“Nguyên xe tăng” và những giờ phút không quên của ngày 30/4/1975

Chia sẻ

PNTĐ-Khoảnh khắc cánh cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng 390 húc đổ, kết liễu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 vẫn tươi nguyên trong kí ức của trung úy Ngô Sỹ Nguyên.

 
40 năm đã trôi qua, khoảnh khắc cánh cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng 390 của ông và đồng đội húc đổ, kết liễu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 vẫn tươi nguyên trong kí ức của trung úy Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ số 1 trên xe tăng 390 - chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Vượt qua bao làn đạn nguy hiểm, cận kề với cái chết, kíp lái trên chiếc tăng 390 ngày ấy là những người đầu tiên khẳng định sào huyệt cuối cùng của chính quyền Ngụy Sài Gòn sụp đổ, Tổ quốc đã hoàn toàn thống nhất, non song thu về một mối.
 
“Nguyên xe tăng” và những giờ phút không quên của ngày 30/4/1975 - ảnh 1
Ông Ngô Sỹ Nguyên cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 390 tiến vào
dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 do nữ nhà báo Francoise chụp
 
Trào nước mắt trong ngày thống nhất
 
Giây phút thiêng liêng húc đổ cổng Dinh Độc Lập tiến thẳng vào thủ phủ Tổng thống Ngụy, kết liễu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước luôn sống động và in hằn trong hồi ức của những người lính trên chiếc xe tăng 390 ấy. Đáng tiếc là lịch sử Việt Nam suốt 20 năm kể từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã có sự nhầm lẫn. Những trang sách lịch sử suốt 20 năm sau ngày giải phóng vẫn cho rằng xe tăng 843 là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Hồi ấy, cả xe tăng 843 và 390 đều thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Mãi đến năm 1995, khi nữ nhà báo người Pháp tên là Francoise De Mulder trở lại Việt Nam, tìm lại 4 người lính trên kíp xe tăng 390 năm xưa để trao tặng bức ảnh ông Nguyên cùng đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên, sự thật mới được trả lại. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 chính thức được lịch sử thừa nhận là chiếc xe đầu tiên húc tung cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập - đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. “Đó là chiến thắng của Quân đội, của nhân dân Việt Nam, chiến thắng đó có được nhờ bao nhiêu đồng đội đã dũng cảm ngã xuống” – ông Nguyên hồi tưởng.
 
Sinh ra ở Nghệ An, năm 1971, chàng trai Ngô Sỹ Nguyên vừa tròn 19 tuổi, nặng vỏn vẹn 40kg, viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân ngũ nhưng bị loại vì không đủ sức khỏe. Lận đận mãi, cuối cùng chàng trai xứ Nghệ ấy mới được nhập ngũ. Ngô Sỹ Nguyên được tuyển chọn vào lính Tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390.
 
Trên chiếc xe tăng 390 ngày ấy, ông Nguyên được sát cánh cùng trung úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên đại đội; trung sĩ Nguyễn Văn Tập là lái xe và thiếu úy Lê Văn Phượng - phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 (thay pháo thủ số 2 là anh Trường, lúc bấy giờ đang bị thương). “Sáng ngày 30/4, tiểu đoàn 1 của chúng tôi do đồng chí Ngô Văn Nhỡ - tiểu đoàn trưởng nhận nhiệm vụ mở đường vào đánh chiếm Sài Gòn, đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Bọn giặc đánh trả ác liệt. Đồng chí Nhỡ hi sinh ngay trên tháp pháo khi chỉ huy chiến đấu.
 
Sự hi sinh của đồng chí đã thúc đẩy tinh thần chiến đấu của chúng tôi. Đoàn xe tăng tiến nhanh vào Sài Gòn, đi đầu là xe tăng 866 của đồng chí Lê Tiến Hùng. Đến Sài Gòn, đồng chí Hùng bị thương, xe chúng tôi và một số xe khác tiếp tục lao lên. Chúng tôi tới khe Hàng Xanh thì bị lực lượng phản kích tinh nhuệ của địch chặn lại. Đồng chí Toàn và đồng chí Tập hô to: “Nguyên, Nguyên… mục tiêu!” nhưng tôi đã kịp thời nổ súng trước đó tiêu diệt địch rồi” - ông Nguyên minh mẫn kể lại. “Tiến đến cửa Dinh Độc Lập, chúng tôi đã thấy xe tăng 843 của trung úy Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng dừng ngay ở cổng phụ. Thấy vậy, đồng chí Tập lái xe hỏi có nên vào hay dừng lại, thì đồng chí Toàn khẳng khái: “Cứ tông vào đi”. Ngay lập tức, trưởng kíp Vũ Đăng Toàn đã cho chiếc xe “chồm” lên, dũng mãnh tiến lên húc đổ cánh cổng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chạy lên cắm cờ.
 
Sau chiến thắng 30/4, trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên cùng 3 đồng đội là trung úy Vũ Đăng Toàn, trung sĩ Nguyễn Văn Tập và thiếu úy Lê Văn Phượng tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam trên chiếc xe tăng 390. Năm 2012, chiếc xe tăng 390 lịch sử đã vinh dự được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.  

Từ xe tăng chuyển sang… xe buýt
 
Người dân ở xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì bây giờ gọi ông là “Nguyên xe tăng”. Rời quân ngũ tháng 1/1982, ông Nguyên là 1 trong 24 sĩ quan của đơn vị được nhận nhiệm vụ mới là làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại cảng Phà Đen (cảng Hà Nội ngày nay). Trở về thời bình, ông mới có nhiều thời gian để nghĩ tới tình cảm riêng tư cho mình, nghĩ tới cô gái Nguyễn Thị Bé (người Nam Định) với mái tóc tết đuôi sam, thùy mị, nết na mà ông đã thầm để ý khi còn làm pháo thủ của xe tăng 390. Ông quyết tâm tìm người con gái “trong mộng”, hai người nên duyên vợ chồng năm 1983 và đến năm 1985, 1986, hai người con của họ lần lượt ra đời.
 
Tháng 10/1992, ông thôi công tác tại cảng Phà Đen và mua xe ba bánh về chở hàng. Sau khi được lịch sử công nhận là một trong những chiến sỹ của xe tăng 390 dũng cảm húc đổ đinh lũy cuối cùng của ngụy quyền và cũng là nhân chứng đầu tiên chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, ông Nguyên được xí nghiệp Xe buýt 10/10 mời làm lái xe buýt vào năm 2002. Ông đã đảm nhận lái xe tuyến 28 và 37 cho tới khi nghỉ hưu năm 2012.  
 
40 năm đã trôi qua, người pháo thủ trên xe tăng 390 năm xưa giờ đây đã trở thành người ông, người cha trong gia đình hạnh phúc và êm ấm. Dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng ông luôn giữ vững phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, bình dị và gần gũi. Với ông, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội, sự kính trọng, quý mến của bà con lối xóm. Hai người con của ông cũng tiếp nối cha, đều đang phục vụ trong quân đội.

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

(PNTĐ) - Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tại đây, lần đầu tiên hơn 180 di tích di sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam được đưa vào thế giới số, mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch giữa thực và số. Và đó cũng là cách thức rất hiệu quả để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối.
Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

(PNTĐ) - Học Viện Phong Thái Á Đông được thành lập năm 2019 dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Quỳnh Trang, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Phong thái và Khí chất dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đào tạo cho hơn 10.000 học viên và hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp trên cả nước…
Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

(PNTĐ) - Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức đoàn kiều bào về nước tham dự Lễ Giỗ Tổ; đồng thời bà con kiều bào trên toàn thế giới sẽ tổ chức ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu với chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.