Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội và hành trình cứu người

Ghi chép của Thảo Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày này, khi khắp phố phường Hà Nội ngập tràn không khí đón xuân thì các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vẫn căng mình băng qua các cung đường, đối mặt không ít tình huống nguy cấp để cấp cứu, hỗ trợ người bệnh. Những câu chuyện từ họ không chỉ mang đến sự xúc động, mà còn khiến bất kỳ ai cũng phải nể phục về lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội và hành trình cứu người - ảnh 1
BS Nguyễn Đức Quý cùng điều dưỡng Vũ Minh Trang hỗ trợ một trường hợp bệnh nhân bị thương do tai nạn. Ảnh: TH

24/7 sẵn sàng “trực chiến”
8h sáng ngày 4/1/2025, cũng là thứ 7 đầu tiên của năm mới, vừa nhận bàn giao từ tua trực hôm trước, bác sĩ (BS) Nguyễn Đức Quý cùng điều dưỡng Vũ Minh Trang cũng nhận luôn lệnh lên đường tới phố Vọng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỗ trợ một bệnh nhân cao tuổi ngất không rõ nguyên nhân.

Phần việc đầu tiên mới hoàn thành, kíp cấp cứu của BS Quý vừa về tới trụ sở đã lập tức nhận lệnh từ bộ phận điều phối, di chuyển đến phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội). 

Đường tắc, xe nhích từng centimet nhưng đi được quá nửa chặng đường, do gia đình người bệnh báo không đợi được đã chủ động đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhà; nên tổ điều phối của Trung tâm thông báo cả kíp chuyển hướng tới phố Hồng Hà (quận Tây Hồ, Hà Nội) có trường hợp chấn thương vì tai nạn. Thời điểm BS Quý tới, bệnh nhân tỉnh táo, chấn thương phần mềm nhẹ, trẹo khớp háng; ngay sau đó được đưa tới khoa Cấp cứu của BV Đa khoa Xanh Pôn.

Làm các thủ tục bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện xong xuôi, kíp cấp cứu di chuyển về tới trụ sở trên phố Phan Chu Trinh cũng đã cuối buổi sáng. Như một thói quen, BS Quý và điều dưỡng Trang nhanh chóng chuẩn bị cơm trưa. Phải thật nhanh là bởi khoảng thời gian từ 10h-14h thường rất hay có cuộc gọi yêu cầu xe cấp cứu. Trung bình một ngày, kíp cấp cứu có khoảng 15 xe, mỗi xe gồm 3 người (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 lái xe); các xe hầu như chạy liên tục nhưng đôi khi không đáp ứng hết nhu cầu ngay lập tức. Đặc biệt dịp nghỉ lễ, sát Tết, hoặc khi có sự cố bất thường, dịch bệnh, thiên tai địch họa, các xe luôn hoạt động hết công suất, và đương nhiên y bác sĩ cũng vất vả hơn rất nhiều.

Nhớ lại câu chuyện đi cấp cứu bệnh nhân trong thời điểm đầu tháng 9, khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào Việt Nam. Mưa, gió khiến khắp nơi cây đổ, mái tôn lật, cửa kính vỡ, ngập lụt… “Hôm đó là ngày 6/9, trời mưa vừa nhưng gió rất lớn. Bệnh nhân được miêu tả là một người đàn ông lớn tuổi, làm công việc bảo vệ tại một tòa chung cư trên đường Lĩnh Nam.

Nguyên nhân gọi cấp cứu là do cánh cửa kính ngoài sảnh chung cư bị gió thổi lật, đổ vào người bảo vệ dẫn tới gẫy cánh tay, nhiều vết rách chằng chịt. Thời điểm kíp cấp cứu 115 tới, xe cứu thương không thể đi được vào sảnh tòa nhà mà phải men theo tường nhà, các y bác sĩ phải cố gắng dìu người bệnh, khom người bước từng bước một để không bị gió thổi bay.

May mắn là bệnh nhân chỉ bị thương nặng phần tay, chân vẫn có thể di chuyển nên lúc ra xe cứu thương không cần nằm cáng. Nhân viên y tế 115 cuối cùng cũng dìu được nạn nhân an toàn ra xe” - điều dưỡng Vũ Minh Trang kể lại.

Cũng trong ngày 6/9, một tình huống khẩn cấp khác là vào lúc 23h đêm. Cuộc gọi tới Trung tâm cấp cứu là một sản phụ ở phố Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), mang thai nhờ đặt IVF (thụ tinh nhân tạo), có biểu hiện sốt nhẹ, dọa sảy. Ngay khi bộ phận điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 nhận tin báo, kíp nhân sự gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và lái xe lập tức lên đường.

Vì đang trong cơn bão, đường phố khắp nơi hoang tàn, tứ phía cây đổ, xe không thể đi theo trục đường thông thường mà phải lựa, đi vòng để tránh những khu vực bị chặn do cây gãy, đổ, nên ekip vừa đi vừa lo, chỉ sợ lỡ mất thời gian của sản phụ. 

“Nhưng rồi đến nơi mới thấy, khu vực xe 115 đón cũng ngổn ngang không kém, đường vào nhà bị cây đổ chặn. Chúng tôi ôm theo cáng cầm tay, vén cành, chui qua cây mà đi mới có thể tiếp cận được sản phụ. Và hành trình đi ra còn gian nan hơn, vì chúng tôi không đi một mình, mà phải khiêng thêm sản phụ trên cáng với nỗi lo phập phồng nhỡ chẳng may cây đổ hoặc bị vật gì đó bay vào người... rủi ro khó có thể tính được.

Bằng sự cẩn trọng và may mắn, cuối cùng xe đã an toàn đưa sản phụ tới BV Phụ sản Trung ương cấp cứu. Nói vui nhưng là thật, hôm ấy lần đầu tiên kíp nhân viên 115 đi cấp cứu phải đội theo mũ bảo hiểm, cũng để tự bảo vệ chính mình. Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy cả kíp trực thật sự may mắn vì đã vượt bão thành công” - điều dưỡng Trang chia sẻ.

Gian nan nhưng không nản lòng
Làm ngành Y vất vả, nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm cấp cứu 115 công việc lại có không ít khó khăn mang tính đặc thù: Cấp cứu và hỗ trợ bệnh nhân ở nhiều địa điểm, bối cảnh khác nhau, lại thiếu thốn về trang thiết bị y tế. Thông thường, khi tiếp cận người bệnh, việc đầu tiên bác sĩ phải làm là kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, nếu không có vấn đề gì cần can thiệp thêm thì sẽ chuyển tới bệnh viện gần nhất.

“Tuy nhiên, không ít trường hợp, chẳng hạn những ca đột quỵ, ngừng tuần hoàn, có khi bác sĩ phải sơ cấp cứu cả tiếng đồng hồ. Từng có lần, tôi và cả kíp xe, thậm chí người nhà bệnh nhân cũng phải thay nhau hỗ trợ, liên tục ép tim bằng bóng, bằng tay trong thời gian hơn 50 phút cho một bác bị đột quỵ, ngừng tuần hoàn. Đến khi tìm được nhịp thở của bệnh nhân, mọi người ai nấy mình ướt đẫm, vã mồ hôi vì mệt và lo lắng. Nhưng đấy là còn có người nhà bệnh nhân hỗ trợ, chứ nhiều cụ ông, cụ bà ở nhà một mình hoặc nhà chỉ có hai ông bà thì sự vất vả của nhân viên cấp cứu tăng lên gấp bội” - BS Quý nhớ lại.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội và hành trình cứu người - ảnh 2
BS Nguyễn Đức Quý tranh thủ hoàn thành hồ sơ người bệnh ngay trên xe 
cứu thương.

Đi kèm với vất vả, là những người đầu tiên tiếp cận với bệnh nhân nên bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm cấp cứu 115 cũng trải qua không ít khoảnh khắc “ám ảnh”.

“Gần đây nhất và vụ va chạm vào khuya 3/11/2024, một cô gái chừng hơn 20 tuổi bị đoàn xe đua tông phải, tử vong ngay tại chỗ tại khu vực ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo. Lúc tôi tới nơi, cô gái đang nằm úp mặt xuống đường, phía trên đầu chảy rất nhiều máu. Khi đặt tay vào gáy để lật nạn nhân ra kiểm tra thì thấy cổ đã không còn vững, vùng mặt biến dạng, không còn dấu hiệu sinh tồn, đồng tử đã giãn hết cỡ... nên đành để lại nạn nhân ở lại hiện trường, giao các anh công an giải quyết.

