Hoa Tết thấp thỏm lo .... Tết

Chia sẻ

Không như mọi năm, vào dịp cận Tết, các vườn đào, quất cảnh đã tấp nập người vào ra, năm nay, thị trường hoa Tết trầm lắng, ảm đạm. Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên người Hà Nội dường như cũng có nhiều thay đổi với thú chơi hoa Tết quen thuộc…

Một mùa hoa Tết nhiều lo lắng

Dạo một vòng quanh nhà vườn quất Tứ Liên, làng hoa Tây Tựu thời điểm này, cảm nhận rõ rệt khung cảnh như mang theo một tiếng thở dài. Người dân vẫn cần mẫn trên đồng, vẫn chăm từng gốc cúc, khóm lay-ơn, vẫn vun xới để hoa thược dược sẽ nở đẹp nhất vào dịp Tết… Thế nhưng, mọi thứ đều rất dè dặt, số lượng hoa cũng thưa vắng hơn hẳn. Đa số người trồng hoa chủ động cắt giảm số lượng cây trồng, cũng như các giống, loài hoa để tránh trường hợp lỗ vốn vì sức mua năm nay được dự báo là giảm hẳn so với các năm trước.

Chị Vân Anh (sống tại Láng Hạ), chuyên kinh doanh hoa Tây Tựu cho biết: “Năm nay, người dân không dám đầu tư nhiều vì sợ ế. Dịp Tết, hoa của làng không chỉ bán cho người Hà Nội, mà còn đổ buôn khắp các tỉnh, thành nên sức bán rất “khủng”. Nhưng năm nay vì dịch bệnh, giao thông đi lại khó khăn, người dân ở các tỉnh cũng còn đang “ngóng” xem Tết nhất thế nào, vì thế người trồng hoa cũng không dám liều đầu tư lớn như những năm trước, chỉ tập trung trồng những loài hoa thông thường dịp Tết”.

Năm nay, khí hậu ấm, người dân làng đào Nhật Tân được sự ủng hộ của thời tiết, đào đang ra nụ rất nhiều và đẹp, dự kiến sẽ nở đúng Tết Âm lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua giảm, thị trường đào, quất trước Tết không được sôi động, người trồng đào thì thấp thỏm lo lắng.

Anh Tiến, chủ một vườn đào lớn ở Nhật Tân chia sẻ, năm nay đào được mùa, rất đẹp, nhiều nụ nhưng bán rất chậm. Nhiều người buôn từ các tỉnh cũng không mạo hiểm đặt số lượng lớn vì họ cũng phải nghe ngóng tình hình dịch bệnh rồi mới ra quyết định được.

Thế nên, anh cũng không dám “ôm” cành to, chỉ trông chờ vào các cây, cành đào nhỏ cho đỡ lỗ. Chị Ngà, một người kinh doanh đào tại Nhật Tân cũng rút kinh nghiệm mùa Tết năm ngoái, năm nay chị nuôi trồng, thu gom số lượng ít đào, tập trung vào cây, cành nhỏ thay vì đầu tư lớn như các năm trước để tránh…thất bát. Hiện tại, chị mới bán “thăm dò” những cây đào nhỏ ra thị trường để theo dõi tình hình, nếu sắp tới tình hình ổn hơn thì mới nhập cây lớn để bán.

Đào Nhật Tân đã sẵn sàng cho TếtĐào Nhật Tân đã sẵn sàng cho Tết (Ảnh: Thanh Dũng)

Người Hà Nội đón Xuân sớm với hoa Tết

Một điều khá đặc biệt là người Hà Nội năm nay bỗng có thú chơi hoa Tết sớm. Trên các trang mạng xã hội, cách đây cả tháng, rất nhiều người đã khoe cành đào, mận, cây quất… xinh xắn ở góc nhà mình với tâm lý “hưởng” Xuân sớm. Một trong những lý do là năm nay thời tiết khá ấm áp nên các loài hoa mùa Xuân cho hoa sớm, trên thị trường đã có hoa đào, lê, mận… từ cả tháng nay để phục vụ nhu cầu người dân.

