Những đứa con "trời đánh thánh vật"

Chia sẻ

ĐSGĐ-Họ không đáng được gọi là con người, mà là “những đứa con trời đánh thánh vật” như cách gọi con gái, con rể của một cụ bà trong một phiên toà hình sự…

 
* Sợ con hơn sợ cọp…
 
Bà Bính ở Bắc Giang đã ngoài 80 tuổi. Là vợ liệt sĩ, cả cuộc đời bà vất vả vì cảnh goá bụa từ lúc 28 tuổi. Tất cả tình yêu thương bà dồn cho đứa con trai duy nhất sớm bị mồ côi cha. Nhờ chính sách ưu tiên con liệt sĩ, nên con trai bà mới được Nhà nước cho đi học ở nước ngoài. Khi con đi học xa, bà vừa buồn, nhưng cũng vui vì hy vọng “nó” sẽ là chỗ dựa tinh thần và chăm sóc mẹ khi về già, bởi người ta dạy “trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhưng đứa con có ăn có học ấy bỗng trở nên bất hiếu, nhất là sau khi người mẹ đã lo cho nó yên bề gia thất. Nó hắt hủi, đánh đập, bỏ rơi mẹ suốt mấy chục năm qua. Nhiều lần bà Bính đau ốm, ngã gãy chân, đi mổ mắt, nhưng “thằng con trời đánh” không hề hỏi han gì đến mẹ.
 
Nhiều lần, nó  gây sự nhằm gây sức ép để bà Bính sang tên cho mảnh đất bà đang sinh sống. Bà chưa đồng ý thì nó thù bà. Ngày cưới cháu nội, bà không được mời. Khi xã làm lễ đón hài cốt chồng bà từ chiến trường miền Nam về quê, thằng con cũng không báo cho mẹ biết. Sau vụ có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà bóp cổ bà tìm vàng, dù nó bịt mặt, bà vẫn nhận ra đó là đứa con trời đánh của mình. Tuy lần đó thoát chết, nhưng hiện nay bà mắc chứng sợ con hơn sợ cọp.
 
Những đứa con
Ảnh minh họa
 
Mấy tháng trước, ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng xảy ra vụ ngược đãi cha mẹ già khiến dư luận bức xúc. Người cha già 87 tuổi ốm nặng, đã bị con dâu thu dọn đồ đạc, đưa vào viện vứt, ngay trong phòng bệnh. Ra viện, các cô con gái đưa cụ về nhà chị dâu, nhưng bị chị dâu và các cháu cấm cửa. Thân già gần đất xa trời bị phơi gió, phơi sương hơn nửa ngày ở hè phố. Nhiều người thương cảm, nhưng cũng chẳng dám can thiệp, bởi người ta nghĩ bố chúng nó, chúng nó còn chẳng coi ra gì, mình đụng vào, chẳng may nó đánh cho thì thiệt thân. Nghe đâu, sau vụ việc này những đứa con của cụ có nhờ chính quyền địa phương hoà giải, kẻ nọ đổ lỗi cho người kia, nhưng dù có thế nào những đứa con của cụ vẫn bị người đời gọi là những kẻ trời đánh thánh vật.
 
Tuy có 7 người con, 6 gái, 1 trai, nhưng cụ Nguyễn Văn Tấu 75 tuổi ở Lào Cai cũng sống lay lắt, vất vưởng. Người thường xuyên đánh đập, đuổi cụ ra khỏi nhà, chửi bới bằng những lời cay độc lại chính là cô con dâu út, một giáo viên, một “kỹ sư tâm hồn”, một người hàng ngày đứng trên bục giảng, được xã hội gọi bằng cái tên tôn kính là “nhà giáo”.
 
Nhưng có lẽ người mẹ 89 tuổi ở Phú Yên mới là người mẹ bất hạnh nhất. Cô con gái đã khá lớn tuổi, rắp tâm cướp đất của mẹ già, không cho mẹ vào nhà để được thắp hương cho hai liệt sĩ là chồng và con trai. Đứa con lớn tuổi ấy còn xui chồng, con đánh đập mẹ, chửi mẹ là “con chó già”. Để uy hiếp mẹ, cả nhà đứa con út đã dùng thuốc trừ sâu, mảnh thủy tinh trộn với mắm tôm nồng nặc mùi hôi thối đổ khắp ngôi nhà, trong khi bà lão gần 90 tuổi bất lực ngồi một chỗ than khóc. Chính quyền địa phương đã phải vào cuộc giải cứu và di chuyển bà đến nơi an toàn. Thật đau xót khi ở chính gia đình mình mà người mẹ già không thấy an toàn chỉ vì bà có những đứa nghịch tử. Đau xót hơn, chàng rể của người mẹ bất hạnh kể trên lại là đảng viên, đại biểu HĐND xã, trạm trưởng trạm y tế xã.
 
* Chữ hiếu trong đạo làm người
 
Chữ "Hiếu" là chữ viết tắt của hai chữ "Lão" ở trên và chữ "Tử" ở dưới. "Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
 
Kinh Báo Ân Cha Mẹ có câu: "Công ơn cha mẹ vô lượng vô biên, tội lỗi bất hiếu vô biên vô lượng". Thật vậy, nói sao cho hết công ơn của cha của mẹ từ khi con cái còn trong bào thai cho đến lúc trưởng thành. Cho dù con cái phải nát xương nát thịt nuôi dưỡng phụng thờ cha mẹ hết suốt cuộc đời vẫn không sao trả hết công ơn ấy.
 
