Đặc sắc Lễ hội thả diệu ở làng Bá Dương Nội - Đan Phượng

Chia sẻ

Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội có nghề truyền thống làm diều hàng nghìn năm nay. Điều đáng nói là người dân nơi đây không làm diều để bán, họ làm diều chỉ để thỏa mãn thú chơi diều và tự hào được mang diều đi giao lưu trong các lễ hội diều trong nước và quốc tế.

Yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên nên người làng này hầu như ai cũng thích và biết chơi diều. Cả trẻ em và người lớn hầu hết ai cũng có thể tự làm diều cho mình. Mỗi cánh diều đã đi vào tuổi thơ, làm phong phú thêm tâm hồn của biết bao con người. Là những nhà nông chính hiệu nhưng họ có đôi tay khéo léo nên những con diều ở làng Bá Dương Nội được người dân làm khá kỳ công. Môi trường ở đồng làng ít gió, nên cánh diều của làng Bá Dương Nội làm mỏng và nhẹ để dễ bay cao. Diều được làm bằng tre, nhưng phải chọn loại tre già, trồng ở vùng đồng bằng có độ dẻo và cứng vừa phải. Thời điểm chặt tre cũng quan trọng, phải chặt vào mùa đông, phơi khô, gác trên gác bếp cho đanh lại, mới không bị mối mọt. Điều quan trọng là để khi làm bộ khung của diều sẽ cứng, dẻo, bền và nhẹ nhất có thể. Cánh diều xưa kia thường được dán giấy dó. Ngày nay người ta thay bằng một loại vải mềm, bền và chắc hơn. Kể cả khi diều no gió bay lên cao nhưng không bị bục, bị rách.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Nguyễn Hữu Kiêm, Nghệ nhân Ưu tú, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thả diều của xã cho biết: “Diều làng Bá Dương Nội là diều truyền thống không có đuôi và tất cả đều là diều sáo. Ở đây có 3 loại cánh diều đặc biệt. Diều cánh muỗm, cánh diều dài to, nhọn, hơi cong. Loại diều này có đặc tính đèo được nhiều sáo, dễ lên cao. Diều cánh chanh có cánh bầu hình như lá chanh, loại này bay cao hơn diều cánh muỗm. Loại thứ ba là diều cánh mộc, tức là cánh rộng, đầu cánh tròn, diều này đèo ít sáo nhưng lại bay rất cao, nhưng điều khiển rất khó. Hiện nay đa số mọi người làm diều cánh chanh, đơn giản hơn mà cũng bay được cao”. Bởi thế, người thưởng thức vừa được ngắm những cánh diều bay bổng, vừa được nghe những âm thanh vi vu vi vút của sáo diều. Khi ấy, tâm hồn như được thăng hoa, cuộc sống thêm nhiều hy vọng, lãng mạn, đáng yêu hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến với làng Bá Dương Nội vào dịp Rằm tháng 3 âm lịch hằng năm, du khách sẽ không chỉ được biết về cách thức làm diều mà còn được hòa mình vào không khí náo nức, vui tươi của một lễ hội thả diều lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Dân làng thả diều để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bệnh tật tiêu tan. Nếu diều càng lên cao, tiếng sáo kêu càng hay thì năm đó dân làng càng có cuộc sống sung túc, hạnh phúc.

Người làng Bá Dương Nội tự hào vì đã nhiều lần được mời tham dự Festival diều ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia… Thú chơi diều từ đời này qua đời khác luôn được các thế hệ con cháu trong làng cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

THÁI DŨNG (Biên soạn và tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.