Nguy cơ bùng phát trở lại dịch Covid-19

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo Bộ Y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc Covid-19 mới đang có xu hướng gia tăng trở lại. Theo đó, số ca phải nhập viện, ca nặng đang gia tăng mạnh.

Nguy cơ bùng phát trở lại dịch Covid-19 - ảnh 1
Người dân cần tuân thủ 2K+ để phòng dịch cho cá nhân và xã hội.
Nguồn: HCMUS

Thường xuyên ghi nhận các ca tử vong do Covid-19
Thống kê của Bộ Y tế từ ngày 1-18/9/2022, cả nước có 46.756 ca mắc Covid-19 được báo cáo, tính trung bình khoảng gần 2.600 ca/ngày, trong đó có 7 ngày số trường hợp mắc Covid-19 ở mức trên 3.000 ca/ngày. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây, có ngày lên đến hơn 180 ca. Trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng đa số chỉ dưới 20 ca/ngày; thường xuyên ghi nhận các ca tử vong do Covid-19, có ngày lên tới 5 trường hợp.

Trước thực trạng số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Số ca Covid-19 mắc mới được Bộ Y tế báo cáo và cập nhật mỗi ngày chưa phải con số thực tế. Bởi rất nhiều trường hợp, người dân mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm, hoặc một số tái nhiễm Covid-19 không khai báo y tế cơ sở mà tự cách ly, điều trị ở nhà. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, có nhiều bệnh nhân nặng, phải thở máy. Đấy là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại. 

Lý giải nguyên nhân trên, các chuyên gia y tế phân tích: Đặc thù của dịch Covid-19 không giống nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Một số bệnh như sởi, thủy đậu... miễn dịch suốt đời, chỉ một lần mắc là không mắc lại. Tuy nhiên, Covid-19 liên tục xuất hiện biến thể mới, một người có thể tái nhiễm lần 2, lần 3 sau khi miễn dịch giảm dần.

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA 2.12.1 trong cộng đồng, chưa kể một số biến thể khác thuộc dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.75, BA.2.76 đã xuất hiện, có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và làm gia tăng số ca mắc trở lại. 

Nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; trong bối cảnh tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19, nhất là tiêm cho trẻ em tại một số địa phương còn thấp, nhiều người bắt đầu có tâm lý thờ ơ, chủ quan với đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi tiếp xúc nơi công cộng...

TS. Shane Fairlie - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến cáo, người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tiêm bao phủ vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng.

Cần tuân thủ nghiêm 2K+ trong tình hình mới
Mùa đông sắp đến, trước nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát, trong đó có dịch Covid-19, nhằm ứng phó và tiếp tục đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, mới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + Vắc-xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị); đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.

Làm rõ hơn về thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới này, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho hay, thông điệp là những khuyến cáo nhằm hướng đến thay đổi/duy trì hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe.

đầu tiên là “Khẩu trang”. Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người như: Sử dụng phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; nơi có không gian kín, thông khí kém như quán bar, vũ trường, phòng tập thể dục thể hình, cơ sở ăn uống; tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người; tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch; tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế. K thứ hai là “Khử khuẩn”.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Cùng đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp “Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác” gồm: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc Covid-19; sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; ý thức người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu - độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng; các biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại Trung ương và địa phương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.