Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng là “không thể chối cãi”

Chia sẻ

Trong phần đối đáp sáng ngày 26/4, Đại diện Viện Kiểm sất cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Vũ Huy Hoàng đã có chứng cứ vật chất ghi lại, không thể chối cãi.

Sáng 26/4, phiên toà sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm khác trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục diễn ra.

Đối đáp với các luật sư bào chữa của các bị cáo về việc việc thực hiện các hành vi phạm tội trong vụ án này là không có ý thức chủ quan, VKS cho rằng, các bị cáo trong vụ án là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công thương và UBND TP Hồ Chí Minh, có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác. Các bị cáo được phân công nhiệm vụ quản lý ngành Công thương trên toàn quốc và quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy đinh jveef quản lý đất đai.

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp tại phiên toàĐại diện Viện kiểm sát đối đáp tại phiên toà.

Các bị cáo biết rõ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) là khu đất không thuộc diện được sắp xếp lại, nhưng các bị cáo đã thực hiện các công văn chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất trên là tài sản Nhà nước sang Tài sản tư nhân là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 2.713 tỷ đồng. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận lời bào chữa của các luật sư và các bị cáo về việc không nhận thức được việc cho Sabeco Pearl chuyển nhượng đất sang mục đích khác.

VKS khẳng định, mỗi bị cáo trong vụ án này thực hiện một khâu độc lập, nhưng lại là các mắt xích dẫn đến sai phạm trong vụ án này. Bị cáo Vũ Huy Hoàng có vai trò là chủ đạo, còn các bị cáo khác tham mưu cho người có vai trò, quyết định lớn hơn trong việc giải quyết công việc của Nhà nước.

Hầu hết các bị cáo tại phiên toà đều thừa nhận sai phạm của mình. Các luật sư cũng thừa nhận thân chủ của mình có hành vi phạm tội, tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn về tội danh và đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh cho các bị cáo.

Đối đáp về ý kiến của Luật sư trong việc các bị cáo không phải là đồng phạm, VKS cho rằng, VKS không truy tố các bị cáo phạm tội có tổ chức mà chỉ phân hoá vai trò chính và đồng phạm, tiếp nhận ý chí của nhau. Việc cá bị cáo nói không thẩm định được các sai phạm từ cấp dưới chuyển lên là không đúng và là sự nguỵ biện.

Các bị cáo tại ToàCác bị cáo tại Toà.

Đối với nhóm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, người đại diện VKS cho rằng, lý lẽ của bị cáo Hoàng và luật sư của bị cáo đưa ra chỉ là những lời nguỵ biện để chối bỏ hành vi sai trái. Bị cáo biết rõ sai nhưng vẫn thực hiện hành vi và đã để lại hậu quả đặc biệt lớn. Các bị cáo bị truy tố là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Thực chất, khu đất này theo hồ sơ pháp lý, từ năm 2007 đến 30/6/2015 là doanh nghiệp nhà nước (89,59% vốn nhà nước), từ 1/7/2015, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Sabeco là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Lúc đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công thương là người đầu tiên chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, lẽ ra các bị cáo phải làm đúng theo quy định của pháp luật, nhưng bị cáo Hoàng lại làm sai. Bị cáo Hoàng chỉ đạo trực tiếp, ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình.

Đại diện VKS cho rằng, hành vi tiếp theo của bị cáo Hoàng mang tính quyết định là việc duyệt giá bán cổ phần của Sabeco thấp hơn giá thực tế. Đây là điểm mấu chốt để phát sinh ra những thiệt hại sau này của dự án. Khi yêu cầu góp vốn, bị cáo gây sức ép với Sabeco, yêu cầu thoái vốn bằng thông báo 1450/BCT-CNN gửi tổng công ty Cabeco, trong đó chỉ đạo thực hiện các thủ tục để thoái vốn và xây dựng phương án thoái vốn của TCT Sabeco tại công ty Sabeco Pearl.

