5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị
(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Thống kê cho thấy, có 5 dạng hoang tưởng dai dẳng thường gặp:
Erotomanic (hoang tưởng được yêu): Bệnh nhân tin rằng có người khác đang yêu họ. Họ thường cố gắng liên lạc với đối tượng thông qua các cuộc gọi điện thoại, thư từ hoặc tin nhắn điện tử. Hành vi này có thể là vi phạm pháp luật.
Grandiose (Hoang tưởng tự cao): Bệnh nhân cho rằng họ có tài năng lớn nào đó hoặc đã thực hiện được một số khám phá quan trọng.
Jealous (Hoang tưởng ghen tuông): Bệnh nhân tin rằng vợ/chồng hoặc người yêu không chung thủy, thường được giải thích hoang tưởng về “ bằng chứng” (vd quần áo xộc xệch, vết bẩn trên ga giường). Trong những trường hợp như vậy, tấn công vật lý có thể là một mối nguy hiểm đáng kể.
Persecutory (Hoang tưởng bị hại)(48%): Bệnh nhân tin rằng họ đang bị làm hại, theo dõi, đầu độc.
Somatic type (Hoang tưởng về cơ thể): chủ yếu liên quan đến các chức năng và cảm giác của cơ thể, phổ biến là bị nhiễm côn trùng hoặc ký sinh trùng, niềm tin rằng cơ thể phát ra mùi hôi thối, rằng các bộ phận của cơ thể không hoạt động bị biến dạng hoặc xấu xí.
Ngoài ra có một số hội chứng đặc trưng như:
Hội chứng Capgras: Đặc trưng bởi niềm tin rằng một người quen đã bị thay thế bằng một kẻ mạo danh giống hệt.
Hội chứng Fregoli: Niềm tin rằng một người quen được cải trang thành người khác.
Hội chứng Cotard: Bệnh nhân tin rằng họ đã mất hết tài sản, địa vị, toàn bộ con người bao gồm cả nội tạng. Thường được xem là dấu hiệu báo trước của giai đoạn trầm cảm hay bệnh tâm thần phân liệt.
Rối loạn hoang tưởng nếu không được điều trị có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm thường là hậu quả của những khó khăn liên quan đến hoang tưởng. Hoang tưởng có thể dẫn đến bạo lực hoặc các vấn đề liên quan đến pháp lý. Ví dụ như theo dõi hoặc quấy rối người khác có thể dẫn đến bị bắt giữ. Hoang tưởng có thể gây cản trở các mối quan hệ, trở nên xa lánh người khác.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa hoang tưởng dai dẳng với bệnh tâm thần phân liệt, nhưng một số yếu tố cho thấy rối loạn hoang tưởng là một rối loạn độc lập - nó bắt đầu muộn hơn bệnh tâm thần phân liệt, các triệu chứng tiêu cực và nhận thức hiếm khi xuất hiện, ảo giác thính giác rất hiếm, và phần lớn, hoạt động bình thường được duy trì.
Khoảng 20% trường hợp mắc rối loạn hoang tưởng tiến triển thay đổi chẩn đoán sang tâm thần phân liệt Sự thuyên giảm các triệu chứng được tìm thấy ở một phần ba số bệnh nhân, hay gặp nhất ở nhóm được điều trị sớm và có các yếu tố thúc đẩy rõ ràng trong quá trình phát triển tâm thần.