Hà Nội xóa bỏ lao động trẻ em tại làng nghề

Chia sẻ

PNTĐ-Hà Nội là một trong ba địa phương đầu tiên trong cả nước được lựa chọn tham gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em...

 
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) do Tổ chức Lao động thế giới và Bộ Lao động Thương binh Xã hội triển khai với tổng giá trị hơn 9 triệu USD. Thực hiện dự án này, TP tập trung loại bỏ LĐTE đang làm việc trong ngành thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề.
 
Hà Nội xóa bỏ lao động trẻ em tại làng nghề - ảnh 1
Nhiều địa phương thực thi các hiệp định kinh tế quốc tế thì vấn đề
LĐTE sẽ được quan tâm một cách đặc biệt
 
Trẻ em phải lao động sớm
 
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, TP hiện có hơn 40.000 trẻ em đang đối mặt với nguy cơ phải mưu sinh sớm, trong đó có 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thường tập trung ở những địa phương chuyên canh nông nghiệp hoặc tập trung đông các làng nghề. Chưa kể, Hà Nội hiện có 3,64% hộ nghèo. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên một bộ phận TE rất khó tránh khỏi phải lao động cật lực.
 
Ở cái tuổi lẽ ra phải được tạo mọi điều kiện để vui chơi, để cắp sách đến trường, học chữ, lĩnh hội kiến thức, kỹ năng… - những hành trang không thể thiếu để chuẩn bị cho tương lai thì nhiều em phải nai lưng kiếm sống bằng những công việc thủ công, vất vả. Một ngày đi bán báo, đánh giày, khuân vác, phụ việc ở các lò rèn, làng nghề hay làm giúp việc gia đình, phục vụ ở các quán ăn, nhà hàng… mang lại cho các em khoản thu nhập góp phần phụ giúp gia đình vượt qua những khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn là rất nặng nề và lâu dài. Đó là ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, sức khỏe, hạn chế cơ hội đến trường, thậm chí có nhiều em phải bỏ học giữa chừng khiến cho cuộc sống tương lai của trẻ càng trở nên chông chênh.
 
Trao đổi với PV, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội còn tỏ ra lo lắng hơn khi mà tới đây, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác thực thi các hiệp định kinh tế quốc tế thì vấn đề LĐTE sẽ được quan tâm một cách đặc biệt. Các điều khoản về tiêu chuẩn LĐTE trong chuỗi cung ứng hàng hóa đều có mặt trong tất cả các hiệp định quốc tế như hiệp định TPP, hiệp định với Liên minh Châu Âu, một số nước Đông Âu…
 
Theo ông Đặng Hoa Nam, chuỗi cung ứng hàng hóa là khái niệm rất rộng, không chỉ bao hàm một quy trình sản xuất mà xét trong tổng thể lớn hơn, gồm cả các khâu khai thác nguyên, nhiên liệu đến cung ứng rồi mới đến sản xuất... Nếu không đáp ứng những điều kiện khắt khe này, chúng ta phải đối mặt với tình trạng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có “cửa” vào các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới. Không chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, các dẫn chứng ông Đặng Hoa Nam đưa ra cho thấy, các nước trên thế giới đã thực thi rất nghiêm túc các điều khoản này. Tại Thụy Sỹ, một số công ty sản xuất sôcôla nổi tiếng bị cáo buộc sử dụng LĐTE do lấy nguồn nguyên liệu tại các đồn điền trồng ca cao có sử dụng LĐTE. Một số công ty sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng châu Âu cũng đang vướng vào cáo buộc này do sử dụng các vỏ sò, vỏ ốc do trẻ em Ấn Độ nhặt để sản xuất lớp nhũ trong sơn móng tay.

Chuẩn bị hội nhập  - xóa bỏ LĐTE tại làng nghề  
 
Với những tinh thần đó, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã chọn Hà Nội là một trong ba địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Tổ chức Lao động thế giới tại Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều làng nghề nhất tại Việt Nam. Hiện nay, TP đang có khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. Đây là khu vực vừa cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp vừa có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc, có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Đặng Văn Bất làng nghề có nhiều công việc dành cho LĐ nhàn rỗi, trong đó có những công việc vừa sức, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và thời gian của trẻ em nên việc sử dụng LĐTE tại đây là khá phổ biến.
 
Triển khai dự án, Hà Nội thực hiện tại 21 xã của 4 huyện là Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ và Gia Lâm với khoảng 300 làng nghề. Theo ông Đặng Văn Bất, đây là một bước tiến mới trong việc phòng ngừa LĐTE bởi dự án giải quyết ngăn chặn được từ gốc của vấn đề. Song song với công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng LĐTE, các mối nguy hiểm liên quan và các quy định của pháp luật về cấm LĐTE… dự án hỗ trợ các gia đình khó khăn cải thiện sinh kế, tăng thu nhập để trẻ em – thành viên của gia đình sẽ không phải mưu sinh sớm.
 
Tại những địa phương thực hiện dự án, lãnh đạo Sở cho biết, để đạt được hiệu quả bền vững và lâu dài, chính quyền cơ sở được yêu cầu vào cuộc một cách trách nhiệm và thực hiện cam kết tham gia phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Sự tham gia này, trước mắt là trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho con trẻ, tạo điều kiện cho các em được vui chơi, học tập mà địa phương cũng được hưởng lợi, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ hoặc xuất khẩu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất “sạch”, không có LĐTE tham gia.

Hoàng Đức

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.