Những đứa con
Ảnh minh họa
 
"Hiếu" là thiên kinh địa  nghĩa, là gốc của mọi đức tính. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng, trong "Luân lý giáo khoa thư" các em đã hiểu: "Công cha như núi Thái  Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Những chân lý đó, không ai không chấp nhận. Cha mẹ nào mà không thương con, không mong muốn cho con mình thành người. Cha mẹ đã lăn lộn với cuộc sống, kiếm miếng cơm manh áo để chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con lớn khôn, cho con ăn học bằng bạn bằng bè. Bằng kinh nghiệm sống và sự trải đời, họ muốn hướng con đi trên con đường đúng và không gặp sai lầm.
 
Mặc dù người Việt Nam có thờ phật, thờ thánh, thờ đức chúa, song dân gian vẫn dặn nhau: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Chính vì thế, cho đến ngày nay, “Đạo thờ ông bà” vẫn tồn tại trong tâm lý mỗi người Việt. Dù đi bốn phương trời, nhưng “con đâu, cha mẹ đấy”, những người làm ăn, định cư ở nước ngoài, dù là ở biệt thự sang trọng hay chỉ ở gian nhà thuê cũng lập một bàn thờ tổ tiên.
 
Nho giáo là nền tảng luân lý đạo đức ngày xưa có hẳn một quyển sách riêng dạy về đạo hiếu gọi là “Hiếu kinh”. Thầy Tăng Tử, một học trò xuất sắc của đức Khổng Tử nói: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên” (Hiếu là nết đứng đầu trăm nết). Thầy Mạnh Tử phân tích chi tiết hơn về nội dung của chữ “Hiếu” như sau: “Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, tang ma hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực”. Kinh Thi, một trong bộ Ngũ kinh của Đạo Khổng cũng dạy: “Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, như với lên trời cao chẳng đặng”.
 
Trong cuốn "Một nghìn lẻ một đêm" một nhà thông thái đã trả lời đám đông: "Nỗi khổ lớn nhất và dai dẳng nhất trên đời là có đứa con hư". Thời vua Lê Huyền Tông cách đây gần bốn thế kỷ đã ban biển đỏ với  bốn chữ vàng "Hiếu hạnh khả phong" cho những người con sáng ngời hiếu nghĩa.
 
Truyền thống hiếu đạo lưu truyền đời đời. Ngày nay chữ Hiếu cũng không khác mấy so với ngày xưa, vì cũng xuất phát từ tấm lòng tri ân và báo ân (biết ơn và đền đáp ơn) cha mẹ.
 
Do điều kiện, hoàn cảnh xã hội ngày nay không giống như ngày xưa, cho nên cách thể hiện lòng hiếu thảo của người con thời nay có khác người xưa đôi chút. Song hai chữ bất hiếu thì không đời nào có thể chấp nhận được. Vậy mà vẫn còn đó bao nước mắt mẹ già phải nhỏ xuống, bao thân xác héo khô của cha già bị đuổi ra đứng đường và còn không ít tính mạng của những người cha, người mẹ bị cướp đi bởi bàn tay của những đứa con nghịch tử, vậy chẳng chua xót lắm sao?
 
Đinh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

Để ngày nào cũng là “Ngày của mẹ”

Để ngày nào cũng là “Ngày của mẹ”

(PNTĐ) - “Ngày của mẹ” (Mother's day) là dịp để tất cả chúng ta tôn vinh, tri ân đấng sinh thành. Mẹ đã dạy chúng ta bài học lớn nhất trong cuộc sống, rằng tình yêu không chỉ là cảm giác mà là những hành động, những lời nói cụ thể mà chúng ta có thể dành cho nhau ngày này qua ngày khác, đến suốt cả cuộc đời này…
Mẹ thương con theo cách riêng mình

Mẹ thương con theo cách riêng mình

(PNTĐ) - Vậy là mẹ Hòa đã ra đi được 1 tuần. Ở tuổi 75 ai cũng bảo bà đi thế là thanh thản bởi các con đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Chỉ có Hòa hiểu, nỗi đau buồn của bà trước khi nhắm mắt chưa gặp được đứa con trai út của mình. Ngồi bên di ảnh của mẹ, Hòa trầm ngâm nhớ về những ngày xa xưa.
Tin vào tình yêu của chồng

Tin vào tình yêu của chồng

(PNTĐ) - Sau khi đi trăng mật trở về, ngày đầu tiên trở lại đi làm cũng là ngày anh... cất biến chiếc nhẫn cưới ở nhà. Trên facebook cá nhân của anh, chưa một lần chị được xuất hiện.
Ông bố “thích” nằm viện

Ông bố “thích” nằm viện

(PNTĐ) - Từ ngày mẹ chị mất, bố chị dù chẳng đau ốm nặng cũng “bịa” ra bệnh để vào bệnh viện điều trị dăm bữa, nửa tháng khiến cuộc sống con cháu đảo lộn theo. Cả nhà chị có cảm giác, ông “thích” đi viện làm bệnh nhân hơn là sống ở nhà làm người khỏe mạnh.