Chị Thanh Hường (Nguyễn Chí Thanh) khoe cành đào xinh xinh trong nhà nói: “Ngắm đào sớm như thấy Xuân đến sớm. Xuân đến sớm mang đến nhiều hy vọng về một năm mới dịch bệnh sẽ đi qua, sẽ tốt đẹp, an lành hơn, vì vậy, năm nay tôi và bạn bè bỗng thích chơi hoa Tết sớm”. Anh Lộc (Tố Hữu) lo Tết đến nếu tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, sẽ không dám đến nơi chợ búa đông người, nên anh vội dạo chợ Quảng Bá tìm cho mình một cành hoa lê chơi Tết sớm nhân lúc đang vãn người.

Hai, ba năm trở lại đây, người Hà Nội không chơi hoa Tết chỉ với đào, quất theo truyền thống nữa mà đã mở rộng ra khá nhiều loài hoa mới về từ vùng cao như hoa mận, hoa lê… Trước đây, hoa lê thường bán sau rằm thì nay đã trở thành hoa tết bán chính cùng đào, quất. Những cành mận xù xì còn đầy rêu từ miền ngược cùng thế cành mang vẻ đẹp cổ kính, những cành lê ban đầu y hệt cành “củi khô” nhưng chỉ sau một thời gian là bung nở kín cành màu hoa trắng muốt xinh đẹp… đã “quyến rũ” người Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng vì đại dịch, anh Việt Anh (người kinh doanh mận, lê tại chợ hoa Quảng Bá) chia sẻ, năm nay anh cũng không dám nhập cả… container cành hoa lê, mận như mọi năm mà chỉ dám nhập nhỏ giọt để bán. Thế nên, nếu giờ này những năm trước, chợ hoa Quảng Bá đã tấp nập, đào, lê, mận dựng kín cả một triền đê, thì năm nay vẫn còn lác đác, nhà buôn nào cũng phấp phỏng vừa bán, vừa… ngóng tình hình dịch.

Trong cái khó khăn chung, nhiều người trồng hoa đã nhanh nhẹn chuyển đổi, bắt kịp thời đại 4.0 tập trung vào bán cây, hoa online chứ không chỉ trông đợi vào thị trường bán - mua truyền thống nữa. Chị Hương, chủ một trang bán hoa tết online có vườn đặt tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm, cho biết, người dân Hà Nội năm nay ngại ra chợ chọn lựa do dịch bệnh, nên nhu cầu mua cây, hoa online tăng mạnh. Vườn của chị chuyên về các loại hoa cúc, dịp này khách hàng mua rất đông để chơi Tết sớm, nhân viên chị thường phải thức xuyên đêm để đóng hàng.

Nhờ bán online mà chị vẫn có thể bán cho khách các tỉnh khá nhộn nhịp. Rất nhiều nhà vườn ở “vựa” hoa Xuân Quang (Văn Giang, Hưng Yên) cũng đã tích cực áp dụng 4.0 để phục vụ khách hàng mùa dịch. Tuy không thể bằng đón khách tại vườn, người đi chợ hoa mang theo cả văn hóa đón Tết tạo nên không khí nhộn nhịp, sầm uất thì kinh doanh online đã trở thành một hướng đi mới cho người trồng hoa trong thời nay.

Dẫu năm nay là năm thứ 2 người dân trồng hoa, kinh doanh hoa Tết gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh, dự đoán nhu cầu chơi đào, quất, hoa… Tết của người dân giảm mạnh, nhưng các chủ vườn, người kinh doanh hoa vẫn cố gắng giữ tình thần lạc quan, tích cực hết sức cho một mùa Tết. Ai cũng tin tưởng rằng rồi dịch bệnh sẽ sớm qua, cuộc sống trở lại bình thường.

NAM PHONG - THANH DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.