“Tại cuộc họp ngày 29/3/2016 do bị cáo Vũ Huy Hoàng chủ trì, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, giá trị cổ phần là 14.433 đồng/cổ phần mà ông Võ Thanh Hà và các thành viên liên quan khác báo lên là giá giả định trong tương lai và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phần, thành tiền là hơn 196 tỷ đồng.

Theo quy định, trong trường hợp nếu thoái vốn hoặc chuyển đổi vốn đầu tư thì công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bị cáo Hoàng đã thực hiện thoái vốn và định giá không đảm bảo nguyên tắc của thị trường. Hành vi đó gây hậu quả, thất thoát, thiệt hại tài sản lớn cho Nhà nước” – đại diện VKS cho biết.

Đối đáp với quan điểm của luật sư cho rằng, không có hậu quả thiệt hại xảy ra, Đại diện VKS khẳng định, nếu vụ án không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời, các bị cáo kịp chuyển nhượng khu đất cho các bên khác nhau thì thậm chí không đòi lại được quyền quản lý sử dụng đất nữa. “Lúc đó, liệu các bị cáo ngồi đây có đủ tiền bồi thường cho Nhà nước 2.700 tỷ đồng không? – VKS đặt câu hỏi.

VKS cho rằng, thiệt hại là có, nhưng VKS xác định HĐXX tuyên bố các bị cáo phạm tội và huỷ bỏ quyết định cho thuê đất trái pháp luạt thì mới thu được về cho nhà nước quản lý.

Trong vụ án này, quá trình điều tra, VKS cùng cơ quan điều tra thu giữ những chứng cứ vật chất để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì các lý lẽ trên, việc truy tố hai bị cáo Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với nhóm tội vi phạm quy định về quản lý đất đai, VKS khẳng định, bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh là người giữ vai trò chính. Bị cáo biết khu đất 2-4-6  Hai Bà Trưng đã được sắp xếp cho Sabeco xây dựng Khu phức hợp 6 sao, Trung tâm thương mại, Trung tâm hội nghị, hội thảo và Cao ốc Văn phòng cho thuê, không áp dụng việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án theo quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lẽ ra, bị cáo Tín thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, khi Sabeco không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải tiến hành thu hồi khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, sau đó định giá, và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng bị cáo Tín vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl không phải là doanh nghiệp nhà nước được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và thuê đất thực hiện dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng trái quy định của pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.

Để ký các quyết định này, bị cáo Tín có sự tham mưu của các bị cáo khác thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh… Bị cáo Tín đã thừa nhận trách nhiệm và sai phạm của mình.

Các bị cáo Lâm Nguyên Khôi, Lê Quang Minh chưa lấy ý kiến liên ngành theo chỉ đạo của bị cáo Tín, đã thực hiện hành vi tham mưu, đề xuất để UBND TP chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư, được thực hiện nghĩa vụ tài chính, là cơ sở để các sở, ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND TP cho Sabeco Pearl thuê đất trái quy định pháp luật.

Các bị cáo  Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương cũng đồng tình và bỏ qua bước lấy ý kiến sở ngành để đồng ý và ký các tờ trình tham mưu, đề xuất đồng ý với các văn bản đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường để bị cáo Tín ký các văn bản chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư khu đất.

Đối với các bị cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời điểm vi phạm đã có chức vụ nhất định, chức trách nhiệm vụ của các bị cáo hiểu rất rõ. Chỉ đạo của cấp trên là hình thức, nhưng trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu thấy không đúng, các bị cáo phải có ý kiến tham mưu với lãnh đạo nhưng lại đồng loạt tiếp nhận ý chí của cấp trên, không có phản hồi nào, dẫn đến hành vi trái pháp luật.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Bắt tạm giam một hiệu trưởng trường mầm non

Hà Nội: Bắt tạm giam một hiệu trưởng trường mầm non

(PNTĐ) - Ngày 21/1, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Xuyên đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Thỏa (sinh năm 1970, trú tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) là Hiệu trưởng Trường mầm non xã Phượng Dực để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Khoản 2, Điều 356, Bộ Luật Hình sự năm 2015.