Kỳ cuối: Cùng chị em nhận diện và chủ động tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ

Chia sẻ

Sau 4 năm thực hiện, Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2027” trên địa bàn TP Hà Nội đã gần kết thúc giai đoạn 1 (2018-2022).

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội chủ trì hội nghị đối thoại về các giải pháp nâng cao điều kiện sống đối với nữ lao động di cư tại quận Hoàn Kiếm tháng 11/2021Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội chủ trì hội nghị đối thoại về các giải pháp nâng cao điều kiện sống đối với nữ lao động di cư tại quận Hoàn Kiếm tháng 11/2021 (Ảnh: Hoàng Lan)

Báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội về kết quả đã đạt được, những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án, và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án trong giai đoạn 2.

- Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết đánh giá về những kết quả nổi bật của Đề án mà các cấp Hội đã thực hiện trong thời gian qua?

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” của Chính phủ ban hành theo quyết định số 038/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 938) được Hội LHPN Hà Nội triển khai từ cuối năm 2017, đầu năm 2018  với vai trò được UBND Thành phố phân công là cơ quan Thường trực triển khai; các sở, ban, ngành Thành phố phối hợp thực hiện.

Đúng như tên gọi, một điểm nhấn quan trọng và mang tính quyết định của Đề án là lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa làm chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hướng đến xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Thay cho việc chỉ hỗ trợ phụ nữ “giải quyết” thì với Đề án này, chúng tôi mong muốn chị em từ thế bị động sang chủ động nhận diện và chủ động “tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội” mà họ đang gặp phải.

Từ khi triển khai đến nay, Đề án đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra của giai đoạn 1. Đề án đã hỗ trợ cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật,  giáo dục làm cha mẹ tốt cho 750.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi (đạt 187.5%); 100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội (đạt 125%). 75.500 đối tượng phụ nữ (bao gồm cả đối tượng phụ nữ đặc thù như lao động nhập cư, phụ nữ yếu thế…) thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm sau khi được hỗ trợ thông qua Đề án đã được tác động có chuyển biến tích cực về hành vi (đạt 137,3%);350.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.

Tuy nhiên, với chúng tôi, hiệu quả không chỉ nằm ở những con số nêu trên mà quan trọng hơn, nhiều nội dung của Đề án đã được các Sở, Ban, Ngành của Thành phố và các cấp chính quyền địa phương đưa vào nội dung kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội hằng năm. Đặc biệt, Đề án còn thành công khi đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực, chủ động của nhiều phụ nữ. Từ năm 2020, khi Hội LHPN Hà Nội triển khai hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nữ lao động  nhập cư đã phản ánh với chúng tôi về việc khó khăn trong tiếp cận để được thụ hưởng chính sách, nhất là rào cản về thủ tục hành chính. Từ đó, chúng tôi có thêm nguồn dữ liệu, thông tin để làm việc, kiến nghị với chính quyền địa phương, thúc đẩy tiến độ triển khai chính sách sớm cho người dân thuộc diện được thụ hưởng, đặc biệt là chị em lao động nhập cư. Tại nhiều buổi truyền thông ngoài trời, truyền thông trực tiếp kết hợp với trực tuyến về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, nhiều chị em ở nhóm phụ nữ đặc thù đã thể hiện sự tự tin, kỹ năng, hiểu biết trong việc đóng góp tiếng nói, quan điểm của mình.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án còn gặp những khó khăn, hạn chế nào không, thưa đồng chí? Và có điều gì còn khiến đồng chí trăn trở?

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn một số khó khăn như có nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện về kinh phí nên rất khó triển khai hoạt động tuyên truyền, giám sát xây dựng các mô hình điểm. Việc điều hành, tổ chức hoạt động một số mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng ở một số nơi vẫn còn hình thức, chưa có sức lan tỏa. Cùng với đó, một số vấn đề xã hội nảy sinh như ly hôn trong các gia đình trẻ có xu hướng gia tăng, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng lớn của dịch bệnh covid-19… đang tác động trực tiếp tới cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ.

Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ một số điều. Hơn 3 năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã tham gia giải quyết một số vụ việc xâm hại bạo hành phụ nữ, trẻ em gái. Tuy nhiên, có sự việc đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền, cộng đồng… chưa phát hiện được hoặc chưa cho đó là sự việc nghiêm trọng cần can thiệp. Vẫn còn không ít nạn nhân cho rằng mình bị bạo hành là “nội bộ gia đình” nên im lặng. Có vụ việc trẻ em gái bị xâm hại tình dục, người thân của em lại chấp thuận sự đền bù khác thay bằng lên tiếng đưa vụ việc ra xử lý theo qui định của pháp luật. Khi trực tiếp tham gia các vụ việc này, tôi chỉ mong có thể làm được nhiều việc hơn nữa để  góp phần nâng cao nhận thức cho chị em và các thành viên trong gia đình cũng như thay đổi góc nhìn của một số cấp chính quyền, cộng đồng. Bởi vì, sự chung tay mạnh mẽ của toàn xã hội sẽ xây dựng tốt hơn, sớm hơn nữa môi trường sống an toàn, bình đẳng, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em.

- Xin đồng chí cho biết trong giai đoạn 2(2023-2037), Đề án sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Ở giai đoạn 2, Đề án sẽ tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động, thực hiện các giải pháp để tham gia giải quyết  4 nội dung trọng tâm sau: Vấn đề bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới (bao gồm cả vấn đề hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh); Các vấn đề về An toàn vệ sinh thực phẩm; Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em (bao gồm cả phòng chống bạo lực học đường, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại tình dục trẻ em…); Các vấn đề xã hội khác hiện nay đang có ở Việt Nam, Hà Nội và tại các địa bàn của Hà Nội (dịch bệnh, an sinh xã hội…).

Với vai trò cơ quan thường trực thực hiện Đề án 938 (trong cả hai giai đoạn), Hội LHPN Hà Nội đã đề ra các giải pháp cụ thể, như: tiếp tục đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho các nhóm đối tượng phụ nữ  trên địa bàn; việc xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ sẽ được tập trung chỉ đạo, triển khai. Trên cơ sở tình hình thực tế, những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương liên quan đến phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ và các ban, ngành sẽ chủ động lựa chọn nội dung tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề đó, sẽ giám sát nhiều hơn việc giải quyết các vụ việc xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Các cấp Hội sẽ tăng cường năng lực dự báo, phát hiện các vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ để chủ động tham gia giải quyết; chủ động hơn nữa trong việc tham gia và kiến nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn.

Vừa qua, trong giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Hội LHPN Hà Nội đã thực hiện chương trình thăm, tặng quà lao động nữ nhập cư tại nhiều địa bàn của Thành phố. Khi đến quận Hoàng Mai, một nữ lao động vừa thấy chúng tôi đến thăm đã nhận ra ngay, chị rưng rưng kể lại về chiếc áo dài được lãnh đạo Thành Hội tặng. Năm ấy, chúng tôi tổ chức cuộc thi trình diễn áo dài cho lao động nhập cư. Thấy chị em chưa có áo dài mặc, chị em cán bộ Hội chúng tôi đã tặng áo dài cho các chị. Nhiều năm đã qua, các chị vẫn gìn giữ bộ áo dài và lấy đó làm động lực để hăng hái tham gia các hoạt động Hội, hỗ trợ nhau vươn lên, sống tuân thủ pháp luật. Trước khi chia tay, chị nữ lao động di cư đã nắm chặt lấy tay tôi. Cái nắm tay ấm áp khiến tôi càng tin chúng tôi đang đi đúng hướng. Đó là khi thực hiện Đề án, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, mỗi giải pháp, hoạt động được  triển khai sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi chúng ta có sự tâm huyết, trách nhiệm, nhạy bén và tình yêu thương. Chính sự sẻ chia chân thành với chị em, chỉ giản dị vậy thôi nhưng sẽ tạo nên hiệu quả lớn, giúp chị em tự tin để vượt qua khó khăn, sống tốt. 

Trong thời gian tới, cùng với các mục tiêu trong đề án, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa hoạt động thiết thực thực hiện vai trò chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, quan tâm đến phụ nữ yếu thế, phụ nữ đặc thù… qua đó khẳng định tổ chức Hội luôn là địa chỉ tin cậy, thân thương để chị em được hỗ trợ, được bảo vệ, được phát triển và được cống hiến.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 THU HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.