Kỳ 2: Hướng tới sản xuất hàng hoá, nông thôn đổi mới

Chia sẻ

Cùng với các hoạt động hỗ trợ vay vốn giúp phụ nữ thoát nghèo, nâng cao đời sống, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh hỗ trợ kiến thức kinh doanh, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt giúp chị em thay đổi tư duy, tiếp cận các mô hình liên kết phát triển, hướng tới sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hoá.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ vay vốn giúp phụ nữ thoát nghèo, nâng cao đời sống, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh hỗ trợ kiến thức kinh doanh, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt giúp chị em thay đổi tư duy, tiếp cận các mô hình liên kết phát triển, hướng tới sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hoá, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Vườn bưởi Diễn hữu cơ cho giá trị kinh tế của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến được trồng thành công trên “vùng đất khó”Vườn bưởi Diễn hữu cơ cho giá trị kinh tế của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến được trồng thành công trên “vùng đất khó”.

 Thay đổi tư duy, tiếp cận cách làm mới

Yên Bài là một trong 3 xã có đàn bò sữa lớn nhất huyện Ba Vì. Chăn nuôi đàn bò sữa cho giá trị kinh tế ổn định, không gặp nhiều khó khăn về giá cả, dịch bệnh như chăn nuôi lợn. Vì vậy, đây là vật nuôi chủ lực giúp xoá đói giảm nghèo cho nhân dân và hội viên phụ nữ ở xã xa trung tâm, đời sống của hội viên gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nhiều hội viên là người dân tộc Mường. Yên Bài cũng là địa bàn sớm được tổ chức Hội hỗ trợ các điều kiện về vốn, kiến thức để thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sữa - mô hình kinh tế tập thể có nhiều ưu điểm giúp chị em phát triển kinh tế bền vững.

Chị Kim Thị Đào - Tổ trưởng THT chăn nuôi bò sữa xã Yên Bài cho biết: Trước khi vào THT, chị em chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, giá bán sữa không ổn định, thu nhập bấp bênh. Tham gia THT, các thành viên thay đổi rất nhiều cách thức chăn nuôi, tư duy kinh doanh. Thay vì chăn nuôi theo “lối mòn”, chị em được tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ vốn để đầu tư hạ tầng. Nhờ đó, đàn bò phát triển tốt hơn trông thấy, dịch bệnh ít xảy ra hơn, cho sữa nhiều hơn, chất lượng sữa tốt hơn góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm sữa, tăng thu nhập. Đây là động lực để khuyến khích chị em hăng say lao động, chịu khó học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để tự tin tái đầu tư và mở rộng sản xuất, góp phần tăng quy mô đàn bò cho THT.

Theo chị Đào, chị em được cung cấp “nguồn vốn” rất cần thiết, không phải là tiền bạc mà được mở rộng hơn, là kiến thức về chăn nuôi, kiến thức về kinh doanh và quy luật thị trường…Chị em biết xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn việc cung ứng sữa với nhu cầu và biến động của thị trường để kịp thời điều tiết sản xuất… Vì thế, cuộc sống của đa phần chị em trong THT đều thay đổi tốt hơn, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 “Mô hình THT chăn nuôi bò sữa là một hướng đi đúng đắn, giúp hội viên phụ nữ tìm kiếm được hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương. Ngay cả thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhờ liên kết với các đơn vị thu mua, các thành viên vẫn được đảm bảo đầu ra, thu nhập ổn định với mức từ 10- 20 triệu đồng/tháng” - chị Kim Thị Đào chia sẻ. 

Tại huyện Phú Xuyên, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, THT sản xuất, kinh doanh giầy dép da xã Phú Yên được thành lập và là mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ hoạt động rất hiệu quả. THT quy tụ 30 thành viên là cán bộ, hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh giày dép da trên địa bàn xã. Chị Bùi Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết:  Mô hình THT sản xuất, kinh doanh giày dép da liên kết những hội viên có hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, dễ bị thiệt thòi khi tham gia thị trường để cùng sản xuất, kinh doanh, giúp chị em tăng khả năng tiếp cận thị trường, được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế xã làng nghề phát triển.

 Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, chị Hắc Thị Hương - một thành viên của THT đã ký kết được hợp đồng sản xuất giầy dép da với đối tác tại nước bạn Lào trị giá hàng tỷ đồng. Từ hiệu quả của THT đầu tiên, Hội LHPN xã Phú Yên đã thành lập thêm hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh giầy dép da Hằng Nguyễn với 9 thành viên. Bên cạnh đó, nhiều chị em được giúp đỡ khởi sự kinh doanh, hỗ trợ vốn, kiến thức, kinh doanh và được tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. “Việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã là một bước ngoặt lớn để chị em thay đổi cách làm, tư duy theo xu thế thị trường, góp phần quan trọng làm tăng hộ giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển thương hiệu của xã làng nghề” - chị Bùi Thị Hằng cho hay.

Đổi thay ở những vùng đất khó

Trang trại gà đồi của thành viên THT gà đồi Tiến Xuân, huyện Thạch ThấtTrang trại gà đồi của thành viên THT gà đồi Tiến Xuân, huyện Thạch Thất

Nhằm khuyến khích chị em phát huy nội lực, hỗ trợ phụ nữ tự tin làm kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, khởi sự kinh doanh, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với việc thực hiện Chương trình 02 của Thành uỷ về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Chủ trương này  đã tạo ra “luồng gió mới” trong việc thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều chị em mạnh dạn, tự tin khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đề xuất nhiều ý tưởng mới, cho ra đời các sản phẩm sáng tạo, có thương hiệu. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển Hà Nội trực thuộc Hội LHPN Hà Nội đã khẳng định được vai trò kết nối và hỗ trợ tích cực phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Thủ đô cũng như mở rộng nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

 Sự thành công của mô hình liên kết: THT, HTX do phụ nữ làm chủ cũng được lan toả rộng rãi. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập 15 HTX; 20 THT, 50 tổ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế với các ngành nghề kinh doanh chính là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhiều mô hình đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, kết nối tiêu thụ hiệu quả như HTX nông sản Phú Xuân Hương liên kết 50 hội viên sản xuất nông nghiệp của các xã Nghĩa Hương, Phú Cát, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); HTX giun quế (huyện Sóc Sơn), HTX hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), HTX thủ công mỹ nghệ Phước Uyên và THT giầy da Hằng Nguyễn (huyện Phú Xuyên), THT sản xuất và tiêu thụ rau Văn Đức (huyện Gia Lâm), THT gà đồi Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), THT chăn nuôi bò sữa Yên Bài (huyện Ba Vì)... Trong đó, nhiều HTX, THT được thành lập tại các xã miền núi khó khăn đã trở thành “cú hích” cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. 

Xã miền núi Tiến Xuân, huyện Thạch Thất có diện tích vườn đồi rất lớn, nhân dân và các hội viên chủ yếu sinh sống trên các sườn đồi, nhiều nông hộ sở hữu vườn đồi rộng từ 1-10ha là điều kiện thuận lợi để phát triển đàn gà thả vườn chất lượng cao. Chất lượng gà đồi Tiến Xuân không thua kém với gà thả vườn ở các huyện có địa hình tương tự như Ba Vì, Sóc Sơn. Tuy nhiên, trong khi gà đồi các địa phương khác đã phát triển, tạo dựng được thương hiệu thì việc tiêu thụ gà đồi ở Tiến Xuân còn gặp nhiều khó khăn. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gà, mở rộng thị trường tiêu thụ, Hội LHPN xã đã thành lập THT gà đồi với 15 thành viên do chị Bùi Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã làm Tổ trưởng.

Theo chị Ngọc, mỗi gia đình hội viên tham gia THT có quy mô đàn gà từ 500 con trở lên. Được sự quan tâm của các cấp Hội, chị em đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi giúp cho việc chăn nuôi tiếp cận theo hướng công nghệ sinh học vừa góp phần bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, các thành viên được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, kiểm định chất lượng nên gà thương phẩm cung cấp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tiêu thụ của thành viên THT thuận lợi hơn, lượng hàng bán ra tăng giúp các thành viên có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống. Bí thư Đảng uỷ xã Quách Hữu Hiền đánh giá cao mô hình THT gà đồi hỗ trợ các gia đình tiếp cận phương thức chăn nuôi sạch, mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định chất lượng hàng hoá, giúp các hộ yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao mức sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Có diện tích rộng như xã Tiến Xuân nhưng xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ không có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng… để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, bằng sự năng động, cần cù, các hội viên phụ nữ xã, thành viên của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã biến vùng đất cằn chỉ trồng ngô, trồng sắn thành những vườn bưởi, ruộng lúa, luống rau hữu cơ cho giá trị kinh tế cao. Đầu năm 2019, ngay sau khi thành lập, ban chủ nhiệm HTX quyết định thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, các xã viên được hỗ trợ giống, quy trình canh tác để chuyển đổi  theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự chuyển đổi này khiến xã viên phải thích ứng quy trình mới được kiểm soát rất chặt chẽ, quy củ. Song bù lại, nông sản thu hoạch cho chất lượng tốt, bà con không lo bán hàng mà được HTX bao tiêu toàn bộ để cung ứng cho các nhà hàng, siêu thị và đang hướng tới xuất khẩu. Với mỗi héc ta trồng rau, bưởi hữu cơ cho giá trị kinh tế từ 200-500 triệu đồng/năm, thu nhập của xã viên ngày càng được nâng cao, cái nghèo cái đói được đẩy lùi, chung sức cùng chính quyền xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đưa xã Nam Phương Tiến trở thành vùng cung cấp nông sản theo hướng hàng hoá, trong đó chủ lực là quả bưởi Diễn.

Bài và ảnh: HẠNH LÊ

 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.