dụ điển hình. Cụ thể, bệnh nhân nam (35 tuổi, quê Hưng Yên), nhập viện ngày 29/6 với triệu chứng sốt phát ban và suy hô hấp. Chỉ sau vài ngày, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch và được chẩn đoán: Sởi biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, suy tim cấp, viêm gan B mạn tính. Sau đó, bệnh nhân phải thở máy, điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh và miễn dịch tĩnh mạch (IVIG).

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 45 tuổi, đến từ Hà Giang, nhập viện ngày 30/6 trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân được xác định mắc sởi kèm theo viêm phổi nặng và suy hô hấp cấp. Để điều trị, bệnh nhân cũng phải thở máy qua nội khí quản và hồi sức tích cực. Các bác sĩ đánh giá tiên lượng của bệnh nhân “rất nặng”. 

Điểm chung của hai bệnh nhân trên là không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi, không xác định được nguồn lây. Đây không phải là các ca bệnh cá biệt, mà là xu hướng ngày càng gia tăng tại các bệnh viện tuyến cuối.

Vì sao người lớn dễ bị sởi?
Rất nhiều người trưởng thành hiện nay không nhớ rõ mình đã tiêm vắc-xin sởi hay chưa, hoặc chưa từng tiêm nhắc lại đúng lịch. Thêm vào đó, tâm lý chủ quan rằng “sởi là bệnh trẻ con” khiến nhiều người không quan tâm đến phòng bệnh.

Tuy nhiên, khác với trẻ nhỏ thường được phát hiện và chăm sóc kịp thời, thì người lớn mắc sởi thường đến viện muộn. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện sau khi đã có biến chứng.

Vắc-xin là “lá chắn” phòng bệnh sởi
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Nếu tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi (mũi 1 lúc 9 tháng, mũi 2 lúc 18 tháng), khả năng bảo vệ có thể lên tới 97%. Người lớn chưa tiêm vắc-xin, không rõ lịch sử tiêm, hoặc chưa từng mắc sởi đều có thể tiêm bổ sung, không cần xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm.

Đặc biệt, những nhóm có nguy cơ cao nên chủ động tiêm phòng càng sớm càng tốt, gồm: Người sống/ làm việc trong môi trường đông người (giáo viên, công nhân, nhân viên y tế…); phụ nữ chuẩn bị mang thai (cần tiêm phòng trước ít nhất 1 tháng); người có bệnh lý nền nhẹ, miễn dịch chưa đầy đủ.

Sởi không còn là căn bệnh nhẹ và hoàn toàn có thể gây tử vong ở người lớn. Bởi vậy, mỗi người cần chủ động kiểm tra lại lịch tiêm chủng của bản thân và người thân. Khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt cao, phát ban, ho, đỏ mắt, cần đi khám ngay, tránh tự điều trị tại nhà. Tuyệt đối không chủ quan với bệnh sởi ở mọi lứa tuổi.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Vắc xin viêm màng não mô cầu thế hệ mới mở rộng bảo vệ cho người trên 56 tuổi

Vắc xin viêm màng não mô cầu thế hệ mới mở rộng bảo vệ cho người trên 56 tuổi

(PNTĐ) - Viêm màng não mô cầu, một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn não mô cầu gây ra, đang là mối lo ngại toàn cầu với tỷ lệ tử vong cao và di chứng nặng nề. Tin vui cho sức khỏe cộng đồng là một vắc xin thế hệ mới (Sanofi, Pháp) đã chính thức được triển khai tại Việt Nam vào ngày 4/7/2025, đặc biệt mở rộng chỉ định cho người từ 56 tuổi trở lên. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất bên cạnh trẻ nhỏ và vị thành niên.