Phạt nguội qua camera giao thông

Chia sẻ

PNTĐ-Hệ thống camera chuyên dụng được lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư không chỉ giúp lực lượng CSGT Hà Nội xử lý vi phạm giao thông (phạt nguội) mà còn hỗ trợ phòng chống tội phạm.

 
Phạt nguội qua camera giao thông - ảnh 1
Hệ thống màn hình cỡ lớn giám sát tình hình giao thông ở Hà Nội
 
“Mắt thần” Không để lọt vi phạm
 
23h đêm, ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng – Xã Đàn – Lê Duẩn vắng người qua lại, tín hiệu đèn giao thông lại khá dài nên anh Nguyễn Đình Cường (trú tại Phương Mai, Đống Đa) cảm thấy sốt ruột. Ngó trước ngó sau, không thấy bóng dáng lực lượng chốt trực, yên tâm là không bị phát hiện, xử lý nên anh vọt xe thật nhanh, vượt qua đèn đỏ, đi thẳng từ Lê Duẩn lên đường Giải Phóng hòa vào dòng xe cộ đang lưu chuyển phía trước. Sự việc nhanh chóng được anh Cường cho vào quên lãng, cho đến một tuần sau, có giấy báo vi phạm của CSGT gửi về nhà qua đường bưu điện kèm theo biên bản xử phạt, hình ảnh, Cường mới ngớ người và chấp nhận nộp phạt.
 
Trong tuần qua, anh Lê Tiến Thịnh (trú tại Khu tái định cư Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cũng nhận được biên bản xử phạt kèm hình ảnh do đỗ xe ô tô sai quy định. Tuy nhiên, chủ phương tiện vi phạm đã không đồng tình với quyết định xử phạt. Anh Thịnh trình bày là do xung quanh không còn chỗ để xe ô tô trong khi đang rất vội nên mới xảy ra sự việc như vậy. Được CSGT giải thích và cho xem hình ảnh vi phạm rõ ràng, anh Thịnh đã chấp nhận nộp phạt và bị tạm giữ xe theo quy định.
 
Những trường hợp trên được chúng tôi ghi nhận tại Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), CAHN chỉ là hai trong tổng số 5902 trường hợp vi phạm bị xử lý từ đầu năm đến nay. Như vậy, bên cạnh các trường hợp vi phạm bị lực lượng cảnh sát chốt trực trên đường bắt giữ, thì từ năm 2016 sẽ có thêm những trường hợp cố tình vi phạm giao thông cũng bị xử lý qua hệ thống mắt thần.
 
Theo PC67, hiện nay trên địa bàn TP có 400 camera quan sát giao thông được lắp đặt tại các nút giao, tuyến đường trọng điểm. Hệ thống camera này sẽ được nối về Trung tâm Điều khiển tín hiệu đèn giao thông, bằng đường dẫn cáp quang, đảm bảo tín hiệu thông suốt và cho hình ảnh có độ nét cao. Khi phát hiện vi phạm, màn hình tại trung tâm sẽ sao chụp lại, lực lượng CSGT ứng trực tại trung tâm có thể dùng bộ đàm gọi trực tiếp cho các chốt trạm xử lý hoặc gửi hình ảnh kèm biên bản xử phạt về địa chỉ đăng ký của chủ xe. Hình ảnh, video làm bằng chứng có thể lưu trữ tại trung tâm từ 2 – 3 tuần.
 
Theo Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Điều khiển tín hiệu đèn giao thông của PC67, lỗi vi phạm luật giao thông nhiều nhất là không tuân thủ tín hiệu đèn, đi sai phần đường, làn đường, dừng đỗ sai quy định, quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu…

Xử lý nghiêm, nâng cao ý thức chấp hành giao thông
 
Tình hình giao thông Hà Nội vào những tháng cuối năm càng trở nên phực tạp khi lưu lượng phương tiện đông trong khi ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa được cải thiện. Lực lượng CSGT dù có căng hết sức cũng không thể xử lý hết các vi phạm. Vì vậy, hình ảnh camera sẽ được sử dụng tăng cường giám sát và xử lý giao thông. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp vi phạm giao thông nghiêm trọng như đi xe ngược chiều với tốc độ cao trên đường cao tốc, cầu vượt… gây ùn tắc giao thông, nguy hiểm cho các phương tiện khác và  bất chấp kỷ cương, gây bức xúc trong nhân dân đã được PC67 xử lý kịp thời, bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc nâng cao ý thức chấp hành giao thông.
 
Không chỉ phát hiện và xử phạt các lỗi về an toàn giao thông, camera giám sát còn giúp lực lượng CSGT chủ động phát hiện các đối tượng đua xe trái phép, tội phạm, cướp giật, trộm cắp bằng phương tiện giao thông hay gây rối trật tự công cộng. Đặc biệt là đối với các vụ tai nạn giao thông khi xảy ra tại khu vực có lắp camera thì mọi hình ảnh, diễn biến đều được chụp, quay phim, lưu giữ lại, phục vụ cho công tác điều tra và công tác quản lý nhà nước rất tốt…
 
Tuy nhiên, trên địa bàn có phương tiện tham gia giao thông đông, trong đó có nhiều phương tiện từ các tỉnh ra vào nên theo Trung tá Huỳnh Tấn Nam việc phạt nguội cũng gặp một số khó khăn nhất định khiến cho công tác tìm kiếm, xác minh bị kéo dài như “chủ phương tiện đã thay đổi địa chỉ nơi ở, đăng ký xe ở địa chỉ này nhưng lại cư trú ở một địa chỉ khác; xe không chính chủ”.
 
Việc xử lý xe vi phạm bằng phạt nguội cũng chưa thực sự đạt được hiệu quả cao khi mà các giải pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông chưa được thực hiện đồng bộ. Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, khám nghiệm tai nạn giao thông, CSGT Hà Nội cho biết: Thực tế, các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, trường học vẫn chưa tuyên truyền cho cán bộ của mình đến nơi đến chốn. Khi có thông báo vi phạm về giao thông thì ở các đơn vị, cơ quan chưa kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như cắt thi đua hay có hình thức nhắc nhở, khiển trách để nâng cao hiệu quả xử lý.
Đỗ Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.