Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.

Những khu nhà trọ an toàn

Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 2 khu công nghiệp khu công nghiệp là Quang Minh 1, Quang Minh 2 với khoảng 40 ngàn lao động. Trong đó, công nhân lao động đang ở tại các khu nhà trọ chiếm khoảng trên 65%. Để có thể xây dựng môi trường sống an toàn cho công nhân, trên địa bàn đã thành lập được 22 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tại các nơi có đông công nhân thuê trọ. Các công nhân còn được tham gia các buổi tư vấn pháp luật trực tiếp, tư vấn ngoài giờ vào buổi tối tại các tổ tự quản khu nhà trọ.

Qua các buổi tư vấn, công nhân đã được giải đáp thắc mắc về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và đời sống người lao động như Luật Lao động với các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, công tác phòng cháy chữa cháy- tìm kiếm cứu nạn và các luật khác liên quan đến người lao động,...

Đánh giá cho thấy, những buổi tư vấn đã giúp công nhân lao động nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó, anh chị em sẽ tự tin, tự chủ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình và doanh nghiệp cũng hạn chế những vi phạm pháp luật lao động. Việc tuân thủ quy định pháp luật trong các quan hệ lao động cũng đã giúp tránh được tình trạng đình công, lãn công trái pháp luật gây ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp. 

Thông qua Tổ tự quản, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cũng đã kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và những bức xúc nảy sinh để có biện pháp giải quyết phù hợp; phối hợp với lực lượng công an tổ chức phát động các phong trào đấu tranh và tố giác tội phạm, gắn việc sinh hoạt Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với sinh hoạt tổ dân phố định kỳ hàng tháng để tuyên truyền phòng chống tội phạm.

Nâng cao hiểu biết cho người lao động - ảnh 1
Hoạt động chăm sóc sức khỏe miễn phí cho công nhân lao động.

Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, người lao động luôn là một chủ trương lớn, được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và duy trì các Điểm sinh hoạt văn hóa tại doanh nghiệp đóng vai trò hết sức thiết thực, là nơi để công nhân nghỉ ngơi, giải trí, giao lưu, học hỏi sau những giờ làm việc căng thẳng, góp phần tái tạo sức lao động.

Mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng là điểm sáng trong việc góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, người lao động. Năm 2009, mô hình đầu tiên đã được thành lập tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. Sau 15 năm, đến nay đã xây dựng và nhân rộng thêm nhiều Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Gần đây nhất, vào năm 2024, Điểm sinh hoạt văn hóa tại Công ty TNHH Lixil Việt Nam đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đánh giá cho thấy, các điểm sinh hoạt sau khi ra đời đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế hạn chế các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân lao động

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Thành phố, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu hút công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, thực tiễn hoạt động tại khu vực doanh nghiệp FDI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý lao động và quan hệ lao động, đặc biệt là tình trạng vi phạm pháp luật lao động, tranh chấp lao động tiềm ẩn do người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, người sử dụng lao động chưa chấp hành đầy đủ quy định pháp lý.

Để tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong công nhân lao động và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp FDI, hàng năm, các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp và gián tiếp tại doanh nghiệp đều đã được triển khai thường xuyên. Các cuộc tuyên truyền được tổ chức tại phân xưởng công ty, nhà ăn ca, ký túc xá, khu vực sinh hoạt tập thể và kết hợp với hội nghị NLĐ, tập huấn nội quy và đối thoại định kỳ. Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp, ghi nhận cho thấy, đã có khoảng 60 doanh nghiệp lớn vận hành hệ thống mã QR tra cứu pháp luật, thu hút hơn 96.000 lượt truy cập trong năm.    

Trên địa bàn Thành phố, đánh giá cho thấy, những năm qua cũng đã triển khai hiệu quả nhiều  mô hình tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong doanh nghiệp và nơi sinh sống trên địa bàn. Có thể kể tới mô hình Tủ sách Công đoàn với hoạt động khai thác, quản lý hiệu quả các Tủ sách pháp luật tại Khu nhà trọ công nhân, Tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp... Hằng năm, tại địa bàn có đông CNLĐ sinh sống, làm việc đều thành lập mới các tủ sách tại các Tổ Tự quản Khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và bổ sung trên các tài liệu tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng chống HIV/AIDS, các thông tin về phòng chống ma túy, mại dâm… cho các tủ sách pháp luật.

Nâng cao hiểu biết cho người lao động - ảnh 2
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Việt Nam

Hay như mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, hiện đã thành lập nhiều Điểm sinh hoạt với kinh phí đầu tư ban đầu từ 120 - 140 triệu đồng/điểm để lắp đặt bộ dụng cụ thể thao ngoài trời trên địa bàn các khu công nghiệp, chế xuất Bắc Thăng Long. Bên cạnh đó là nguồn kinh phí xã hội hóa để từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, đẩy mạnh việc mua tài liệu bổ sung cho các tủ sách pháp luật để người lao động dễ dàng khai thác, tiếp cận pháp luật.

Tương tự, vừa qua, Công ty Cổ phần Thực phẩm Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, nơi có 180 lao động, trong đó có gần 80 lao động gián tiếp, 100 lao động trực tiếp cũng đã ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Mô hình ra đời nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, với tổng kinh phí xây dựng gần 400 triệu đồng. Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân gồm các hạng mục: 1 hội trường đa năng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, điều hòa, tủ sách, máy vi tính, máy lọc nước, cây nước nóng lạnh...

Mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” cũng là một điểm sáng góp phần giáo dục lý tưởng, nâng cao kiến thức mọi mặt cho CNLĐ. Không gian được trang trí với các hình ảnh, hiện vật, tác phẩm, câu chuyện gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế cho CNVCLĐ tích cực học tập và làm theo Bác qua đó thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là ngôi nhà tinh thần, là nơi gìn giữ phát huy những giá trị tốt đẹp. Đây là địa điểm để cán bộ, công nhân tập luyện thể thao, giao lưu văn nghệ, vui chơi giải trí sau giờ làm việc, đồng thời là nơi Công ty tổ chức các hoạt động tập thể dành cho công nhân, người lao động, tuyên truyền, tư vấn, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn.

Đánh giá cho thấy nhờ các hình thức tuyên truyền được áp dụng đa dạng, phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đưa pháp luật đến với CNLĐ. Từ những mô hình, cách làm mới trong công tác tư vấn pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của CNVC, người lao động về việc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. CNLĐ ngày càng có nhiều kênh thông tin tìm hiểu pháp luật, học tập pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới, quan hệ lao động ngày càng phát triển và không ngừng vận động, công tác chăm lo đời sống, nâng cao hiểu biết mọi mặt cho người lao động đóng vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết pháp luật, xây dựng các môi trường sống an toàn tại các khu nhà trọ cho CNLĐ này đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.