Tuyệt mật thông tin cá nhân để bảo vệ “ví điện tử”

Chia sẻ

PNTĐ-Thời gian gần đây các vụ việc khách hàng sử dụng thẻ bị kẻ gian lấy cắp mật khẩu, chiếm đoạt tiền bằng các thủ đoạn tinh vi đã khiến nhiều người sở hữu thẻ ngân hàng bất an...

 
Sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng để thanh toán các giao dịch thay thế cho việc người dân phải cầm theo nhiều tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp các vụ việc khách hàng sử dụng thẻ bị kẻ gian lấy cắp mật khẩu, chiếm đoạt tiền bằng các thủ đoạn tinh vi đã khiến nhiều người sở hữu thẻ ngân hàng bất an, lo lắng.
 
Tuyệt mật thông tin cá nhân để bảo vệ “ví điện tử” - ảnh 1
Bảo mật thông tin cá nhân là một trong những cách giữ
“ví điện tử” không bị “móc trộm”
 
Chủ thẻ ATM mắc lừa
 
Ngay sau khi 500 triệu đồng trong tài khoản của một khách hàng “không cánh mà bay”, nhiều chủ thẻ tại Hà Nội ở trong tình trạng tương tự đã lên tiếng, chia sẻ những chiêu trò lừa đảo tinh vi của kẻ gian.
 
Anh Nguyễn Văn Ch ở quận Cầu Giấy sở hữu thẻ tín dụng (cho phép khách hàng sử dụng để thanh toán trước, nộp tiền sau) tại một ngân hàng ở Hà Nội. Khi con gái đi du học, anh Ch mở thêm thẻ phụ (mang tên con gái mình) để  cháu thanh toán hàng tháng một số khoản chi phí (theo cam kết giữa anh Ch và ngân hàng) tại nước ngoài. Theo quy định, con gái anh Ch thực hiện bất kỳ giao dịch gì thì ngân hàng đều phải gửi tin nhắn thông báo cho anh Ch Nếu được anh Ch xác nhận đồng ý, giao dịch mới được thực hiện.
 
Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, nhận được sao kê thanh toán do ngân hàng gửi, anh Ch tá hỏa bởi có 3 giao dịch mua hàng cùng lúc do thẻ phụ thực hiện (có tổng giá trị khoảng 1.500 USD). Khi được bố hỏi thông tin, con gái anh Ch khẳng định: không sử dụng thẻ để mua hàng, cũng như chưa từng làm mất, chưa từng cho ai mượn thẻ. 3 giao dịch được thực hiện tại nơi cách chỗ ở của con gái anh Ch khá xa (hơn 150km) lại vào thời điểm rất đặc biệt: 1 giờ sáng.
 
Thời gian gần đây khi mạng xã hội facebook phát triển mạnh, các đối tượng xấu đã lợi dụng kênh thông tin này để ăn cắp thông tin của chủ thẻ. Anh Đỗ Mạnh Q ở Vạn Phúc, Hà Đông cho biết: đối tượng đã hack tài khoản facebook của một người quen, rồi bắt chước cách trao đổi, trò chuyện giữa hai người, thậm chí sử dụng cả cách viết tắt một số chữ chuyên ngành mà hai người vẫn thường sử dụng khiến anh Q  khó có thể nhận ra mình đang rơi vào bẫy.
 
“Sau vài lần trò chuyện, tôi được nhờ nhận giúp một khoản tiền để người nhà của anh bạn đó ở Hà Nội đến nhận. Không nề hà gì chuyện bạn bè giúp nhau, tôi vui vẻ nhận lời và cung cấp thông tin tài khoản sau đó là mã OPT (mật khẩu dùng một lần do ngân hàng cung cấp). Tuy nhiên, thay vì gửi tiền vào tài khoản của tôi, kẻ xấu đã dùng mã OPT đó để đăng ký giao dịch trực tuyến trên điện thoại di động và rút trộm gần 3 triệu đồng trong tài khoản. Chỉ đến khi nhận được thông báo của ngân hàng qua tin nhắn gửi về điện thoại di động của mình, tôi mới phát hiện ra và báo ngay ngân hàng để hỗ trợ” – Q kể lại.
 
Ngoài những chiêu thức trên, theo cảnh báo của một số ngân hàng lớn tại Hà Nội, các đối tượng xấu giả danh cán bộ ngân hàng hoặc cán bộ điều tra gọi điện cho các chủ thẻ yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân. Từ những thông tin có được, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt mã OPT của chủ thẻ bằng nhiều cách khác nhau như có thể phát tán virus qua việc gửi link, giấu trong các phần mềm... Khi máy tính của người dùng nhiễm virus, mọi thông tin sẽ được ghi nhận, gửi về cho các đối tượng này, trong đó có cả tài khoản và mật khẩu của tài khoản.
 
Các đối tượng cũng có thể tạo ra các website giả mạo tên ngân hàng, gửi link để chủ thẻ đăng nhập thông tin từ đó chiếm đoạt tài khoản và mật khẩu.

Bảo mật thông tin cá nhân
 
Tình trạng chủ thẻ liên tục bị lấy cắp tiền từ tài khoản khiến nhiều người dân bất an và lo lắng cho chiếc “ví điện tử” của mình, nhất là những người trung niên, chưa thành thục với những ứng dụng dịch vụ ngân hàng.
 
Trước thực trạng này, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ tin học, Ngân hàng Nhà nước cho biết: đơn vị này đã có công văn yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các giao dịch để kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ, gian lận dựa vào việc xác định thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần xác thực sai quy định và các dấu hiệu bất thường khác để chủ động ngăn chặn và cảnh báo cho khách hàng. Bên cạnh đó, các hạn mức thanh toán khác nhau sẽ áp dụng công nghệ bảo mật với mức độ khác nhau. Với những giao dịch có giá trị thanh toán lớn, từ 500 triệu đồng trở lên phải bảo mật bằng công nghệ cao như xác thực sinh trắc học...  
 
Còn đối với các chủ thẻ, theo LS Trương Thanh Đức – công ty luật Basico, để đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình, cần thực hiện chế độ bảo mật với các thông tin cá nhân như tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch OTP. Đặc biệt, không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào kể cả nhân viên ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội…
 
Khi chủ thẻ bị mất điện thoại, chuyển nhượng sim điện thoại cho người khác hoặc nhận thấy có các giao dịch bất thường liên quan đến tài khoản, cần thông báo ngay đến ngân hàng để thay đổi thông tin hoặc tạm khóa các dịch vụ. Không ghi mật khẩu ra giấy, không đặt mật khẩu dễ đoán được như tên, ngày tháng năm sinh..., thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập (tối thiểu 3 tháng/lần).  Đăng ký sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn báo biến động số dư tài khoản, giao dịch thẻ để tăng tính an toàn cho tài khoản và thẻ.

Nguyễn Hương

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.