Tăng cường kiến thức sức khỏe sinh sản để giảm thiểu rủi ro

Bài và ảnh: YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, còn không ít trường hợp chưa có cơ hội tiếp cận đầy đủ kiến thức về sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản trong thời gian mang thai, sinh con; đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi.

Tăng cường kiến thức sức khỏe sinh sản để giảm thiểu rủi ro - ảnh 1
ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc tư vấn kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản cho các em học sinh xã An Thái, huyện Mỹ Đức.

Nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn
Thông tin tại buổi truyền thông “Nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em” năm 2024 tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ngày 6/9, bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Với tỷ lệ tử vong ở người mẹ giảm 4 lần và tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh xuống còn một nửa trong những thập niên gần đây, chỉ số sức khỏe mẹ và bé ở Việt Nam khả quan hơn so với các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.

Tuy nhiên, việc không được tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách đầy đủ trong thời gian mang thai, sinh nở và sau sinh chính là nguyên nhân gây ra 600 ca tử vong ở người mẹ và hơn 10.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh được ghi nhận ở Việt Nam mỗi năm. Trẻ em vẫn không có được sự khởi đầu tốt nhất cho cuộc sống, vì mỗi ngày có tới 100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Hơn nữa, còn có nhiều trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh và thai chết lưu không được báo cáo, đặc biệt là ở vùng nông thôn miền núi nơi dân số chủ yếu là người dân tộc.

Vì vậy, việc chủ động trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, làm mẹ, sinh con… là việc làm thiết thực nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Đơn cử tại xã An Phú - đơn vị duy nhất của huyện Mỹ Đức có đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chị Bùi Thị Hường - Chủ tịch Hội LHPN xã: Hiện toàn xã có 2.673 người trong độ tuổi 15-49; trong đó có 1.677 phụ nữ dân tộc thiểu số (1.104 người trong số này là phụ nữ đã kết hôn).

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc tuyên truyền tích cực của các cấp Hội Phụ nữ từ huyện đến xã, sự chung tay của ngành y tế, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, trên địa bàn xã trong tập huấn, truyền thông… tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách đầy đủ trong thời gian mang thai, sinh nở và sau sinh tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ tử vong ở mẹ và tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh. Theo báo cáo của Y tế xã, trong 8 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn xã không có ca sinh non và có nguy cơ tử vong.
Cần bắt đầu từ lứa tuổi thanh thiếu niên
Có thể khẳng định, làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ em. Mục tiêu của làm mẹ an toàn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Muốn đạt được mục tiêu này, theo ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc - khoa Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội, việc tìm hiểu, cập nhật kiến thức liên quan sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản không phải đợi đến khi một người phụ nữ trưởng thành, sinh con mới thực hiện, mà cần được trang bị ngay từ khi họ còn ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

“Một thực tế khác đáng lo ngại, đó là trong số các bệnh nhân ở lứa tuổi vị thành niên tới khám tại BV Phụ sản Hà Nội, có tới hơn 30% từng quan hệ tình dục trước 18 tuổi, trong đó trường hợp nhỏ nhất là 12 tuổi. Và không ít bạn 13-15 tuổi tới nhờ bác sĩ tư vấn… vì đã mang thai. Nhìn ánh mắt ngây thơ xen lẫn lo âu của “mẹ trẻ con”, có thể thấy rõ các bạn không hề có sự chuẩn bị kiến thức, tâm thế khi mang thai, làm mẹ; và sự việc hoàn toàn là sự cố ngoài ý muốn” - BS Ngọc cho hay.

Vì thế, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn cho các em khi còn là học sinh, sinh viên rất quan trọng. Làm mẹ an toàn theo BS Ngọc, đơn giản là sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mang thai chứ không phải là sự bị động, lo lắng khi “sự đã rồi”. Tuy nhiên, trang bị kiến thức không đồng nghĩa với việc các bạn có thể hoặc nên mang thai khi trong độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Ở lứa tuổi ấy, nhiệm vụ quan trọng nhất của các bạn là học tập, sinh hoạt lành mạnh, khoa học, hấp thụ dinh dưỡng để lớn lên có một cơ thể khỏe mạnh; có kiến thức, công việc phù hợp, thành công dân có ích cho xã hội. Đó là tiền đề quan trọng để các bạn trở thành một người mẹ và làm mẹ an toàn. Thậm chí, việc nam giới, nữ giới quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi), trong một số hoàn cảnh còn là hành vi vi phạm quy định của pháp luật” - BS Ngọc phân tích.

Bên cạnh đó, BS Ngọc cũng khuyên rằng, việc trang bị kiến thức chính là giải pháp giúp các bé gái biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân mình, tránh mang thai ngoài ý muốn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục… ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Một cô gái dù xinh đẹp, giỏi giang nhưng vô sinh, hoặc không may sinh ra những em bé dị tật, không khỏe mạnh… mà nguyên nhân do bản thân buông thả, thiếu kiến thức, là một điều khá đau lòng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin trên mạng xã hội rất phong phú, đa dạng, BS Ngọc khuyến cáo các bạn học sinh cần biết trang bị kiến thức từ nguồn đáng tin cậy; đơn giản nhất là hỏi và lắng nghe sự hướng dẫn của bố mẹ, bác sĩ. Cùng với đó, các bậc phụ huynh ngoài việc tìm hiểu thông tin về chăm sóc sức khỏe thai kỳ, thai nhi, cũng nên chủ động tư vấn cho con mình (cả bé trai, bé gái), để các con trưởng thành khỏe mạnh, sau này cũng có thể làm mẹ an toàn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Better Choice Awards 2024: FPT Long Châu thắng giải “Ứng dụng đột phá cho nhu cầu sức khỏe”

Better Choice Awards 2024: FPT Long Châu thắng giải “Ứng dụng đột phá cho nhu cầu sức khỏe”

(PNTĐ) - Bằng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Ứng dụng Khách hàng Long Châu đã vinh dự nhận giải “Ứng dụng đột phá cho nhu cầu sức khỏe”, trong Gala Better Choice Awards năm 2024, diễn ra tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC) vào tối 2/10/2024.
Giải mã Gen có thể đảo ngược quá trình lão hóa

Giải mã Gen có thể đảo ngược quá trình lão hóa

(PNTĐ) - Theo các chuyên gia y tế, thay vì phòng bệnh và các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ sớm, đa phần người Việt Nam có xu hướng mắc bệnh hoặc có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng rồi mới đi khám, điều trị. Đơn cử với bệnh lý ung thư, căn bệnh gây ra hơn 120.000 ca tử vong mỗi năm (theo globocan 2020), hơn 40% số ca tử vong liên quan đến bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.
Việt Nam triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết

Việt Nam triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết

(PNTĐ) - Ngày 20/9 vừa qua, Hệ thống tiêm chủng VNVC Việt Nam đã chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm hiện đại trên toàn quốc.
Chàng trai khiếm thị và hành trình theo đuổi ước mơ đầy nghị lực

Chàng trai khiếm thị và hành trình theo đuổi ước mơ đầy nghị lực

(PNTĐ) - Mất đi thị lực khi chỉ mới 10 tuổi, không vì thế mà ước mơ học tập và hòa nhập cộng đồng của chàng trai trẻ Phùng Văn Minh bị ngăn cản. Đáng quý ở chỗ, không chỉ nỗ lực trau dồi kiến thức, Minh còn thành lập Cơ sở Tẩm quất massage khiếm thị Linh Đan giúp đỡ những người bị khuyết tật khác.