Chọn môn thi chính trong tuyển sinh ĐH 2014: Đúng nhưng chưa… trúng

Chia sẻ

PNTĐ-Một trong những cải tiến của Bộ GD-ĐT trong mùa thi ĐH năm 2014 là cho phép các trường ĐH được tự chọn môn thi chính để nhân hệ số 2 khi tính tổng điểm tuyển sinh...

 
Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 32 trên tổng số hơn 600 trường ĐH của cả nước chọn môn thi chính cho 231 ngành học. Danh sách này cũng vắng bóng tất cả các trường ĐH, CĐ top đầu.
 
Chọn môn thi chính trong tuyển sinh ĐH 2014: Đúng nhưng chưa… trúng - ảnh 1
Thí sinh trong kỳ thi ĐH
 
Khi trường lớn “nói không” với môn thi chính
 
Năm 2014 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tự chọn môn thi chính. Theo đó, thí sinh sẽ được nhân hệ số 2 đối với môn thi chính khi tính tổng điểm tuyển sinh.
 
Các năm trước, Bộ GD-ĐT vẫn cho phép các trường nhân hệ số môn chính khi xét tuyển, nhưng chỉ áp dụng đối với những thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn trở lên. Với cải tiến trong năm 2014, thí sinh có điểm môn chính cao nhưng có tổng điểm 3 môn thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản (điểm sàn trước đây) vẫn có khả năng trúng tuyển.
 
Đây được cho là một “mũi tên nhằm vào 2 đích”, vừa giúp cho các trường “cứu được thí sinh dưới sàn”, đồng thời tuyển được thí sinh có năng lực (giỏi ở môn thi chính) phù hợp với nhu cầu của trường.
 
Nhưng thật bất ngờ, công bố vừa qua của Bộ GD-ĐT cho thấy, có rất ít trường lựa chọn giải pháp môn thi chính. Trong số 30 trường tiên phong chọn môn thi chính, chủ yếu vẫn chỉ dừng ở việc chọn môn Ngoại ngữ với ngành ngôn ngữ hoặc môn Năng khiếu với ngành năng khiếu.
 
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương – một ĐH đầu tàu của cả nước cho biết, năm nay, trường vẫn chỉ chọn Ngoại ngữ làm môn thi chính (nhân hệ số 2) với ngành ngôn ngữ. Các ngành khác vẫn tính điểm đều 3 môn thi. “Chúng tôi thấy ngành ngôn ngữ còn có đặc thù là ngoại ngữ còn với các ngành khác, môn nào cũng cần thiết như nhau nên trường không “nhấn” hệ số với môn nào”.
 
Tương tự, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa cho rằng, mục tiêu của Bộ GD-ĐT khi đưa ra quy định chọn môn thi chính chủ yếu chỉ nhằm tăng nguồn tuyển cho các trường. ĐH Bách khoa chưa bao giờ rơi vào nhóm trường khó tuyển nên không cần thiết phải chọn môn thi chính.
 
 “Phủ nhận” vai trò của môn thi chính trong việc tuyển được thí sinh phù hợp cũng là ý kiến của rất nhiều đại diện các trường ĐH lớn nhỏ khác.

Chưa tin vào chất lượng giáo dục phổ thông
 
Ông Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh lý giải, một trường ĐH có thể chọn môn Toán là môn thi chính với ngành Kỹ thuật-Điện-Điện tử. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tuyển được thí sinh có điểm cao về môn Toán cũng không đồng nghĩa trường ĐH đó đã tuyển được người học có tư duy về toán. “Hiện nay, giáo dục phổ thông của Việt Nam chưa đào tạo theo hướng phân hóa năng lực. Việc học sinh giỏi một môn nào đó là do các em được luyện thi nhiều, làm bài theo mẹo… chứ năng lực thực sự chưa chắc đã có”.
 
Vì thế, theo ông Nguyễn Văn Hùng, “năm nay, chúng tôi thà lấy thí sinh theo số đông rồi trong quá trình đào tạo sẽ tự tìm cách phân hóa, định hướng cho các em sau. Đây là cách tuyển sinh an toàn và chủ động”.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi - trong hoàn cảnh các trường ĐH vẫn đang bị lệ thuộc vào “sản phẩm” của giáo dục phổ thông, xác định môn thi chính là quá mạo hiểm. “Xác định môn thi chính nghe qua tưởng tăng được nguồn tuyển, nhưng thực tế còn gây “bó hẹp” đối tượng tuyển sinh của các trường tốp dưới vốn sở hữu đối tượng thí sinh có học lực chỉ ở mức trung bình”.
 
 Theo TS Nhã, muốn tuyển sinh ĐH “theo môn thi chính” thì phải cải tiến cách dạy và học từ bậc phổ thông trước.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.