Vượt bão chở Tết đến Trường Sa

Chia sẻ

PNTĐ-Đối với nhóm phóng viên, khát khao cháy bỏng được một lần đến với quần đảo Trường Sa càng làm chúng tôi thêm háo hức, xua tan mệt mỏi và say sóng.

 
Vượt bão chở Tết đến Trường Sa - ảnh 1
Các chiến sĩ hải quân đảo Sơn Ca truyền tay nhau đọc báo PNTĐ
 
Vượt bão…
 
Đúng ngày đầu tiên của năm mới 2013, chúng tôi có mặt tại cảng Cam Ranh – Khánh Hòa, chuẩn bị chuyến đi biển dài ngày, gần 1 tháng, để chở Tết và những tấm lòng của người dân đất liền ra với quân, dân huyện đảo Trường Sa.
 
Chiều 2/1/2013, trên cảng Cam Ranh, một lễ tiễn quân trang trọng và ấm áp tình quân dân được tổ chức. Những đôi mắt ngân ngấn nước của người vợ, người mẹ; những cái bắt tay siết chặt của người ở, người đi sao mà lưu luyến thế; những lời dặn dò của thân nhân những người lính lần đầu tiên ra đảo… Người lính trẻ đôi mắt cũng đỏ hoe: “Thầy u ở nhà mạnh giỏi. Con ra đảo canh giữ biển trời quê hương”. Tu… tu… tu… - những hồi còi dài báo hiệu tàu HQ 996 rời bến đầu tiên trong chuyến hành trình đến với Trường Sa thân yêu.
 
Ba con tàu: HQ 996, HQ 571, HQ 561 được chia theo 3 hướng tiến thẳng ra biển Đông đến với các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, mang theo lá dong, gạo nếp, thịt lợn, thực phẩm ăn Tết…; nhiều vật phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí, thi đấu thể thao cho quân, dân trên các đảo; thay thu quân trên đảo... Cơn bão số 1 đang càn quét ở quần đảo Trường Sa khiến chuyến vượt biển chở Tết ra Trường Sa thân yêu càng thêm vất vả. “Đi biển vào những tháng giáp Tết thường khó khăn gấp bội vì đây là thời điểm có những cơn bão biển dữ dằn và nguy hiểm nhất trong năm” – đại tá Nguyễn Đức Vượng – Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân nói. Quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông nên thường xuyên hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn nhỏ trong năm. Trung bình một năm có tới hơn 130 ngày có bão tố với gió giật từ cấp 6 trở lên; mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh…
 
Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, trong cơn bão số 1 vần vũ biển Đông, đảo Đá Nam và Song Tử Tây – lịch trình đầu tiên của đoàn chúng tôi - đã xuất hiện. Đại tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác – một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, vẫn quyết định cho tàu thả neo ngoài khơi vì sóng quá lớn, phải đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa.
 
Vượt bão chở Tết đến Trường Sa - ảnh 2
Thượng úy Phạm Xuân Hóa ở đảo Đá Nam
 
Năm nay, lần đầu tiên 2 tàu HQ 571, HQ 561 mới hạ thủy tham gia đoàn công tác chở Tết ra Trường Sa. HQ 571 là tàu khách hiện đại nhất, trọng tải 2000 tấn, sức chứa 250 giường. HQ 561 là tàu “bệnh viện” đa năng, được trang bị nhiều trang thiết bị y tế tối tân, có khả năng cứu hộ, sơ cấp cứu người bị nạn, khám chữa bệnh trên biển và trên quần đảo. Cơn bão số 1 đúng là những thử nghiệm “đáng giá” đầu tiên cho 2 chiếc tàu này. Thuyền trưởng, thiếu tá Nguyễn Văn Sửu cho biết: Trong hành trình chở Tết ra các đảo thuộc tuyến Nam quần đảo Trường Sa, tàu HQ 571 đi vào đúng vùng hoàn lưu của bão, sức gió cấp 10, giật trên cấp 11. Tàu đã phải thay đổi lịch trình, di chuyển để tránh bão và kéo dài lịch trình dài thêm 3 ngày, khiến cả tàu “lỡ hẹn” với chương trình cầu truyền hình trực tiếp Xuân Trường Sa 2013.
 
Sau nhiều ngày bị cơn bão quăng quật dữ dội ngoài khơi, tàu HQ 561 đã chuyển hàng Tết vào cho các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao… Đại úy Nguyễn Văn Cường, thuyền trưởng tàu HQ 561 tâm sự: “Được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong mấy năm gần đây, cơn bão số 1, đã càn quét qua nhiều đảo, gây thiệt hại nặng nề. Nhiều quạt gió năng lượng bị đổ, gẫy. Cây cối bị bật gốc, xác xơ...”.    

