Tự chủ bệnh viện:
Nút thắt do cơ chế, chính sách
(PNTĐ) -Chủ trương về tự chủ với bệnh viện công lập là hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta… Nhưng để tự chủ hiệu quả, thực chất, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo phúc lợi xã hội trong bối cảnh cơ chế, chính sách còn nhiều rối ren là một thách thức lớn, là bài toán cần lời giải đầu tiên từ phía cơ quan Nhà nước.

Bệnh viện khó khăn, người dân chịu thiệt
Thời gian qua, 2 bệnh viện (BV) lớn thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai, K Trung ương sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2019 đã gửi văn bản tới Bộ, đề nghị được dừng tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ 1 phần, tương đương với mức 2 (tự chủ chi thường xuyên) trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện tự chủ toàn diện còn quá nhiều bất cập khiến quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, BV khó khăn, người dân chịu thiệt.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tự chủ BV thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” mới đây, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: 15 năm qua BV Bạch Mai đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên theo NQ43 của Chính phủ. Hầu hết thiết bị y tế của BV thực hiện trong đề án liên doanh, liên kết. Đến 2019, khi được thanh tra, kiểm tra toàn diện, 11/27 đề án liên doanh, liên kết có vướng mắc phải dừng lại, dẫn đến thiết bị trong BV thiếu trầm trọng.
Tuy nhiên, 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo NQ33 chưa bộc lộ nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phải tới quý II/2022, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng bệnh nhân tăng đột biến, tình trạng thiếu trang thiết bị của BV bắt đầu trở thành rào cản, khó khăn mới thấy rõ. Ví dụ toàn bộ thiết bị liên quan chẩn đoán hình ảnh như: Máy chiếu, chụp cộng hưởng từ, MRI, hệ thống nội soi… thiếu trầm trọng. Thí điểm tự chủ toàn diện cũng khiến tình hình ngân sách BV đối mặt nhiều thách thức, thậm chí lương của nhân viên cũng không đủ chi trả.
Một lượng lớn cán bộ nhân viên, nhiều người ưu tú, chuyên môn tốt, rèn luyện tại BV 15 năm nhưng vẫn chuyển sang nơi khác làm việc. Riêng từ tháng 1/2022 tới nay, đã có 110 cán bộ của BV xin chuyển công tác, phần vì thu nhập, phần vì thiếu thốn trang thiết bị để điều trị. Những khó khăn này cũng tác động trực tiếp đến quyền lợi, cơ hội được điều trị, chăm sóc sức khỏe của chính người dân” - PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.
Tương tự tại BV K, GS.TS Lê Văn Quảng cho biết có 18 thách thức mà BV phải đối mặt khi thực hiện tự chủ toàn diện. Chẳng hạn, trước đây BV có 9 máy xạ trị nhưng hiện tại chỉ còn 5 chiếc, do một số hết thời hạn khấu hao hoặc niên hạn sử dụng. Bệnh nhân gần như phải thức xuyên đêm để xạ trị. Muốn đáp ứng nhu cầu, BV cần thêm 10 máy nữa. Nhưng theo công thức của tự chủ toàn diện, BV không thể có đủ nguồn thu, không có vốn để đầu tư máy móc thiết bị…
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thiếu minh bạch
Phân tích về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Dù đã có quan điểm, đường hướng nhưng thực sự chúng ta vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, hành lang pháp lý chưa đầy đủ.

Trước đây, chúng ta có NĐ43 về xã hội hóa công tác y tế, trong đó có quy định về tự chủ với các đơn vị công lập, gồm 3 mức tự chủ: Chi thường xuyên, chi 1 phần của chi thường xuyên và Nhà nước chi trả. Tới NQ33 năm 2019 mới có quy định tự chủ toàn diện trong đó gồm cả về hoạt động chuyên môn, tổ chức cán bộ, đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, giá dịch vụ khám chữa bệnh, tiền lương và chế độ phụ cấp; sau này là NĐ60 để tiếp tục thực hiện NQ33. Thực hiện các quy định này, nếu không có sự hướng dẫn, viện dẫn cụ thể chi tiết, các BV rất dễ vướng vào “bãi mìn” thể chế vì có quá nhiều quy định, không ít trong số đó không giải quyết vấn đề vướng mắc thực tế đặt ra.
