Bùng dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc:

Nhiều trường hợp nặng, biến chứng khi nhập viện

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thông thường, sốt xuất huyết (SXH) tại miền Bắc sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 9 -10, nhưng năm nay, ngay từ tháng 6 đã ghi nhận các ca SXH, dự báo đỉnh điểm của dịch có thể dịch chuyển sang tháng 8.

Nhiều trường hợp nặng, biến chứng khi nhập viện - ảnh 1
Bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho người bệnh

Năm cao điểm sốt xuyết huyết
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Thanh Nhàn... đã ghi nhận các ca SXH diễn biến trong tình trạng nặng như sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...

Đơn cử trường hợp bệnh nhân N.C.T (50 tuổi, Hà Nội). 5 ngày trước khi nhập viện điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ăn uống kém. Tình trạng này tiếp tục duy trì suốt những ngày sau đó dù bà đã tự uống thuốc, chăm sóc tại nhà nhưng không cải thiện được. 

"Sau khi bệnh nhân nhập viện và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy có tình trạng giảm tiểu cầu, xuất huyết niêm mạc. Bệnh nhân chưa xác định được yếu tố dịch tễ cụ thể, chỉ đi khám do sốt cao. Từ những trường hợp bệnh nhân SXH lẻ tẻ ở phía Bắc cũng như nhiều người có yếu tố dịch tễ liên quan tới khu vực phía Nam trong thời gian gần đây, có thể dự đoán phần nào nguy cơ năm nay sẽ là năm cao điểm sốt xuất huyết" - BS Nguyễn Đình Tới, khoa Bệnh nghề nghiệp, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.

Tại bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 6 tới nay, Trung tâm bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra.

Điển hình là bệnh nhân Q.T.M. (huyện Đan Phượng, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ban đỏ toàn thân, mệt mỏi, không uống được nhưng nôn liên tục và được chẩn đoán mắc SXH. Trước đó, bệnh nhân đã tự mua thuốc và điều trị tại BV tuyến huyện 6 ngày.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 66 tuổi (Hà Nam), sau khi đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai trở về thì bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt.

Trước đó, bệnh nhân đã có 5 ngày điều trị tại tuyến tỉnh với chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, có hạ tiểu cầu. Tuy nhiên, khi diễn biến bệnh ngày càng xấu đi, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm bệnh nhiệt đới (bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nặng, tiểu cầu hạ chỉ còn 6 G/L, hematocrit tăng cao, tức là có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao.

Ngay sau khi xác định bệnh nhân mắc SXH gây biến chứng, bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị hợp lý. Sau 5 ngày sức khỏe đã cải thiện, tiểu cầu tăng, các triệu chứng ổn định trở về bình thường.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp SXH có yếu tố dịch tễ từ miền Nam về, nhập viện trong tình trạng nặng, trong đó có cả bệnh nhi.

Như trường hợp cháu T.M.T. (4 tuổi), từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội được hơn 1 ngày thì xuất hiện các triệu chứng như: Sốt cao liên tục, đau mỏi người, đau họng. Gia đình tự điều trị kháng sinh ở nhà cho bé 3 ngày nhưng không hết sốt. Sau đó, bé T còn bị đau bụng, được bố mẹ đưa đi khám ở phòng khám tư.

Kết quả xét nghiệm tế bào máu, bạch cầu và tiểu cầu giảm, gia đình đưa bé đến Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi mắc SXH và được chuyển sang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện, bệnh nhi này đã qua giai đoạn nặng của bệnh.

Người dân cần chú ý dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (bệnh viện Bạch Mai), hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng.

Qua những trường hợp bệnh SXH do có yếu tố dịch tễ đi du lịch, công tác từ miền Nam ra - nơi có dịch SXH đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ là nơi ca bệnh SXH đang gia tăng cần chủ động để ý sức khỏe.

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về người dân cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của SXH như sốc, suy đa tạng, chảy máu…

Đồng thời, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

Cũng theo các bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, SXH đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên chúng ta phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ. Cả người bệnh và nhân viên y tế đều cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của SXH để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu 2022 tới nay, thành phố có hơn 175 ca mắc SXH, 7 ổ dịch tại 4 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, ngành y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch; đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp, từ đó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...