Điện ảnh Việt đang khởi sắc theo quy luật hợp lý

Chia sẻ

Chứng kiến sự áp đảo của các bộ phim tư nhân trong giải Cánh diều vàng năm 2012, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng điện ảnh Việt Nam đang thật sự khởi sắc theo một quy luật hợp lý.

Theo đạo diễn phim Bi, đừng sợ thì điện ảnh là điện ảnh chứ không nên phân biệt điện ảnh nhà nước hay tư nhân. Để có một nền điện ảnh phát triển toàn diện và có bản sắc thì cần phải hướng đến dòng phim tác giả, phim nghệ thuật với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Phim thị trường giữ vai trò chủ đạo

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang rất sôi động và tôi không bi quan vì nó đang vận hành theo một quy luật hợp lý. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng điện ảnh trước hết là một bộ môn nghệ thuật nhưng cũng là một món giải trí và chỉ có thể được nuôi sống bởi thị trường. Vì thế, lẽ đương nhiên, dòng phim giải trí, dòng phim thị trường sẽ là chủ đạo và chính nó sẽ làm cho đời sống điện ảnh sôi động và thu hút khán giả.
 
Điện ảnh Việt đang khởi sắc theo quy luật hợp lý - ảnh 1
Đạo diễn Phan Đăng Di

Thời gian vừa qua, theo quan sát của tôi thì điện ảnh Việt Nam đang khởi sắc bằng dòng phim giải trí. Bằng chứng là khán giả đã quay lại xem phim Việt nhiều hơn và một số phim Việt dù là chiếu trong những thời điểm không phải lễ, tết hay hội hè gì cũng đông người xem. Tôi chỉ lấy ví dụ về phim Long ruồi, khi ra rạp được 3 tuần bộ phim này đã thu được 2 triệu đô la. Đây là một con số cho thấy sức hấp dẫn của phim Việt là có. Bên cạnh đó tôi cũng thấy manh nha sự phát triển của dòng phim độc lập và phim nghệ thuật được thế giới biết đến. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể có niềm tin vào sự phát triển của điện ảnh.

Sở dĩ trong thời gian vừa qua, dòng phim Nhà nước bị lép vế, xa rời với đời sống và không được đón nhận là bởi cách tư duy của chúng ta khi làm những bộ phim đó chỉ để cho một mục đích nào đó chứ không nghĩ làm thế nào để đến được với công chúng. Làm như vậy là một sự phí phạm. Và tôi nghĩ những sự phí phạm như vậy không nên tiếp tục xảy ra nữa vì dù làm một bộ phim lớn hay nhỏ cũng là từ tiền thuế của người dân. Khi cuốn phim không đến được với đông đảo người dân, không được ai quan tâm là sự lãng phí lớn. Sự lãng phí đó không hợp với quy luật và đến một lúc nào đó nó sẽ không còn lý do để tồn tại nữa.... Hoặc nếu muốn tồn tại thì nó phải thay đổi, phải khác đi mới được. Vì thế, tôi nghĩ Cánh diều vàng năm nay sẽ lại thuộc về một bộ phim của tư nhân sản xuất.
Chỉ phim nghệ thuật mới đọ sức được với thế giới

Đừng nên dùng tư duy bao cấp, xin cho trong việc làm phim. Bởi vì tư duy đó chỉ phù hợp với những người không chịu vận động bản thân để trở nên năng động hơn, đáp ứng ứng được những đòi hỏi của cuộc sống mới. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng tất cả các nền điện ảnh vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước một cách thông minh, mang lại hiệu quả cụ thể và xứng với đồng vốn đã bỏ ra chứ không phải làm ra rồi để đấy.

Ở châu Âu, sự hỗ trợ của nhà nước cho điện ảnh cũng rất lớn. Người ta hỗ trợ không phải cho dòng phim thương mại vì bản thân dòng phim đó phải tự sống, phải tự tìm cách tồn tại thông qua việc bán được vé, hay nói cho đúng hơn là thông qua những thương vụ làm ăn. Để phát triển toàn diện điện ảnh một cách lành mạnh thì cần phải hỗ trợ sự sáng tạo cá nhân, những sáng tạo về ngôn ngữ điện ảnh bởi lẽ những dòng phim đó rất kén khách và thu lời không cao, nhưng nó gắn liền với sáng tạo và đời sống tinh thần quốc gia. Vì vậy họ có một chính sách hết sức rõ ràng cho việc hỗ trợ dòng phim này. Tôi nghĩ cũng chỉ có Nhà nước mới làm được việc đó mà thôi. Bởi lẽ chỉ Nhà nước mới có tiềm lực, cơ chế hỗ trợ thiết thực cho điện ảnh.

Thời gian vừa qua, Nhà nước vẫn có sự đầu tư và sự ưu ái cho điện ảnh, nhưng không thu được nhiều kết quả như mong muốn là bởi vì cái cách vận hành của chúng ta chưa đúng. Chúng ta đầu tư mới chỉ đầu tư vào mục đích ngắn hạn, thiếu đồng bộ để có thể trở thành một nền tảng vững chắc cho những bước phát triển căn bản của điện ảnh. Việc đó khiến cho cá nhân tôi cảm giác như có gì đó hơi chắp vá và mang tính tình thế chứ không phải tầm nhìn chiến lược. Thiếu chiến lược thì tất sẽ gây lãng phí.

Điện ảnh Việt Nam vẫn đang vận hành bình thường như các nền điện ảnh khác trên thế giới. Nghĩa là chúng ta nghe theo tiếng gọi của thị trường để làm phim. Tuy nhiên để có một nền điện ảnh phát triển toàn diện và có bản sắc thì cần phải hướng đến dòng phim nghệ thuật, phim sáng tạo. Vì chỉ ở dòng phim này mới có giá trị về mặt sáng tạo về mặt ngôn ngữ điện ảnh. Nếu muốn phát triển được dòng phim này cần phải có chiến lược và sự đầu tư lâu dài. Có đầu tư lâu dài thì mới thu được thành quả cụ thể. Chỉ có những phim tác giả, phim nghệ thuật mới có thể mang ra giới thiệu với nước ngoài như là một gương mặt của văn hóa Việt Nam qua điện ảnh chứ chúng ta chưa đủ sức để giới thiệu với thế giới những bộ phim thương mại.
Mục Đồng (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.