Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính: Việc làm ý nghĩa và nhân văn

Chia sẻ

PNTĐ-Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, trình Quốc hội vào năm 2018.

 
 Đây là một tin vui với khoảng 500.000 người Việt Nam có nhu cầu tìm lại con người thật của mình.
 
Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính: Việc làm ý nghĩa và nhân văn  - ảnh 1
Hoa hậu chuyển giới HySa B phát biểu tại hội thảo xây dựng
Luật Chuyển đổi giới tính
 
Bấp bênh cuộc sống của người chuyển giới  
 
Nhiều người chuyển giới có mặt tại buổi hội thảo chia sẻ thông tin liên quan đến chuyển đổi giới tính phục vụ việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/5, bày tỏ mong ước "quyền được sống với chính mình" và được pháp luật công nhận. Chàng trai Bùi Hải Sơn năm nào, giờ là hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2015 HySa B xúc động: Dù phát hiện giới tính thật của mình là nữ từ bé nhưng mãi đến năm 24 tuổi mới dám công khai giới tính thật bằng 2 cuộc đại phẫu thuật vô cùng đau đớn: tạo hình ngực và bộ phận sinh dục. "Để sinh tồn và có tiền phẫu thuật, tiêm hoóc-môn nội tiết, nhiều người chuyển giới như chúng tôi thường tập hợp thành các nhóm nhỏ đi hát ở các đám tang, múa lửa mua vui...".
 
Minh Quân (Hà Nội) – một người có mong ước được chuyển giới từ nữ sang nam, kể: "Tôi phải mặc váy, giả bộ yểu điệu... và tìm kiếm một công việc với thu nhập vài triệu đồng/tháng. Trong khi tôi chỉ muốn sống đúng với bản ngã là một người đàn ông đích thực". Khi "điều bí mật" bị lộ, Quân đã bị một số người kỳ thị, thậm chí bị mắng là bệnh hoạn, đua đòi... Vì thế, Quân mong một ngày không xa, Luật Chuyển đổi giới tính ra đời, Quân sẽ có cơ hội được phẫu thuật ở Việt Nam với chi phí thấp và có cơ hội sống với giới tính thật của mình.
 
Chu Thanh Hà (Hà Nội) đã phẫu thuật chuyển giới tính từ nữ sang nam tại Thái Lan, hàng tháng phải tiêm hoóc-môn nhưng tại Việt Nam không bán loại thuốc này. Không y tá, bác sĩ nào dám kê đơn hay tiêm thuốc cho Hà vì pháp luật không cho phép. Hà phải đặt thuốc từ nước ngoài và tự tiêm cho mình. “Mỗi mũi tiêm vào đùi đau đớn vô cùng. Nếu tiêm chưa đúng kỹ thuật, tôi lại phải tự tiêm lại nên nguy cơ biến chứng luôn rình rập. Tôi không chỉ thấy đau đớn trong mỗi mũi tiêm mà còn rất đơn độc trong cuộc đời. Vì thế, tôi rất chờ đợi được sử dụng dịch vụ y tế tiêm hoóc môn cho người chuyển giới một cách hợp pháp ở Việt Nam", Hà chia sẻ.

Cần có luật cho nhóm xã hội đặc thù
 
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, luật pháp không cho phép chuyển đổi giới tính đồng nghĩa với việc một bộ phận người dân không được sống đúng với giới tính mình mong muốn. Hiện cả nước có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, cơ thể bề ngoài là nam nhưng thực chất là nữ và ngược lại. Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên những người có nhu cầu chuyển giới buộc phải ra nước ngoài thực hiện. Đến nay, ước tính có khoảng 1.000 người Việt Nam đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài. "Nếu thực hiện kỹ thuật này trong nước, mỗi ca chỉ hết khoảng 40 triệu đồng, trong khi ra nước ngoài chi phí này cao gấp 10 -12 lần, khoảng 400 - 500 triệu đồng” - ông Quang nói.
 
PGS.TS Trần Ngọc Bích – BV Việt Đức khẳng định, nhiều BV của Việt Nam như Việt Đức, Nhi T.Ư... hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại. Thậm chí các bác sĩ Việt Nam không những làm tốt về mặt thẩm mỹ mà còn có thể thực hiện kỹ thuật giúp người được chuyển đổi giới tính có cảm xúc và ham muốn tình dục thực sự.  
 
Bà Lương Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội và môi trường cho biết thêm, do pháp luật không "thừa nhận" nên người chuyển giới ở Việt Nam không được công nhận về nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ như chứng minh thư, hộ chiếu... nên họ gặp nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, không được bảo vệ trong các trường hợp liên quan đến tội phạm hiếp dâm, lĩnh vực hộ tịch, kết hôn... "Vì thế, nếu một bộ luật dành riêng cho người chuyển giới ra đời, nhiều người đồng tính kỳ vọng vào việc được phẫu thuật chuyển giới ngay tại Việt Nam với chi phí thấp và được tiến hành các thủ tục công nhận quyền công dân sau khi chuyển đổi giới tính" – bà Ngọc nói.
 
Ông Quang cho rằng, xét về góc độ quyền con người, việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là việc làm ý nghĩa và mang tính nhân văn cao. Trước hết, Luật Chuyển đổi giới tính phải có quy định về mặt nguyên tắc như: không được kỳ thị phân biệt đối xử với người chuyển giới; người chuyển giới được sống thật với giới tính của mình, được hòa nhập xã hội, được tạo cơ hội công ăn việc làm như những công dân bình thường khác. Tiếp đó là quy định về trình tự thủ tục chuyển đổi giới tính. Sau khi được chuyển giới hoàn toàn, người chuyển giới sẽ có chứng nhận y học đã chuyển đổi từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam. Từ giấy chứng nhận đó, các cơ quan liên quan sẽ chuyển đổi giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ chiếu cho họ.
 
"Hy vọng vào năm 2018, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội xem xét” - ông Quang nhấn mạnh.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại CDC Hà Nội

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại CDC Hà Nội

(PNTĐ) - Công đoàn ngành Y tế Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, tổ chức lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động ngành Y tế Thủ đô.
Cảnh giác những thói quen tuy nhỏ nhưng đang cướp đi giấc ngủ của bạn mỗi đêm

Cảnh giác những thói quen tuy nhỏ nhưng đang cướp đi giấc ngủ của bạn mỗi đêm

(PNTĐ) - Chị D - một nhân viên văn phòng 40 tuổi ở Hà Nội, từng có giấc ngủ lý tưởng, bỗng chốc rơi vào địa ngục mất ngủ triền miên. Lý do không chỉ là áp lực công việc, mà còn vì chị đã phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo tưởng chừng đơn giản, và cho rằng "chỉ là mất ngủ chút thôi, ai mà chẳng gặp".
Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình

Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình

(PNTĐ) - Sáng ngày 9/6, tại Hà Nội, Hội thảo phổ biến cam kết tham gia chương trình Kế hoạch hóa gia đình toàn cầu đến năm 2030 đã được Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức, nhằm thúc đẩy quyền của mọi người trong việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản một cách an toàn và theo lựa chọn cá nhân.
Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba và hành trình đem lại nụ cười cho 60 trẻ em

Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba và hành trình đem lại nụ cười cho 60 trẻ em

(PNTĐ) - Từ ngày 2 - 3/6/2025, gần 60 trẻ em mang dị tật vùng mặt đã được khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật miễn phí trong khuôn khổ chương trình phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba phối hợp với Tổ chức Operation Smile và Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì tổ chức.