Tăng cường truyền thông phòng/chống HIV/AIDS trên mạng xã hội trong đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19 và dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Việc thay đổi cả hình thức cũng như nội dung truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để có thể truyền thông đúng và trúng là hết sức cần thiết.

Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 đã lan rộng ra toàn thế giới và tại Việt Nam. Dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Cùng trải qua tình hình chung với tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, ngành y tế cũng bị ảnh hưởng một cách trầm trọng và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng không phải là một ngoại lệ. 

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đại dịch Covid-19 cần đẩy mạnh qua hình thức mạng xã hộiTruyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đại dịch Covid-19 cần đẩy mạnh qua hình thức mạng xã hội.

Theo báo cáo của các địa phương, dịch HIV/AIDS trong 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với 9 tháng đầu năm 2020 tại nhiều địa phương. Đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Một báo cáo khác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Bình Dương có tỷ lệ nhiễm mới và bắt đầu điều trị mới thuộc top đầu cả nước, trong khi năm 2019 chỉ có 691 ca thì trong bối cảnh Covid-19, tỷ lệ nhiễm mới tăng thêm là 871 ca, tăng 23%. Việc gia tăng ca nhiễm mới cũng làm trầm trọng gánh nặng cung ứng thuốc cho các bệnh nhân mới điều trị và bệnh nhân điều trị lâu năm.

Theo các chuyên gia y tế, người nhiễm HIV không phải là đối tượng nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn các nhóm dân số khác, song bệnh nhân nhiễm HIV điều trị thuốc kháng virus thành công (ARV) với HIV bị ức chế sẽ có khả năng chống lại Covid-19 tốt hơn người nhiễm HIV không được kiểm soát, điều trị và hệ thống miễn dịch suy yếu.

Thực tế gần đây, những ca phát hiện HIV muộn có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh. Điều này làm tăng mối lo ngại về các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi và lao. Do tỷ lệ nhiễm lao ở hiện tại và quá khứ ở nước ta khá cao, nhiều người bị tổn thương phổi sau bệnh lao và bệnh có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của Covid-19. Thậm chí, nhiều người bỏ thuốc do những yếu tố khác nhau tác động, dẫn đến nhiều nguy cơ tăng tải lượng virus cũng như tăng tỷ lệ kháng thuốc. Đại dịch cũng đặt ra những thách thức liên quan đến các dịch vụ xét nghiệm HIV và chăm sóc cho người mới được chẩn đoán nhiễm HIV, những người cần có mức độ theo dõi lâm sàng cao hơn cho cả sức khoẻ thể chất và tâm lý của họ.

Nếu như với các cơ sở khám chữa bệnh khác, người bệnh đến khám và ra về trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát phức tạp đã là một khó khăn lớn thì đối với chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, khi mà người bệnh tham gia điều trị phải hàng ngày đến cơ sở y tế để nhận thuốc và uống thuốc trước sự giám sát của nhân viên y tế thì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các cấp độ từ chương trình đến cơ sở và cả cấp độ bệnh nhân. Việc hàng trăm người đến nhận thuốc Methadone vào mỗi sáng tại cơ sở điều trị trở thành thách thức trong việc giãn cách, phòng, chống Covid-19 đối với không chỉ hệ thống y tế, cán bộ công tác mà với cả người bệnh. 

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng với tình hình dịch diễn biến phức tạp, trong hai năm 2020-2021, Bộ Y tế đã ban hành ngay những văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị Methadone bao gồm hướng dẫn cho cơ sở, hướng dẫn đối với nhân viên y tế, hướng dẫn dành cho bệnh nhân và những nội dung hướng dẫn chung đối với công tác cung cấp dịch vụ trong thời gian dịch. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine trong giai đoạn dịch Covid-19 (trong đó hướng dẫn chi tiết việc cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine đối với các trường hợp đặc biệt có thể gặp trong dịch ví dụ như cơ sở bị cách ly, bệnh nhân bị cách ly...). 

Đặc biệt vào đợt dịch lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone về nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng, chống dịch. Việc Bộ Y tế cho phép người bệnh được mang thuốc về nhà sử dụng kèm theo hướng dẫn người bệnh về việc bảo quản thuốc chặt chẽ, an toàn tại nhà nhưng đã là giải pháp tình huống hợp lý trong giai đoạn dịch bùng phát quá mạnh, giúp giảm thiểu đáng kể việc tụ tập quá đông người vào các buổi sáng tại các cơ sở điều trị, nhằm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở điều trị này mà vẫn giúp người bệnh được điều trị liên tục. 

Tại Hà Nội, các bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được nhận thuốc điều trị ARV theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khoẻ người nhiễm HIV trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Chị Mai Hải Anh, Trưởng nhóm Ban Mai, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, quy định này giúp các bệnh nhân mắc HIV/AIDS hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với bệnh nhân khác. Nếu có vấn đề về sức khoẻ, các bệnh nhân nhiễm HIV có thể liên hệ qua điện thoại để nghe tư vấn. “Tôi thường xuyên hỏi thăm sức khoẻ của các thành viên trong nhóm, không ai bị bất thường. Hiện tại, chúng tôi nhận thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp không kịp lấy thuốc đúng hạn trong thời gian giãn cách xã hội, các chị dùng biện pháp mượn của người đủ chia cho người thiếu hoặc hỗ trợ đi lấy thuốc hộ để bệnh nhân được điều trị liên tục, không bị gián đoạn gây ảnh hưởng sức khoẻ” – chị Hải Anh nói.

Bên cạnh việc thay đổi linh hoạt biện pháp cấp, phát thuốc điều trị ARV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các cơ sở cần thay đổi linh hoạt phương pháp truyền thông triển khai tại cộng đồng. Việc truyền thông có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc tập trung đông người đã không được triển khai. Chính vì vậy, các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội được tăng cường. Việc tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS cũng như xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài Phát thanh và Truyền hình ở trung ương và địa phương là cần thiết. Bên cạnh đó, với khả năng tiếp cận đông đảo các nhóm khách hàng đích, việc tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như fanpage, facebook, tik tok, zalo, các ứng dụng... là một kênh quan trọng không thể bỏ qua.

Đồng thời, tuyên truyền các thông điệp qua cụm pa-nô, khẩu hiệu, băng-rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ thu hút được sự chú ý cao.

Về nội dung truyền thông, chú trọng vào các nội dung: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát; Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS; Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV; Lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tuân thủ điều trị cũng như việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về; Lợi ích cũng như sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP); Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị; Giải pháp vượt qua các thách thức trong dịch Covid-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục bao gồm các mô hình hay, các sáng kiến của hệ thống cung cấp dịch vụ, vai trò cộng đồng cũng như sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh dịch Covid-19 bao gồm cả các hướng dẫn và triển khai các hướng dẫn để khách hàng có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục...

Chị Mai Hải Anh chia sẻ: "Chúng tôi thành lập các nhóm zalo, tuyên truyền khuyến khích mọi người vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa không quên uống thuốc điều trị đúng giờ. Những thắc mắc của người nhiễm H được Ban Chủ nhiệm nhóm Ban Mai Đông Anh giải đáp, từ những khó khăn về kinh tế, áp lực tâm lý xã hội, đến việc thiếu thuốc hay hỗ trợ về việc làm trong và sau đại dịch...".

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).