Tết sớm trên các đảo xa
 
Vượt bão chở Tết đến Trường Sa - ảnh 3
Các chiến sĩ đang luộc bánh chưng ở đảo Song Tử Tây
 
Trong hành trình chở Tết của tàu HQ 996 ra 6 đảo thuộc tuyến phía Bắc của quần đảo Trường Sa có 3 đảo chìm: Đá Nam, Đá Lớn, Đá Thị… Thật sự đến đảo chìm, chúng tôi mới cảm nhận được hết hình ảnh đẹp đẽ và cao cả của người lính trong truyện “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bám trụ trên từng mỏm san hô để xây dựng thành đảo – cụm đảo – nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
 
Đảo chìm Đá Nam là nơi tiếp nhận chuyến hàng Tết đầu tiên của tàu HQ 996. Hai chiếc xuồng chở nặng hàng hóa lắc mạnh mỗi khi gặp sóng to, gió giật mạnh. Bao quanh đảo là một vòng tròn sóng lúc chỉ lăn lăn, lúc lại dâng cao như đàn tuấn mã phi nước đại. Đẹp nhưng ẩn chứa sự dữ dằn của biển cả. Chiếc xuồng vừa chạm vạch sóng, con sóng du xuồng chúi sâu xuống chân sóng, sau lại nhấc bỏng lên cao, dựng đứng, quất thẳng xuống. Cả xuồng chao đảo. Chưa kịp hoàn hồn, cơn sóng khác lại dồn tới. Nhưng bằng kinh nghiệm đi biển lâu năm và cách xử trí tài tình, thượng úy Nguyễn Văn Hưng (thủy thủy tàu HQ 996) đã đưa xuồng cập đảo Đá Nam an toàn.
 
Hàng Tết được nhanh chóng chuyển vào ngôi nhà “zích zắc” ba tầng của lính đảo vừa mới chỉnh trang năm trước. Đại úy Trần Văn Trình – chính trị viên của đảo Đá Nam cho biết: Nhờ phong trào Góp đá xây Trường Sa của người dân đất liền trong những năm qua, mà các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có Đá Nam được “thêm da, thắm thịt”, khang trang đẹp đẽ đến như vậy. Hệ thống điện chạy bằng sức gió và năng lượng mặt trời đã thắp sáng đảo mỗi đêm, làm đảo giống như viên ngọc trai tỏa ánh sáng lấp lánh giữa biển khơi, giúp ngư dân an tâm bám biển; canh giữ vùng biển Tổ quốc và xua đuổi những tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
 
Trong những mặt hàng phục vụ Tết được mang ra đảo lần này còn có thêm những cành mai. Trên đảo Đá Nam, thượng úy Phạm Xuân Hóa vác cành mai lên mà miệng cười không dứt, vì mùa xuân như đang về với đảo. Trung sĩ Nguyễn Ánh Dương sẽ ở lại đảo ăn Tết. Tết còn có thêm bánh chưng, bánh kẹo và có thêm cả nỗi nhớ nhà nữa. Nhớ nhất là vào lúc Giao thừa, thèm hơi ấm của gia đình trong bữa cơm tất niên. Nhớ tiếng bi bô của trẻ con, nhớ giọng nói của mẹ, cha… Những lúc như thế, Dương hay ra cầu cảng của đảo ngồi ngắm biển, gửi nỗi nhớ theo những con sóng vào đất liền tới những người thân yêu nơi quê nhà.
  
Chia tay đảo Đá Nam trở về lại tàu HQ 996, trong lúc cơn bão số 1 ngày càng trở nên dữ dằn, trời nặng mây, xám xịt và mưa lớn kéo dài. Đến ngày thứ 6, quà Tết đã được chuyển sang tàu cứu hộ Vạn Hoa để vào Song Tử Tây.
Đêm Giao thừa sớm trên Song Tử Tây, cả doanh trại gần như không ngủ. Bảy hộ dân cũng chung vui cùng người lính đảo. Nhìn những đứa trẻ chạy đùa ca hát vui vẻ, cuộc sống nơi đây thật thanh bình, khác hẳn với cơn sóng dữ đang ồn ào ngoài khơi kia. Cành mai vàng được các chiến sĩ trang trí thật đẹp đẽ, đặt ngay cạnh cột mốc chủ quyền của đảo Song Tử Tây như mời gọi mùa xuân thật sớm.
 
