Năm 2015: sẽ “bớt nóng” điểm đỗ xe trong thành phố?

Chia sẻ

PNTĐ-Thiếu điểm đỗ xe là một trong số những tồn tại kéo dài của Hà Nội. Sang năm 2015, cơ quan chức năng có những giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu về giao thông tĩnh của người dân?

 
“Ách tắc” từ năm cũ…
 
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó phòng Quản lý Giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội, hiện có  khoảng 90%-92% số phương tiện có nhu cầu đỗ  tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án… Các vị trí này đều không được cấp phép. Mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, khu vực từ trung tâm thành phố đến vành đai 2. Mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe hiện đang thiếu về số lượng và kém về chất lượng dịch vụ, gây bức xúc cho người dân, gây khó khăn cho công tác quản lý, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
 
Năm 2015: sẽ “bớt nóng” điểm đỗ xe trong thành phố? - ảnh 1
Giàn đỗ xe thông minh tại 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng
(Ảnh: Nguồn internet)
 
Nhằm cải thiện tình hình giao thông đô thị, ngày 2/12/2003, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 165/2003/QĐ-UB, quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020. Trước khi có Quyết định này, tổng số điểm đỗ xe được sắp xếp trên hè phố, lòng đường là 130 điểm với diện tích khoảng 75.000m2. Nhưng số điểm đỗ tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 67 điểm với diện tích bằng một nửa diện tích cũ là 33.841m2. Điển hình cho việc “biến dạng” điểm đỗ xe là diện tích đất ở đầu đường quốc lộ 5, khu vực Cầu Chui, quận Long Biên. Khu đất rộng 10ha theo quy hoạch điểm đỗ nay đã biến thành trung tâm thương mại. Lô đất 16 Phan Chu Trinh được quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng - trên 12.000m2 để thay thế nhiều điểm đỗ trên khu vực lân cận như Ngô Quyền, Hàm Long, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông… giờ cũng thành một tòa nhà ngân hàng đồ sộ... “Vỡ” quy hoạch, áp lực điểm đỗ đè nặng lên mọi con đường, tuyến phố, cả vỉa hè lẫn lòng đường nên trong năm 2014, bức tranh giao thông tĩnh tại Hà Nội trở nên lộn xộn, bí bách.

Sẽ xây thêm nhiều bãi đỗ xe trong năm mới
 
Trong kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT giai đoạn 2011-2015, UBND TP Hà Nội đã đưa ra mục tiêu tập trung đầu tư các dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, ven đô; xây dựng các điểm trung chuyển đa phương thức, các nút giao thông đầu mối. TP dự kiến xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô…
 
Hai trong số những giải pháp được coi là hữu hiệu là: đầu tư giàn đỗ xe thông minh nhiều tầng và xây dựng công trình ngầm làm chỗ đỗ xe. Xây dựng giàn đỗ xe vừa tiết kiệm diện tích, lại không tốn nhiều thời gian xây dựng. Tổng công ty Sông Hồng đã đầu tư 8 giàn đỗ xe thông minh nhiều tầng ngoài trời trên đường Lê Văn Lương. Công ty Khai thác điểm đỗ cũng đã đưa vào sử dụng giàn đỗ xe thông minh số 32 phố Nguyễn Công Trứ. Nhiều lượt xe nối đuôi nhau vào ra mỗi ngày tại các điểm này cho thấy hiệu quả rõ rệt của cách làm mới. Trường học, công sở ở trên, bãi đỗ xe ngầm bên dưới – giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” chắc chắn cũng là biện pháp góp phần giảm nhanh áp lực về nhu cầu giao thông tĩnh cho Hà Nội.
 
Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn, mà việc thu hồi vốn lại nhỏ giọt, nên sang năm 2015, TP cần có những giải pháp khuyến khích để các nhà đầu tư mặn mà với hướng đi này. Một ý kiến rất “đời thường” của TS Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội được nhiều người dân tâm đắc là: “Đất cho thuê đỗ phải đắt hơn đất bán phở và người làm điểm đỗ xe cần được vay vốn không lãi suất”.
 
 Sẽ có bãi đỗ xe ngầm ở khu đất 295 Lê Duẩn
 
Khu đất tại số 295 phố Lê Duẩn nằm ở phía Tây công viên Thống Nhất có diện tích hơn 10.000m2 đã từng được TP giao cho công ty liên danh SAS Hà Nội Royal Hotel xây dựng khách sạn SAS Hà Nội Hotel. Khi các hạng mục như cọc khoan nhồi, hệ thống tường vây với tổng diện tích 5.652m2 để làm hầm đỗ xe ngầm (sâu 14 m) được hoàn thành thì dự án phải dừng thi công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Năm 2008, TP đã thu hồi khu đất này, giao cho Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường HN) quản lý. Thành phố đã có chủ trương tận dụng phần ngầm đã được thi công để khai thác làm bãi đỗ xe, còn phần nổi tiếp tục trồng cây xanh, trồng cỏ để làm công viên, phục vụ mục đích công cộng, không thu phí. TP đang yêu cầu công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe HN gửi hồ sơ phương án đề xuất đến các sở, ngành để xem xét, thẩm định, tham gia ý kiến và báo cáo UBND TP.
 
Đ.H
 

Việt Hà

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.