Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới

Chia sẻ

Đầu tháng 11/2021, báo cáo của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc (LHQ) nêu hiện tượng một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập và lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản hồi về sự việc này.

Báo cáo của nhóm chuyên gia được đăng tải trên website của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 04/11/2021 có đoạn: “Chúng tôi nhận thấy ​​tội phạm buôn người đang nhắm vào những phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam có hoàn cảnh sống khó khăn”.

Số liệu của LHQ cho thấy trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 3/9 đến 28/10/2021 đã có khoảng 205 phụ nữ Việt Nam, trong đó có nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người đã được hồi hương. Các chuyên gia kêu gọi Việt Nam tăng cường hỗ trợ nhóm phụ nữ này về cả pháp lý, chăm sóc y tế và tâm lý xã hội.

Theo các chuyên gia, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số thiếu nữ và phụ nữ bị chủ lao động lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn nhẫn khi đến Ả-rập Xê-út. Họ không được cung cấp thực phẩm đầy đủ, không được điều trị y tế, không được trả lương, hoặc chỉ được hưởng lương thấp hơn mức lương ghi trong hợp đồng.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp bảo vệ lao động nữ tại nước ngoài. Ảnh: BNG.Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp bảo vệ lao động nữ tại nước ngoài. Ảnh: BNG.

Cơ quan này nhấn mạnh tình trạng một số công ty khai khống tuổi của trẻ em gái để có thể đưa các em sang Ả-rập Xê-út làm giúp việc gia đình, nhắc lại trường hợp của em H Xuân Siu - thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi đã mất do bị chủ ngược đãi.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng ngay sau khi nhận thông tin về báo cáo của nhóm chuyên gia Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới cũng như tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Trẻ em năm 2016.

Về những vụ việc lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. “Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cũng phối hợp với công ty phái cử của các lao động để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm tranh chấp với chủ sử dụng nhằm bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam” - bà Hằng cho hay.

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng bằng nỗ lực không mệt mỏi, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các hãng hàng không tổ chức nhiều chuyến bay, hồi hương gần 800 công dân về nước. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng sở tại để tổ chức thêm nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân, cũng như phù hợp với tình hình dịch bệnh trên thế giới và năng lực cách ly của Việt Nam”.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là người lao động ở nước ngoài, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Trên tinh thần đó, với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đại diện của mình trao đổi với các cơ quan chức năng, các công ty quản lý và sử dụng lao động, cũng như giữ liên lạc với cộng đồng người Việt Nam sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, lao động ở nước ngoài. Sẵn sàng thực hiện ngay các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.