Vượt bão chở Tết đến Trường Sa - ảnh 4
Các chiến sĩ đang gói bánh chưng bằng lá bàng vuông
ở đảo Song Tử Tây
 
Tết ở đảo thật đặc biệt vì có những chiếc bánh chưng được gói từ lá bàng vuông được đội hậu cần của đảo chuẩn bị từ chiều. Ngồi bên cạnh nồi bánh chưng sôi lục bục, không khí Tết dường như rất gần. Ở Hà Nội, ngày tết bánh chưng hay gói bằng lá dong nhưng bánh chưng gói bằng lá bàng vuông thì lại chỉ có ở Trường Sa thôi. Bánh chưng xanh nhạt và mang hương vị rất lạ chan chát, mằn mặn, thơm thơm…
 
Một món quà Tết độc đáo dành cho các đảo nổi mà đất liền giữ gìn, nâng niu, trao tặng có các đảo ở Trường Sa, chính là những gốc tre. Ở các đảo nổi như Song Tử Tây, Sơn Ca… những gốc tre ấy được ươm mầm sống kiên định trên đảo. Năm, mười năm nữa, những cây tre ấy rồi sẽ sinh sôi, nảy nở xanh tốt. Tre lập thành lũy, thành làng, đánh đuổi quân xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc.
 
Khu nhà dân trên đảo Song Tử Tây cũng rộn ràng không khí Tết. Gia đình chị Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch hội phụ nữ xã đảo Song Tử Tây (hộ dân số 1) cũng đang chuẩn bị nguyên liệu gói bánh tét, mổ gà làm bữa cơm cúng gia tiên… Chị Chí tâm sự: Ra đảo từ năm 2008, đây là năm thứ 5, 7 hộ dân chúng tôi được ăn Tết trên đảo. Tết ở đảo giờ cũng giống như ở đất liền, thậm chí có phần hơn, vì đời sống của người dân được quan tâm lắm.
 
Còn chị Nguyễn Thị Mạnh Kiều (hộ dân số 2) không bao giờ quên được Tết đầu tiên ở đảo. “Khi quyết định rời nhà ra đảo, trong lòng vợ chồng tôi không tránh khỏi tâm trạng lo lắng. Nhưng khi lên đảo, gia đình được giao một ngôi nhà khang trang rộng 200m2, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ: ti vi, giường tủ, bàn ghế… Tôi ngỡ ngàng và hạnh phúc lắm. Ước mơ đã thành hiện thực”. Trước kia, vợ chồng chị sống ở thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, thu nhập hằng ngày chỉ vài chục nghìn đồng từ nghề đánh bắt của anh, tài chạy chợ của chị. Cả gia đình ăn còn không đủ, nghĩ gì đến căn nhà khang trang như thế này.
 
Vượt bão chở Tết đến Trường Sa - ảnh 5
Xuân về sớm trên những cành mai ở đảo Song Tử Tây
 
So với các đảo nổi khác thì Song Tử Tây là một trong số những đảo lớn của quần đảo Trường Sa và được mệnh danh là phên dậu phía Bắc quần đảo. Nổi bật trong màu xanh của cây, ngôi chùa Song Tử Tây vừa mới được xây dựng năm 2009, đang trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Bức tượng Quốc công Trần Quốc Tuấn cao sừng sững như một minh chứng cho lòng dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, đánh đuổi quân xâm lược bờ cõi nước ta. Hằng đêm ánh sáng của ngọn đèn hải đăng cao 36m sáng rọi như người lính canh khổng lồ dẫn đường cho tàu thuyền của Việt Nam trên biển. Những ngọn đèn thắp sáng bằng nguồn năng lượng thiên nhiên, làm Song Tử Tây giống như một thành phố nổi trên biển. Nhạc sĩ Huỳnh Liên (Hội Nhạc sĩ Khánh Hòa) đã không giấu nổi cảm xúc ôm đàn ghi ta, hát lên một bài ca về Trường Sa vừa mới sáng tác.
 
Chia tay Song Tử Tây, để tiếp tục hành trình nhưng tình cảm sao còn lưu luyến mãi. “Đảo là nhà, biển là quê hương”! Đến mỗi đảo, chở Tết ra với những người lính ở lại, ai cũng bịn rịn: “Các anh cứ an tâm chiến đấu, giữ vững biển đảo của Tổ quốc. Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào những mùa Tết năm sau!”.

Thanh Xuân

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.