Hôm đó về, tôi cứ bị ám ảnh mãi. Nạn nhân còn trẻ quá, tương lai vẫn đang ở phía trước vậy mà vô tình bị hại chỉ vì sự ngông cuồng, đua đòi của những tay quái xế” - BS Quý kể.

BS Quý trầm ngâm, công việc tại Trung tâm cấp cứu 115, là nam giới còn thấy áp lực, thì với chị em phụ nữ được xem là “phái yếu”, sự vất vả chắc chắn gấp nhiều lần.

BS Quý giải thích: “Không phải mọi kíp trực cấp cứu của chúng tôi đều có 1 bác sĩ nam, 1 điều dưỡng nữ (hay ngược lại), mà đôi khi chỉ có 2 chị em nữ giới đi cùng nhau. Đêm hôm hay xa gần đều phải lên đường. Địa hình nào cũng phải vượt qua. Có khi là cấp cứu ở tận khu nghĩa trang, khu bãi nổi sông Hồng, ở nhà vệ sinh, trên đường cao tốc... còn bị người nhà hoặc người đi cùng bệnh nhân dọa nạt, nhưng các chị em vẫn “tinh thần thép”, tự áp chế nỗi sợ của bản thân để chăm sóc cho người bệnh, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cứu người”.

Vất vả là thế, nhưng tiếc rằng vẫn có nhiều người chưa thực sự hiểu và cảm thông với các nhân viên y tế, chưa kể còn trêu đùa. BS Quý kể, có lần Trung tâm nhận được điện báo về việc có bệnh nhân đau đầu dữ dội, chóng mặt, nghi đột quỵ. Xe cứu thương lên đường trong tâm thế khẩn trương, vừa lo vừa mong bệnh nhân được an toàn. Nhưng khi xe tới địa chỉ được báo (là một quán bia), bác sĩ gọi cả chục cuộc vẫn không thể liên lạc người đặt; bên trong một nhóm thanh niên đang uống bia, khi thấy xe thì cười ồ lên”- BS Đức vừa nói, vừa thở dài.

Ấy thế mà hơn trăm con người tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội bao năm qua vẫn cứ miệt mài, tận tâm, tận lực gắn bó với công việc của mình. Bởi với họ, đây thực sự là công việc càng làm càng thấy ý nghĩa và đầy tính nhân văn.

Bên cạnh những vất vả hay sự ám ảnh thì các anh chị cũng đón nhận không ít niềm vui. Đó là cái thở phào nhẹ nhàng khi cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh sau cả tiếng đồng hồ ép tim; hay những giọt nước mắt cảm ơn hạnh phúc của các gia đình khi giúp người thân của họ thoát “cửa tử”.

Hay như điều dưỡng Trang, còn được một sản phụ nhận làm “mẹ đỡ đầu” cho con mình, sau khi chị và bác sĩ trong kíp giúp đỡ đẻ thành công, an toàn cho sản phụ ngay tại nhà. Những niềm vui như vậy tuy nhỏ nhưng góp nhặt từng ngày lại trở thành động lực vô cùng to lớn, để mỗi bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm 115 thêm yêu nghề, thêm gắn bó với công việc cứu người.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Từ 1/1/2025, người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID

Từ 1/1/2025, người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID

(PNTĐ) - Từ 1/1, với việc chính thức triển khai mua thuốc của nhà thuốc Long Châu bằng phương pháp trực tuyến trên ứng dụng VneID, không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, mà còn đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bảo mật thông tin nhờ hệ thống công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại, tạo ra sự tiện lợi và an tâm cho khách hàng.
Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương trực tiếp cắt dây rốn cho em bé đầu tiên của năm 2025

Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương trực tiếp cắt dây rốn cho em bé đầu tiên của năm 2025

(PNTĐ) - Vào đúng 0h00 ngày 1/1/2025, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện, BS CKII Phan Thị Thu Nga - Phó trưởng khoa Khám bệnh cùng cả ê kíp đã vui mừng đón công dân nhí đầu tiên chào đời bằng phương pháp sinh thường trong niềm xúc động và hân hoan.
Tước giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng

Tước giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng

(PNTĐ) - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện cơ xương khớp Minh Y Đường Hà Nội đã mắc hàng loạt các sai phạm trong quá trình hoạt động, trong đó có hành vi khám chữa bệnh vượt quá phạm vi được cấp phép, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho bệnh nhân…