Chile: Cuộc cải cách xã hội “Bachelet” bắt đầu

Chia sẻ

PNTĐ-Nhậm chức Tổng thống Chile lần thứ hai, bà Michelle Bachelet ngay lập tức bắt tay ngay vào thực hiện cải cách xã hội, sửa lại những sai lầm mà bà “thừa hưởng” từ chính phủ của người tiền nhiệm.

 
Chile: Cuộc cải cách xã hội “Bachelet” bắt đầu - ảnh 1
Giáo dục là một trong những trọng tâm cải cách của bà Bachelet
 
50 sáng kiến trong 100 ngày đầu tiên
 
Tổng thống Bachelet nhấn mạnh, bất bình đẳng xã hội hiện là vấn đề nổi cộm tại quốc gia Nam Mỹ giàu có này, do đó chính quyền cần nhanh chóng triển khai các chương trình cải cách. Bà cam kết phát động khoảng 50 sáng kiến về thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong 100 ngày đầu tiên trở lại nắm quyền.
 
Mở màn cuộc cải cách xã hội này là việc Tổng thống Bachelet phê chuẩn Dự án Thưởng Tháng 3 hàng năm. Theo đó, cứ vào tháng 3 hàng năm, mỗi hộ gia đình có thu nhập thấp ở Chile lại được hưởng một khoản trợ cấp 40.000 peso. Bà María Fernanda Villegas, Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội trong chính phủ của bà Bachelet, giải thích rằng tháng 3 là tháng khó khăn truyền thống đối với các hộ gia đình nghèo ở Chile, nên trợ cấp cho đối tượng này để họ giữ mức thu nhập tối thiểu cần thiết. Theo bà, phạm vi của dự án thưởng này là khá lớn, khoảng 1,6 triệu gia đình, tương đương với 1/3 ba dân số được nhận trợ cấp tháng 3.
 
Tiếp đó, một cải cách đáng kể nữa là việc ngày 31/3, Tổng thống Bachelet đã ký trình Quốc hội kế hoạch cải cách thuế với mục tiêu thu khoảng 8,2 tỷ USD để trang trải các chương trình giáo dục trong nỗ lực thiết lập công bằng xã hội mà bà đã cam kết khi tranh cử. Dự luật trên đề xuất nâng dần thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn từ 20% hiện nay lên 25% vào năm 2017, trong khi giảm thuế thu nhập cá nhân từ mức tối đa 40% xuống 35%. Tuy nhiên, Tổng thống Bachelet khẳng định, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95% số doanh nghiệp tại Chile, sẽ không bị ảnh hưởng, ngược lại phần lớn được lợi nhờ các biện pháp ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư trong chương trình cải cách thuế này.
 
Chile vốn thường được đánh giá như là một mô hình kinh tế kiểu mẫu cho các quốc gia và thị trường mới nổi tại khu vực Mỹ Latinh. Chile có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm ở mức cao và ổn định vào khoảng 5,5%, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều ở mức thấp. Nhưng trong vài năm trở lại đây, xã hội Chile đang xuất hiện sự chênh lệch, bất bình đẳng giữa các tầng lớp.

Tập trung nguồn lực cải cách giáo dục
 
Sự bất bình đẳng thể hiện rõ ở sự bất mãn với hệ thống giáo dục đắt đỏ khiến việc tiếp cận được các trường học chất lượng vượt quá tầm tay của nhiều người, và kết quả là hàng nghìn sinh viên đã xuống đường biểu tình phản đối hệ thống giáo dục suốt từ năm 2011 đến nay. Thế nên, việc Tổng thống Bachelet công bố kế hoạch cải cách thuế với mục tiêu thu khoảng 8,2 tỷ USD để trang trải cho các chương trình giáo dục trong nỗ lực thiết lập công bằng xã hội mà bà đã cam kết khiến người dân Chile tràn trề hy vọng.
 
Trong nhiệm kỳ mới, bà Bachelet kêu gọi cải cách sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục theo hướng triển khai chế độ giáo dục công lập miễn phí và có chất lượng ở tất cả các cấp. Nhìn lại, phong trào phản đối hệ thống giáo dục tại Chile bắt đầu từ khi các học sinh trung học phổ thông khởi xướng “pinguinos” (gọi là phong trào “Chim cánh cụt” vì đồng phục học sinh của Chile có hai màu đen và trắng) vào năm 2006 trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Bachelet, kêu gọi sự công bằng hơn trong các trường học tại Chile.
 
Hiện tại, ở bậc phổ thông, học sinh các trường công lập được miễn phí hoàn toàn. Các trường phổ thông tư thục cũng đã được Nhà nước chia sẻ một phần học phí. Tuy nhiên, tại cấp đại học, sinh viên phải trả 100% tiền học, kể cả tại các trường công do sự hỗ trợ của Nhà nước là rất nhỏ. Vì vậy, ngay sau nhiệm kỳ đầu tiên của bà Bachelet kết thúc năm 2010, giáo dục đã được đặt vào vị trí trung tâm của hoạt động chính trị  khi những cuộc biểu tình của sinh viên diễn ra liên tục và làm rung chuyển Thủ đô Santiago với những đoàn diễu hành lên tới hơn 100 nghìn người.
 
Theo cương lĩnh tranh cử, bà Bachelet đã cam kết, chính sách miễn phí giáo dục đại học công có thể được thực hiện trong vòng 6 năm kể từ ngay sau ngày bà nhậm chức. Một phần nguồn ngân sách hỗ trợ chính sách này lấy từ thuế mới.
 
Tuy nhiên, dù muốn thực hiện cải cách nào, bà Bachelet đều phải giành được số phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội.
 
Theo Luật bầu cử Chile, cần phải có ít nhất 57% số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để có thể thông qua dự luật cải cách giáo dục và gần 67% số phiếu ủng hộ để thay đổi hiến pháp. Trong khi đó, liên minh đa số của bà Michelle Bachelet chỉ có 68/120 (56,67%) ghế tại Hạ viện và 21/38 (55,2%) ghế tại Thượng viện.
 
Như vậy, để có thể hoàn thành bất cứ cam kết nào, bà Bachelet sẽ không những cần phải có một liên minh thống nhất mà còn cần sự ủng hộ của các nhóm cánh hữu, những người không có lợi ích trong việc tăng thuế hay thay đổi các chính sách tài khóa. Và đây cũng được xem là một trong những thách thức lớn nhất của bà Bachelet trong nhiệm kỳ này.

Minh Thi

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.