Vợ ngừng “gồng”, chồng mới học “gánh”

Hải Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lần này, để trị thói lười biếng và vô tâm của chồng, Hương chỉ lặng lẽ dừng lại, dửng dưng trước những việc mà bao năm qua cô vẫn âm thầm gánh vác một mình.

Cuối tuần, thành phố chảy dài trong cái nắng oi ả. Gió nóng phả từng cơn lên mặt đường nhựa bốc hơi, khiến ai chạy xe ngoài đường cũng chỉ muốn phóng thật nhanh về nhà. Gần 8 giờ tối, Hương mới rẽ được xe vào hầm gửi, sau một ngày tăng ca liên tục ở công ty.

Cô không còn đủ sức để ghé siêu thị mua đồ ăn. Trong túi xách là hộp cơm trưa ăn dở, chai nước gần cạn và mấy tờ giấy ghi chú đã nhăn nhúm. Đôi chân mỏi nhừ sau hơn 10 tiếng đi lại, đứng ngồi không yên. Cái đầu thì ong ong vì báo cáo, email, những cuộc họp không dứt.

Hương bấm thang máy lên tầng 18, lòng thầm mong ít nhất nhà cửa sẽ gọn gàng một chút, vì con gái đang gửi về quê chơi hè, nhà chỉ còn hai vợ chồng. Minh có cả ngày ở nhà, lẽ ra có thể tranh thủ dọn dẹp, giặt giũ. Nhưng Hương không dám hi vọng nhiều, vì... cô hiểu quá rõ chồng mình.

Mở cửa bước vào, mọi mong chờ bé nhỏ cuối ngày lập tức sụp đổ. Chiếc quạt trần quay chậm chậm. Ánh đèn vàng hắt xuống căn phòng lộn xộn. Gối ôm văng dưới đất. Vỏ snack, lon nước ngọt nằm ngổn ngang trên bàn. Ghế sofa là nơi Minh vắt chiếc áo thể thao đẫm mồ hôi mà anh mặc lúc chiều đi đá bóng.

Trong bếp, cái đĩa đựng bánh cuốn từ sáng khô cong, bên cạnh là bát mì tôm khô két. Rác trong thùng căng phồng, nắp mở hờ. Quần áo đã giặt xong từ sáng vẫn nằm y nguyên trong máy, Hương không nhắc thì Minh cũng chẳng ngó ngàng đến.

Còn Minh đang nằm duỗi dài trên ghế sofa, mắt dán vào điện thoại, cười sằng sặc vì một clip tấu hài. Không ngẩng lên, Minh nói vọng ra:

- Em về rồi à? Làm muộn thế. Anh đặt đồ ăn nhé, em muốn ăn gì?

Hương đứng lặng ở trong bếp. Không ai có thể hình dung nổi sự pha trộn giữa mệt mỏi, chán chường và thất vọng trong cô lúc đó.

- Em mệt thì nghỉ đi, lúc khác dọn dẹp sau. Tắm rửa xong ăn cho khỏe.

- Anh không nấu cơm à?

- Ờ thì… hôm nay Chủ nhật, anh nghỉ ngơi tí. Với lại con bé về quê rồi, ăn uống gì bên ngoài cũng được.

Vợ ngừng “gồng”, chồng mới học “gánh” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hương không trả lời, cô bước ra phòng khách rồi mới đi cất túi xách. Mỗi bước đi như kéo lê sự nặng nhọc. Đầu cô căng như dây đàn, không còn sức để tranh cãi, cũng chẳng đủ lạnh lùng để thản nhiên bỏ mặc.

Minh không vô tâm theo kiểu tệ bạc. Nhưng anh chọn cách sống quá dễ dãi với trách nhiệm của mình. Đi làm về là đi chạy bộ, ăn cơm xong là nằm dài xem phim. Căn nhà này, từ việc nhỏ đến việc lớn hầu như Hương gánh cả. Cô như một cái bóng âm thầm sau lưng chồng: Giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, nhớ từng bữa ăn, từng lịch tiêm, từng hóa đơn.

Minh ưa hình thức, nhưng lại sống như thể mình có một người hậu cần không tên. Anh chỉn chu mỗi khi ra ngoài: áo sơ mi phẳng phiu, giày bóng loáng, tóc gọn gàng. Nhưng phía sau sự chỉn chu đó, là một người đàn ông gần như chưa từng cầm cái chổi quét nhà, không nhớ vị trí thùng gạo hay không biết thay túi rác.

Hôm nào “rảnh”, anh nằm xem phim hàng giờ, tay cầm điều khiển, miệng liên tục gọi:

- Vợ ơi, lấy cho anh cốc nước!

- Vợ ơi, thấy đôi tất màu ghi của anh đâu không?

- Vợ ơi, có cơm ăn chưa?

Trước đây Hương còn chịu đựng vì nghĩ cho con. Cô không muốn con sống trong cảnh bố mẹ cãi vã. Nhưng khi con không có ở nhà và khi đối diện với cảnh tượng tối nay, Hương biết: Nếu cô không thay đổi, mọi thứ sẽ chẳng bao giờ khá hơn.

Sáng hôm sau, Hương dậy như mọi khi, chỉ có điều, lần đầu tiên sau nhiều năm, cô không còn tất bật với bữa sáng, cũng chẳng gọi Minh dậy đúng giờ như thường lệ. Cô chỉ lặng lẽ làm phần việc của mình, rồi đi cafe với hội bạn thân.

Áo sơ mi của Minh thay vì được giặt riêng, vò sạch cổ tay, cổ áo thì giờ nằm lẫn trong mớ đồ giặt hỗn độn. Cô nhét tất cả vào máy, không cần phân loại, không thêm nước xả. Phơi lên, cũng không gỡ rối nếp. Khi khô, quần áo được gom lại thành một đống, vứt hờ hững trên ghế.

Buổi tối, cô nấu hai món đơn giản là rau muống luộc dầm sấu và đậu phụ rán. Cơm canh dọn ra gọn gàng, cô ăn xong rồi đứng lên, không rửa bát. Ngày đầu tiên, Minh tưởng Hương giận dỗi kiểu phụ nữ thường thấy. Anh vẫn cười cợt, vẫn vô tư ăn cơm xong rồi... để đấy.

Nhưng đến ngày thứ ba, bát sạch trong nhà hết. Minh bối rối hỏi:

- Em không rửa bát à?

- Không. Em nấu, anh rửa. Anh không rửa, hết bát thì đặt đồ ăn ngoài.

Minh cười gượng, nhưng bắt đầu cảm thấy mất tự nhiên. Chiếc áo anh mặc đi làm lấm lem cổ, nhàu nhĩ. Anh bắt đầu thấy khó chịu.

- Sao em không là áo cho anh?

- Em giặt rồi. Còn anh muốn phẳng phiu thì tự làm đi

Vợ ngừng “gồng”, chồng mới học “gánh” - ảnh 2
Ảnh minh họa.

Đến ngày thứ năm, khi đã quá quen với bữa tối lặng lẽ và những chiếc áo sơ mi nhăn nhúm không ai buồn gấp, Minh bắt đầu cảm thấy không khí trong nhà khác lạ đến mức ngột ngạt.

Minh ngồi thừ trước mâm cơm, thở dài, rồi cất tiếng gọi khi Hương vừa đi ra ngoài lấy quần áo:

- Em… giận gì à?

Hương không đáp ngay. Cô xếp lại đống áo vừa thu vào giỏ, động tác chậm rãi, như đang chọn từ ngữ thật kỹ. Một lúc sau, cô mới trả lời, giọng bình thản:

 - Không!

- Vậy sao dạo này em khác quá?

Hương ngước nhìn chồng, ánh mắt không trách móc, cũng chẳng oán giận, chỉ là sự mệt mỏi sau nhiều năm gồng gánh.

- Vì em nhận ra… nếu em cứ làm hết, thì anh sẽ chẳng bao giờ biết trách nhiệm của mình ở đâu. Em mệt rồi. Em không muốn cứ mãi là người lo từ A đến Z, rồi vẫn phải nghe câu “có gì đâu, chuyện nhỏ mà”.

Minh im lặng. Không phải lần đầu tiên anh bị vợ nhắc, nhưng chưa lần nào lại khiến anh cảm thấy hụt hẫng đến thế. Lần này, Hương không nói nhiều, không cáu gắt hay trách móc. Cô im lặng đến bất ngờ khiến anh cảm thấy chông chênh.

Tối chủ nhật, sau cả tuần ăn cơm hộp, mặc áo nhàu, sống trong nhà lộn xộn, Minh chủ động kéo ghế lại gần vợ khi cô đang xếp đồ.

- Mình nói chuyện một chút được không?

- Anh xin lỗi. Anh không nghĩ mọi việc lại đổ hết lên vai em. Thực ra, anh biết, nhưng cứ lần lữa, cứ nghĩ em quen rồi. Anh sai rồi.

Hương gấp nốt cái áo, đặt vào tủ.

- Em không cần anh xin lỗi. Em cần anh cùng sống trong cái nhà này, không phải như khách trọ.

Minh gật đầu. Lần đầu tiên sau bao lâu, mắt anh không còn né tránh.

- Em phân công đi. Từ mai anh làm. Anh không hứa sẽ giỏi như em, nhưng anh sẽ không trốn nữa.

Hương nhìn Minh, người đàn ông mà cô từng yêu vì sự chân thành, từng thất vọng vì sự vô tâm. Bây giờ, trước mặt cô là một người chồng biết nhìn lại mình. Chỉ thế thôi, cũng đủ để bắt đầu lại.

Cuộc trò chuyện đêm ấy không làm mọi thứ thay đổi tức thì. Hương vẫn phải nhắc Minh từ những việc nhỏ nhất. Nhưng điều khiến cô yên tâm hơn cả, là Minh bắt đầu để ý, bắt đầu chủ động. Anh không còn ngồi chờ vợ gọi vào ăn, cũng không buông câu “anh nấu dở lắm” để tránh vào bếp. Minh tự cắm cơm, nhặt rau, nấu những món đơn giản nhất. Bữa nào Hương bận, anh rửa bát gọn gàng mà chẳng cần ai nhắc. Quét nhà, phơi đồ, lau bếp, những việc trước đây anh từng nghĩ là “không phải phần mình” giờ cũng dần trở thành thói quen.

Còn Hương - cuối cùng cũng có lại những buổi tối đúng nghĩa dành cho riêng mình. Cô thong thả pha một tách trà, mở bản nhạc nhẹ, ngồi đọc vài trang sách mà không còn phải cặm cụi lau dọn bếp núc đến khuya. Cô vẫn là người giữ lửa trong căn nhà nhỏ này nhưng không còn là người phải gồng mình để giữ tất cả.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.