"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

Chia sẻ

PNTĐ-Đứng trên khu đất 7.200m2, chị Nguyễn Thị Vui - hội viên PN X.Liên Mạc - Mê Linh không giấu được niềm vui sướng khi những giọt mồ hôi cả gia đình chị đổ xuống đang thành trái ngọt.

 
Vùng đất xấu này nằm cuối cánh đồng Liên Mạc, hai năm về trước vẫn đầy cỏ dại. Đất xấu, chỗ thấp, trũng chỗ lại gò cao trồng lúa, sắn năng suất đều rất thấp. Năm 2011, UBND xã Liên Mạc phát động đấu thầu đất, dồn điền đổi thửa nâng cao năng suất nông nghiệp. Trong khi nhiều nông dân tránh không nhận thì chị Vui là người đầu tiên xung phong cải tạo phần đất ấy. Chị bảo: “Hai vợ chồng có những đêm thức trắng để nghĩ tới việc sẽ “thuần hóa” đất ra sao, quy hoạch như thế nào để sử dụng hết phần đất rộng ấy cho đỡ lãng phí”.
 
Chị Vui bên trang trại của gia đình
 
Khi đã có kế hoạch cụ thể, chị đứng ra đấu thầu đất của xã, cả gia đình bắt tay ngay vào việc phát quang bụi rậm, cỏ dại. Số tiền hơn 400 triệu đồng dành dụm được những năm làm ăn trong Lâm Đồng anh chị mang ra đầu tư. Không ít người đã lo ngại trước sự mạo hiểm của chị, đã khuyên anh chị dừng lại, nhưng chị vẫn tin vào định hướng của mình. Cả gia đình ngày đêm ăn ngủ trong căn nhà dựng tạm ngoài đồng, thuê người múc đất gò thành hai ao nuôi cá, đổ đất vào chỗ trũng, san bằng để xây khu chăn nuôi vịt, trâu, lợn. Phần đất còn lại xung quanh bờ ao chị trồng chuối, đu đủ, bơ, hòe… Biết đất không hợp để trồng lúa, chị đầu tư vào chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Sau hai tháng “đánh vật” với cỏ hoang, gò cao, đất trũng, khu trang trại vườn ao chuồng được hình thành. Vợ chồng chị lặn lội khắp các tỉnh tìm mua giống tốt để bắt đầu chăn nuôi, trồng trọt trên khu đất đã san bằng.
 
Công cuộc san, lấp đất đã vất vả nhưng việc chăm, nuôi các loại cây, con lại càng nhọc nhằn hơn. Số tiền dành dụm được đã đầu tư hết mà trang trại vẫn cần thêm vốn, chồng chị lại vào Sài Gòn làm ăn, gửi tiền phụ thêm. Ngoài bố mẹ chồng đã gần 70 tuổi, phụ giúp những công việc nhẹ, lao động chính trong nhà giờ chỉ có chị, một tay làm lúa, một tay chị chăm cá, thả vịt, nuôi lợn, vun xới cho chuối, đu đủ, hòe…đang bắt đầu lớn. Chẳng khó để gặp chị với khuôn mặt đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi nhưng nụ cười lúc nào cũng tươi rói: “Cũng vất vả nhưng cả gia đình đều chung tay, ủng hộ nên tôi cảm thấy rất thoải mái và có động lực để làm. Tôi thấy công tác dồn điền đổi thửa của xã giúp bà con nông dân chúng tôi đỡ tốn sức người, sức của”.
 
Mới hai năm, vùng đất trũng xấu bỏ hoang ngày nào giờ đã được thay bằng màu xanh bạt ngàn của hàng nghìn gốc chuối, đu đủ, các loại cá trắm, trôi, vịt siêu, lợn… lứa thu đầu tiên, gia đình chị xúc động bởi đất đã chẳng phụ sức người. Nhìn chị nhỏ bé trước khu trang trại rộng lớn, tôi hỏi: “Vì sao chị lại dám mạo hiểm như thế?” Vẫn nụ cười tươi ấy, chị đọc câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bởi tôi tin “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Việt Hưng

Tin cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.
Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

(PNTĐ) - Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, giao lưu, kết nối, hội nhập và phát triển giữa phụ nữ Hà Nội và phụ nữ quốc tế, vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.