Có sức người, sỏi đá cũng “nở hoa”

Chia sẻ

PNTĐ-Vào những ngày này 40 năm trước, với sức trẻ và lòng quyết tâm, hàng ngàn thanh niên tiền trạm đã rời Thủ đô thân yêu để đến một vùng đất mới khai hoang lập địa...

 
Ngày này 40 năm trước, với sức trẻ và lòng quyết tâm, hàng ngàn thanh niên tiền trạm đã rời Thủ đô thân yêu để đến một vùng đất mới khai hoang lập địa, tạo dựng những cơ sở hạ tầng thiết yếu đầu tiên để đón hàng vạn hộ dân Hà Thành vào xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) Lâm Hà tại tỉnh Lâm Đồng.
 
Khai sơn, phá thạch
 
Thực hiện chủ trương xây dựng các vùng KTM của Đảng và Nhà nước, năm 1976, Thành ủy Hà Nội quyết định xây dựng vùng KTM tại một số xã của 2 huyện Lạc Dương và Đức Trọng – địa bàn ở vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Lâm Đồng.
 
Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Mão, nguyên Phó ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy bốn thập kỷ trước, vùng KTM của Hà Nội tại Lâm Đồng là chốn thâm sơn cùng cốc, chủ yếu là rừng nguyên sinh nhưng nhiều nơi đã tàn tạ, xác xơ do sự tàn phá ác liệt của bom đạn của đế quốc trong suốt cuộc chiến tranh trường kỳ. Tuy nhiên, đây là vùng đất có vị trí trọng yếu cả về kinh tế, an ninh quốc phòng nên thời điểm đó, các thế lực thù địch đã sử dụng Fulro thời hậu chiến để chống phá ta. Vì thế, xây dựng vùng KTM ở đây không chỉ để giãn dân ở đồng bằng mà cốt yếu nhất là để tiếp tục bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của quê hương mà nhiều thế hệ người Việt đã phải đổ máu để giành độc lập.
 
Có sức người, sỏi đá cũng “nở hoa” - ảnh 1
Người Hà Nội thu hoạch ngô trên cánh đồng
huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (ảnh tư liệu)
 
Nhận thức sâu sắc được ý nghĩa to lớn của công việc mà mình được giao, 8 tổng đội thanh niên tiền trạm với hơn 2.600 thanh niên trẻ, khỏe, nhiệt tình đã hành quân vào miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió cấp tập khai hoang, chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu để đón hàng vạn người dân Thủ đô vào sinh cơ lập nghiệp. Nhiều nữ thanh niên chân yếu tay mềm như bà Mão cũng tình nguyện lên đường.
 
“Thiếu thốn và khó khăn, nhớ nhà cồn cào. Chưa kể, vắt xanh, muỗi vằn và rắn rết; sốt rét rừng hoành hành; dấu giày Fulro in hằn khắp nơi trên vùng đất đỏ bazan, điên cuồng chống phá thanh niên tiền trạm xây dựng vùng KTM. Đã có nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên hy sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, chống Fulro hoặc bị sốt rét ác tính… Thế nhưng, anh chị em vẫn không nản trí. Trái lại, chúng tôi càng đoàn kết, gắn bó hơn, động viên nhau gắng sức, làm việc hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
 
Một Hà Nội thân thương trong lòng Tây Nguyên
 
 Năm 1976, ông Phan Hữu Giản là Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội được trưng tập vào Lâm Đồng trong 3 tháng. Hết thời gian tiền trạm, người thanh niên trẻ Phan Hữu Giản trưởng thành từ phong trào Ba sẵn sàng thời kháng chiến chống Mỹ vẫn mang trong mình tinh thần anh dũng, dám nghĩ, dám làm đã một lần nữa lại xung phong tình nguyện ở lại mảnh đất mới còn đầy rẫy những khó khăn để cùng bà con xây dựng quê hương thứ hai của mình
 
Nói là xa Thủ đô nhưng với ông Giản, đó chỉ là khoảng cách địa lý 1500km chứ “thực ra, tôi đang sống trong lòng Hà Nội, xung quanh tôi là những người dân Hà Thành thanh lịch, hào hoa, sống có tình có nghĩa và chịu thương chịu khó”. Một ấn tượng khó quên với ông Giản những ngày đầu lập nghiệp ở Lâm Hà. “Khi đến thăm một gia đình nông dân mới từ Hà Nội vào, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy một dòng chữ màu đỏ được khắc trên trần nhà: Quyết tâm thắng lợi lớn/Kiên trì thành công to. Họ động viên nhau cùng vượt khó vươn lên nhưng cũng là đang động viên cả những người bên cạnh như chúng tôi. 40 năm sau, đứng trên mảnh đất trù phú Lâm Hà hôm nay, tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của câu nói sâu sắc trên. Đây cũng là một minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm rất cao cho của người dân Hà Nội khi họ được giao một trọng trách lớn lao”.
 
 Với thành quả này, người Hà Nội hôm nay vẫn nhắc đến Lâm Hà với niềm tự hào và hãnh diện to lớn. Mảnh đất cao nguyên tuy xa nhưng lại rất gần bởi đó là chính huyện thứ 30 của Hà Nội, một phần để thương để nhớ của Thủ đô. Cốt cách con người và mảnh đất Thủ đô vẫn hiện diện ở Lâm Hà không chỉ trong từng lời ăn, tiếng nói, nếp nghĩ mà ở cả cách làm việc cần mẫn và hiệu quả. Những cánh rừng hoang vu khi xưa đã trở thành những vựa cà phê nổi tiếng, trồng đào Nhật Tân cùng nhiều loại hoa cây cảnh quý hiếm, có giá trị kinh tế cao… Lâm Hà đang trở thành một trong những vùng KTM đạt hiệu quả cao nhất, ổn định cuộc sống nhanh và vững chắc nhất ở nước ta.

Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: