Làm đẹp bằng phương pháp “không xâm lấn”:

Nguy cơ tiền mất, tật mang!

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đánh vào tâm lý sợ đau, sợ phẫu thuật, can thiệp dao kéo... thời gian qua, nhiều cơ sở thẩm mỹ rầm rộ quảng cáo các phương pháp, kỹ thuật làm đẹp không xâm lấn. Đẹp thì chưa thấy, nhưng tiền mất, tật mang... là hệ quả nhãn tiền mà không ít chị em đã phải gánh chịu.

Nguy cơ tiền mất, tật mang! - ảnh 1
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E chia sẻ về ca bệnh. Ảnh: Thanh Bình

Ngực biến chứng, bầm tím do tiêm "chất lạ"
Mới đây, BS Bùi Tuấn Anh - khoa Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Hồng Ngọc) vừa khám, tư vấn cho một nữ bệnh nhân gặp tình trạng ngực xuất hiện nhiều vết bầm tím sau khi làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội. Theo chia sẻ của bệnh nhân, vì muốn tăng size, khắc phục tình trạng sa trễ “vòng 1”, chị đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, bên cung cấp dịch vụ có giới thiệu và tư vấn cho bệnh nhân phương pháp nâng vòng 1 bằng cách tiêm noãn thực vật và tiểu cầu được chiết xuất từ máu tự thân. Phương pháp này hiệu quả tức thì ngay khi làm xong, lại không cần phẫu thuật, không xâm lấn, không đau nên rất an toàn. Tuy nhiên, sau 2 ngày tiêm "chất lạ" nói trên vào vùng ngực, chẳng những “vòng 1” nữ bệnh nhân không có chút cải thiện nào mà còn xuất hiện nhiều vết bầm tím.

Đây không phải trường hợp cá biệt. Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E) cũng vừa tiếp nhận một trường hợp đến điều trị trong tâm thế hoang mang, đau, tức vùng ngực. Cụ thể, qua bạn bè giới thiệu, bệnh nhân đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội để nâng ngực bằng sóng xung kích. Theo lời quảng cáo của cơ sở này, đây là công nghệ giúp tăng mô cơ ở ngực, không xâm lấn, không phẫu thuật, hiệu quả sau 60 phút. Sóng xung kích từ trường sẽ kích thích mô mỡ ngực phát triển, sau 1 lần có thể thay đổi kích thước 60-70%; sau 15-18 ngày đạt 80-90%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh nhân phát hiện bác sĩ tại đây tiêm "chất lạ" vào ngực, mà ngay sau khi tiêm “vòng 1” đã tăng size thấy rõ. Bóp trong ngực thấy có nhiều chất lỏng, sệt sệt, dạng gel... nên bệnh nhân yêu cầu cơ sở thẩm mỹ dừng lại.

Tại Bệnh viện E, qua thăm khám lâm sàng, BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt thấy rằng, vùng ngực hai bên có vết tiêm với size kim lớn, vùng ngực tại chỗ tấy đỏ, khi sờ vào thấy cục, khối lổn nhổn trong mô vú, bệnh nhân có cảm giác đau. Kết quả siêu âm cho thấy có các khối tụ dịch, lẫn khí, nằm rải rác lan tỏa trong mô vú, có những khối nằm rất sâu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến dạng ngực do tiêm chất lỏng (nghi là chất làm đầy, tuy nhiên không rõ bệnh nhân đã được tiêm những chất gì), nguy cơ hỏng ngực nếu không điều trị kịp thời.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (30 tuổi) phải tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị vì ngực đau, có hai khối cứng tại ngực sau khi thực hiện "nâng ngực đệm mô lipid" với chi phí chỉ 10 triệu đồng. Bệnh nhân cho biết, trước khi nâng ngực, thẩm mỹ viện cam kết đây là phương pháp không xâm lấn, không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo, chỉ tác động bên ngoài để kích mô mỡ ngực phát triển; sau đó sẽ cấy mô lipid nhập khẩu vào mô mỡ dưới da bằng đầu cấy nano chuyên dụng... Nhân viên ở đây còn lấy máu và giải thích sẽ tách mỡ (mỡ tự thân) từ máu để tiêm vào cơ thể. 

Trong quá trình làm, bệnh nhân thấy cơ sở thẩm mỹ có tiêm khoảng 10 xilanh dung dịch có màu trắng vào ngực; khi hỏi thì được trả lời rằng đây là sản phẩm độc quyền, không thể tiết lộ. Sau 14 ngày, bệnh nhân thấy ngực trái có 2 khối cứng bất thường nên tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả thăm khám lâm sàng và siêu âm cho thấy, ngực bệnh nhân có nhiều khối hỗn hợp âm bất thường trong tổ chức mô tuyến vú; và được chẩn đoán viêm cấp tổ chức phần mềm vú lan tỏa.

Cảnh giác với quảng cáo tăng size thần tốc
Theo BS Nguyễn Đình Minh: Thực tế, không có biện pháp nào là không can thiệp phẫu thuật, hoặc ghép chất làm đầy hay ghép mỡ, lại có thể tăng lượng lớn thể tích trong một lần ngay lập tức. Điều này không thể xảy ra. Việc sử dụng công nghệ kích thích tế bào phát triển phải có thời gian và tùy vào cơ địa mỗi người. Một số phương pháp nâng ngực khác như sử dụng tế bào gốc, sóng cao tần, laser... hiệu quả cũng chậm và hầu như không đáng kể. Phương pháp nâng ngực bằng tiêm chất làm đầy cũng được áp dụng nhưng đó phải là chất đã được phê duyệt thông qua Bộ Y tế, nhập khẩu chính hãng. Đặc biệt, "hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định hiệu quả của phương pháp nâng ngực bằng sóng xung kích. Trong y khoa, sóng xung kích là những sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh" - BS Minh khuyến cáo.

Thời gian qua, bệnh viện E đã thực hiện cấp cứu cho không ít trường hợp tiêm nâng ngực; khi điều trị, bác sĩ lấy ra được "cả bát" chất silicon lỏng từ ngực bệnh nhân. Có người sau 1-3 tháng làm đẹp đến bệnh viện cùng với những ổ áp-xe. Nhiều người may mắn có thể lấy hết được hết ổ áp-xe, nhưng có người phải sống với nó cả đời bởi nếu đó là chất lỏng sillicon, không bao giờ lấy được hết. Các bác sĩ chỉ lấy được phần nào, chỉ giải quyết triệu chứng khi sưng đau, viêm mủ, áp-xe…

Từ kinh nghiệm điều trị, BS Bùi Tuấn Anh khuyên: Làm đẹp thẩm mỹ là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của chị em phụ nữ. Nhưng trước khi tiến hành bất cứ kỹ thuật nào, chị em cần tìm hiểu kỹ, tránh nghe theo những quảng cáo "có cánh" của các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, dẫn tới "tiền mất, tật mang". Tốt nhất, chị em nên tham khảo chuyên môn tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ của các bệnh viện, để được làm đẹp bởi bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, trong phòng mổ vô trùng đảm bảo yêu cầu. Vì người không có chuyên môn khi tiêm sẽ không nắm rõ nguyên tắc vô trùng, kỹ thuật tiêm cũng như những chất được phép hay không được phép đưa vào cơ thể, sẽ rất nguy hiểm. 

Đối với trường hợp "trót" làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ bên ngoài, dẫn tới "dấu hiệu" bất thường thì cần bình tĩnh, lập tức đến bệnh viện thăm khám trực tiếp thay vì tiếp tục ủy thác sức khỏe của mình cho cơ sở thẩm mỹ đó "khắc phục hậu quả". Nhiều trường hợp chúng ta không thấy ngay biến chứng, mà phải vài tháng, vài năm sau mới xảy ra. Tới lúc đó, việc xử lý sẽ vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian mà khó khôi phục lại được như ban đầu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...