“Ví dụ theo NĐ60 hay NQ33 các BV được tự chủ về chuyên môn, được tăng quy mô giường, mở rộng khoa phòng dịch vụ khám chữa bệnh. Nhưng khi thực hiện lại phải soi chiếu vào Luật Khám chữa bệnh, còn các NĐ, NQ lại có giá trị pháp lý thấp hơn. Bởi vậy các BV không thể tự làm được. Hay như vấn đề mua sắm, liên doanh liên kết… dù được tự chủ nhưng vì là BV công lập, muốn đầu tư lại phải thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công. Đáng nói, dù trong Luật có nội dung liên doanh, liên kết nhưng quy định cụ thể về giá trị tài sản đó như thế nào, hướng dẫn làm sao để biến nó thành tài sản công… lại chưa có quy định rõ ràng” - TS Nguyễn Huy Quang phân tích.
PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ thêm: Trong NQ33 của Chính phủ cho phép khi tự chủ toàn diện, BV được tự chủ về giá, nhưng hiện nay Luật về giá chưa xây dựng xong; toàn bộ giá dịch vụ của BV cũng thu bằng giá của BHYT và không được tự tăng do là BV công lập. Tự chủ BV toàn diện chắc chắn phải xã hội hóa, trong đó có vấn đề liên doanh liên kết, thuê máy móc, địa điểm… thì hiện tại cũng thiếu thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết. Vì vậy, không phải các BV ngại hay không dám làm mà do chưa có cơ chế rõ ràng để hoạt động, nếu làm dễ vướng sai phạm.
“Như tại Bạch Mai, dù không phải BV chuyên khoa ung thư nhưng trước 2019, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bưới của BV đã sớm có thiết bị khá đồng bộ trong chẩn đoán và điều trị. Từ 2020 tới nay, toàn bộ thiết bị như máy PET/city, cộng hưởng từ, SPECT, máy xạ trị, xạ phẫu… gần như để không, do có cái hết hợp đồng, có cái vướng thủ tục pháp lý; trong khi đó BV vẫn phải duy trì hệ thống dàn lạnh để bảo trì máy móc rất tốn kém. Dẫu vậy, do cơ chế ký kết hợp đồng liên doanh liên kết lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng nên tới nay các nhà đầu tư rất e ngại việc tiếp tục ký kết, hợp tác” - PGS.TS Cơ nêu thực trạng.
Cần cơ chế hỗ trợ, quy định pháp lý minh bạch, chặt chẽ
Khẳng định tự chủ BV là chủ trương rất đúng đắn, quan trọng, cần thiết và các BV phải nỗ lực thực hiện cho tốt. Nhưng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Người làm quản lý cần nhất là cơ chế. Liên quan tới tự chủ, nếu thực hiện quá mức, vô tình có thể dẫn đến tư nhân hóa BV công lập, dẫn tới lệch lạc so với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của BV công trong đảm bảo an sinh xã hội, công bằng về khám chữa bệnh. Tại thời điểm này, các BV chỉ nên dừng ở mức 2 trong NĐ60 là tự chủ thường xuyên.
Đồng tình rằng các BV tuyến cuối hoặc tuyến tỉnh và một số quận/huyện nếu có thể hiện nay chỉ nên làm nhóm 2, nhóm 3, GS.TS Nguyễn Huy Quang cũng đề nghị nên cho các BV tự tính toán, lựa chọn mức 2 hay 3 vì họ là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ Y tế, sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, NQ20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ hệ thống y tế của Việt Nam là hỗn hợp công tư, trong đó y tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Và dù tự chủ như thế nào thì Nhà nước vẫn phải bảo đảm ngân sách chi đầu tư và hoạt động khác. Trong điều kiện đơn vị sự nghiệp của BV công lập không đủ nguồn lực cũng phải có cơ chế hỗ trợ.
“Cụ thể, phải xây dựng thông tư về khung giá khám chữa bệnh ban đầu, tính đúng đủ theo 7 yếu tố cấu thành giá; có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về liên doanh liên kết trên cơ sơ Luật Quản lý tài sản công; đã có Luật về hỗn hợp công tư thì phải có thông tư hướng dẫn; khẩn trương hoàn thiện quy chế về đấu thầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc; điều chỉnh tiền công, tiền lương phù hợp đặc thù nghề nghiệp” - TS Nguyễn Huy Quang đề xuất.
Như vậy, phải có thể chế, cơ chế rõ ràng thì các BV mới có hành lang pháp lý để hoạt động. Lúc này thể chế không còn là “bãi mìn”, mà trở thành con đường thênh thang rộng mở, phát triển BV, người dân thực sự được thụ hưởng an sinh xã hội, đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh.