Khi người giúp việc “nghỉ phép”

Chia sẻ

PNTĐ-“Chị “nghỉ phép” hết tháng Giêng mới ra làm được, cô chú chịu khó sắp xếp việc nhà nhé!”-Bà chị họ bấy lâu đảm nhiệm “chức vụ” giúp việc trong nhà gọi điện thông báo rồi cúp máy cái rụp...

 
Khi người giúp việc “nghỉ phép” - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Ba năm, hai vợ chồng trẻ và đứa con bám chị giúp việc như hình với bóng. Được cái bà chị họ làm việc ngoài vì tiền còn vì cái tâm ruột rà nên mọi chuyện trong nhà cứ đâu ra đấy. Hết giờ làm, vợ có thể thoải mái shopping, cà phê tán ngẫu với bạn bè hoặc thể dục thẩm mỹ, chồng tự do nâng ly với đám bạn hoặc chơi tennis, đá bóng tùy thích. Về đến nhà, cơm nước sẵn sàng, con cái ăn xong, tắm rửa sạch sẽ. Cảnh nhà lúc nào cũng êm êm, vợ chồng son rỗi khiến ai cũng phát thèm.
 
-Sắp tới bà nội, bà ngoại đều bận đi lễ đầu năm, nhờ ai trông con bây giờ? – Vợ hỏi. Chồng vẫn không rời mắt khỏi trận bóng trên ti vi đáp: “Anh chịu”. Bình thường cứ việc nào mà “anh chịu” là vợ lại gọi ngay chị giúp việc nhưng trong tình huống này vợ cáu bẳn, giằng lấy chiếc điều khiển tắt phụt ti vi. “Ngày mai đi làm rồi mà anh vẫn bảo “chịu” thế thì phải làm sao?”.
 
Thấy vợ nổi giận, chồng nghĩ một lúc: “Hay là vợ nghỉ phép mấy ngày để trông con, rồi nhờ bà nội giúp cho đến ngày chị giúp việc lên”. Chẳng còn cách nào khác, ngày mai chồng tạm thời nghỉ một ngày để vợ lên cơ quan xin nghỉ phép. Tối vợ đi làm về lỉnh kỉnh mấy túi thức ăn đủ dùng trong một tuần. Vợ bảo “công việc bếp núc sẽ được tối giản bằng đồ chế biến sẵn cho đến ngày chị giúp việc quay lại”. Tưởng mọi việc sẽ ổn khi đơn giản hóa mọi việc nhưng hóa ra nó lại chẳng ổn tí nào.
 
Con bé quen khẩu vị ăn uống do chị giúp việc chế biến nên không chịu nuốt thức ăn mẹ nấu. Vợ ngày nào cũng rong từ đầu ngõ đến cuối ngõ, mà con bé không ăn được nửa bát cháo. Nghỉ phép có mấy ngày mà vợ biến thành người khác, ngày trước yêu con là vậy giờ phát vào mông con đôm đốp vì tội lười ăn, đái ỉa vô tổ chức, khóc i ỉ cả ngày. Chồng chưa tan sở vợ đã gọi điện sai mua hết thứ này đến thứ khác. Đêm, chồng vừa sờ vào người, vợ quay lưng, dấm dẳng kêu mệt, từ chối một cách phũ phàng. Sáng chồng dậy đi làm trong bộ cánh nhầu nhĩ bởi vợ bận không là ủi được. Thỉnh thoảng, chồng không thể bỏ được thói quen tụ tập bạn bè, nhất là dịp đầu năm, dư âm Tết vẫn còn. Trở về nhà trong hơi men, chồng đã thấy vợ mặt nặng như chì nhấm nhẳng nằm quay lưng lại.
 
Một tuần trôi qua, vợ chồng mừng húm khi nghe bà nội bảo đã sắp xếp được thời gian trông cháu cho đến ngày chị giúp việc “hết phép”. Có bà nội, nhịp sống bình thường trở lại. Nghĩa là vợ được giải phóng khỏi công việc bếp núc, dọn dẹp và chăm con. Chồng cũng được quay về với những thú vui hàng ngày... Nhưng bà nội thì không phải là… giúp việc. Một tối, sau bữa cơm bà nội hắng giọng: Bà ra đây chơi với cháu chứ không phải thay thế chị giúp việc. Bắt đầu từ ngày mai, công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, bà giao lại cho mẹ nó. Còn bố nó, sau giờ làm về nhà cơm nước đàng hoàng không nhậu nhẹt tối ngày như thế.
 
Đêm vợ giục chồng gọi điện về quê hỏi thăm tình hình chị giúp việc và không quên cầu cứu “chị không lên nhanh vợ chồng em… chết mất”. Mặc thái độ khẩn trương của chồng, chị giúp việc vẫn thong thả “còn nửa tháng nữa chị mới “hết phép” mà”…   

 Bảo Hoàn

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.