Trẻ thấp lùn, bố mẹ có thể làm gì?

Chia sẻ

(PNTĐ) -Dù không có chiều cao nổi bật nhưng nếu bố mẹ hiểu và áp dụng các cách tăng chiều cao khoa học, hợp lý sẽ giúp con tự tin hơn trong tương lai.

Trẻ thấp lùn, bố mẹ có thể làm gì? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Con cái sẽ được thừa hưởng gen quy định chiều cao từ bố mẹ, có thể dựa vào chiều cao của bố mẹ để ước tính chiều cao khi trưởng thành của con như sau:

Chiều cao con gái = (chiều cao của bố - 13cm + chiều cao của mẹ)/2. Chiều cao con trai = (chiều cao của người mẹ + 13cm + chiều cao của bố)/2. Tuy nhiên, chiều cao còn phụ thuộc vào các yếu tố khác bao gồm dinh dưỡng, luyện tập và hormone.

Yếu tố tác động tới chiều cao của trẻ

Về chế độ dinh dưỡng, nếu trẻ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho quá trình phát triển chiều cao (protein đặc biệt là Lysin, canxi, kẽm, vitamin D, vitamin K2), thì có thể hỗ trợ tối đa khả năng phát triển của hệ cơ xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ. Ánh nắng mặt trời cũng rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và sự vững chắc của bộ xương do ánh nắng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên cần lưu ý không bổ sung quá liều các thành phần dinh dưỡng kể trên để tránh tác dụng phụ có hại.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể thao sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao do sụn tiếp hợp ở đầu xương được kích thích, từ đó giúp tăng trưởng mạnh. Các môn thể thao tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ gồm: Chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, xà đơn, bóng đá, bóng rổ… Trẻ nên tránh các môn thể thao nặng như tập tạ vì sẽ làm cốt hóa sớm đầu sụn làm hạn chế chiều cao.

Về hệ nội tiết của trẻ, khi chúng hoạt động bình thường, tiết ra đầy đủ các hormone sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao bình thường. Hai loại hormone ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển chiều cao của trẻ là hormone tuyến giáp và hormone tăng trưởng (GH). Việc đánh giá các hormone này có thể thực hiện thông qua xét nghiệm máu, đặc biệt hormone GH thường được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm khoảng 23h-1h nên việc cho trẻ đi ngủ sớm trước 22h và ngủ liền mạch suốt đêm là rất cần thiết để hormone có thể tiết ra được đầy đủ nhất.

Khi nào cần cho trẻ kiểm tra tầm soát chậm tăng trưởng?

Bình thường trẻ mới sinh cao 48-52cm, khi được 1 tuổi sẽ tăng thêm khoảng 20-25cm, khi 2 tuổi tăng thêm khoảng 12cm, khi 3 tuổi tăng thêm khoảng 10cm, 4 tuổi tăng thêm khoảng 7cm. Từ năm 4 tuổi trở đi mỗi năm trẻ tăng khoảng 4-6cm chiều cao. Nếu theo dõi chiều cao của con không đạt được như mức bình thường đó thì cha mẹ nên cho con khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Đối với những trẻ thấp lùn do nguyên nhân thiếu hormone thì việc bổ sung hormone sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Việc điều trị hormone tốt nhất nên tiến hành ở giai đoạn 4-11 tuổi, sau 11 tuổi thì kết quả điều trị kém hơn hoặc không có kết quả do các đầu xương đã cốt hóa. Tuy nhiên, quyết định điều trị bằng hormone để tăng chiều cao nhất thiết phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết để tránh những hậu quả có hại cho trẻ.

TS Ngô Thị Phượng - Ths Nguyễn Thị Thùy Linh
(Khoa Nội tiết, bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tồn đọng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế, Bộ Y tế nói gì?

Tồn đọng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế, Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) -Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I/2023 trong sáng 24/3, Bộ Y tế cho biết hiện có khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét. Để giải quyết, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, cấp số lưu hành.
Nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng vì giết mổ, sử dụng thịt lợn ốm

Nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng vì giết mổ, sử dụng thịt lợn ốm

(PNTĐ) - PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Trung tâm đang cấp cứu và điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn. Một trường hợp bị mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, còn một trường hợp khác bị liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg

Tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg

(PNTĐ) - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur, yêu cầu tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg. Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm, được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta, bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 88%).