Tạo nền tảng phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nội dung được quan tâm đặc biệt tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất Quốc hội khóa XV diễn ra từ 4-11/1. Đây là gói hỗ trợ lớn tạo nền tảng thúc đẩy phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện minh bạch, tăng kiểm soát và cam kết hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023.

Đó là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng) và cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ kinh tế từ tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng (gồm 240 nghìn tỷ đồng từ NSNN, trong đó giảm thuế, phí, lệ phí là 64 nghìn tỷ đồng và chi trực tiếp từ NSNN là 176 nghìn tỷ đồng) và từ tiền tệ là khoảng 46 nghìn tỷ đồng.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất: đây là chủ trương lớn, đúng đắn, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi quyết tâm thực hiện rất cao, có những bước đi thực sự vững chắc. Nghị quyết mang tính lịch sử, có tác động không chỉ ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025. Nếu chậm trễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lo ngại: “nước ta có nguy cơ lỡ nhịp với sự phát triển của thế giới”.

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), trong gói phục hồi, phát triển kinh tế, định hướng dòng tiền vào đâu là thách thức lớn nhất, phải tổ chức thực hiện thật minh bạch, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh đến hiệu quả, cam kết sản phẩm đầu ra và cho rằng, mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được các kết quả lớn hơn. "Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cốt lõi chúng ta cần đạt được là hiệu quả thực chất"- ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hộiĐại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội (Ảnh: QH)

Hỗ trợ công nhân, du lịch và y tế

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, gói hỗ trợ dự kiến dành 64 nghìn tỷ đồng để tiếp tục miễn giảm thuế, phí vào năm 2022 là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho DN tái hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động và kích thích nhu cầu phát triển, sản xuất kinh doanh.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), chương trình tránh dàn trải, tập trung đầu tư những lĩnh vực chịu tác động của dịch Covid-19; hỗ trợ chống đứt gãy, đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng phải tránh nguy cơ như trước đây, đặc biệt là việc lợi dụng để trục lợi. Ngoài các chính sách đã, đang triển khai, lần này có thêm một số chính sách về hoãn, giãn nộp thuế và 176 nghìn tỷ đồng bổ sung thêm là cần thiết, cần rà soát khâu nào chịu ảnh hưởng của đại dịch để hỗ trợ.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị có quyết sách hỗ trợ cho ngành du lịch như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa phương trọng điểm về du lịch từ ngân sách nhà nước; tái cơ cấu lại thị trường du lịch, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn; miễn giảm thuế, thuế phí cho DN lữ hành…

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) cho rằng, ngành y tế đã làm việc hết sức mình, xảy ra tình trạng quá tải song không thể kéo dài, cần khẩn cấp hỗ trợ giải quyết căn bản các nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị đặc thù và củng cố lực lượng của ngành y tế để chung sống lâu dài với dịch.

Bộ Y tế nên tổ chức tiếp nhận yêu cầu đấu thầu tập trung những trang thiết bị đặc thù cho phòng, chống dịch; triển khai nhanh Đề án tổ chức lực lượng y tế cơ sở, các đơn vị điều trị vùng và đổi mới chính sách, chế độ với cán bộ ngành y tế, giữ vững và tiếp tục thu hút nhân tài; đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước; quan tâm kiểm tra, điều trị thí điểm và đánh giá những cây thuốc cổ truyền như xuyên tâm liên, thanh hao hoa vàng là những loại thuốc có triển vọng tốt và chi phí rẻ.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.