Xả rác, phóng uế bừa bãi: Tuyên truyền mạnh, xử lý nghiêm
PNTĐ-Nghị định số 155/2016/NĐ-CP vừa có hiệu lực quy định mức phạt nặng (tăng từ 10 - 25 lần) cho các hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng...
Người dân đặt nhiều kỳ vọng vào “liều thuốc” đặc trị này với mong muốn trả lại vẻ đẹp cho TP trước vấn nạn xả rác và phóng uế bừa bãi gây bức xúc lâu nay.
![]() |
Rác thải bừa bãi trên con đường gốm sứ đoạn phố Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm |
Bất bình trước hành vi phản cảm
Sau hơn 10 ngày Nghị định 155 có hiệu lực, những người vi phạm đầu tiên trên địa bàn TP đã bị xử lý. CA quận Hoàng Mai cho biết, đội Cảnh sát Môi trường trong quá trình làm nhiệm vụ trên phố Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt đã phát hiện 3 lái xe taxi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu vực này. Hành vi phản cảm làm xấu mỹ quan đô thị đã được cơ quan chức năng ghi hình.
Trước bằng chứng không thể chối cãi, những người vi phạm đã chấp nhận ký vào biên bản và chịu mức phạt hành chính là 2 triệu đồng/người. Đây là mức phạt cao nhất từ trước đến nay cho hành động này. CA quận Hoàng Mai cũng khẳng định: thực hiện Nghị định 155 và Năm kỷ cương hành chính năm 2017, hành vi xấu và phản cảm như đổ rác không đúng nơi quy định, nói tục, chửi bậy nơi công cộng và tiểu bậy hay hút thuốc lá sẽ bị xử lý nghiêm. Những trường hợp tái phạm ngoài xử phạt sẽ thêm hình thức cưỡng chế lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh công cộng.
Nhiều người dân đã đồng thuận và đánh giá cao quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc xử lý nặng các hành vi phản cảm tạo nên những hình ảnh nhếch nhác và xấu xí ngay giữa Thủ đô. Trên nhiều con phố ở Hà Nội như trên con đường gốm sứ chạy dọc phố Trần Quang Khải đến cuối phố Yên Phụ, phố Tôn Thất Thuyết… người đi đường vẫn bị “nhức mắt” với một số người rất tự nhiên, dựng xe ngay đường, tạt vào vỉa hè “xả nước”.
Cần có giải pháp đồng bộ
Không chỉ người dân, nhiều phường xã tại Hà Nội đón nhận Nghị định 155 với sự đồng tình và ủng hộ cao, bởi theo quy định tại Điều 48 của Nghị định này thì lực lượng tham gia xử phạt mở rộng hơn, bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra chuyên ngành, công an… với thẩm quyền xử phạt ở nhiều mức khác nhau. Phường Phúc Xá, quận Ba Đình, địa bàn rộng, dân cư đông và phức tạp, nhiều lao động nhập cư, là nơi có chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội hiện nay là chợ Long Biên, tình trạng xả rác, phòng uế bừa bãi đã gây nên bức xúc trong nhân dân nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Dương Hải – Chủ tịch UBND phường coi Nghị định 155 là biện pháp rất tốt trong việc góp phần bảo vệ môi trường trong sạch và đảm bảo mỹ quan đô thị, song ông vẫn còn băn khoăn: “Việc xử phạt nghiêm để răn đe là cần thiết nhưng làm cách nào để có bằng chứng, để người vi phạm tâm phục khẩu phục lại là vấn đề không dễ bởi hiện nay, lực lượng của phường không thể tỏa người đi khắp nơi để mật phục. Chưa kể, để ghi lại hành vi vi phạm làm cơ sở xử lý hoặc báo cáo đề xuất cấp trên có thẩm quyền xử lý thì cần có công cụ hỗ trợ như máy quay hoặc camera”.
Quản lý một địa bàn rộng với dân số đông tại huyện ngoại thành Đông Anh, Hà Nội, bà Lê Thị Vân Huyền – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung, cũng có một số băn khoăn khi áp dụng các quy định tại Nghị định 155 vào thực tế. “Đặc thù của xã có đông công nhân lao động, lượng rác thải hàng ngày rất lớn. Tình trạng phóng uế, xả rác bừa bãi không phải không có nhưng việc xử lý không dễ trong ngày một ngày hai. Thứ nhất là do thói quen lâu nay của người dân; thứ hai là trên địa bàn xã không có nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng được nhu cầu của người dân”.
Đáng nói, tình trạng này không chỉ ở các huyện ngoại thành. Gần 300 nhà vệ sinh hiện có của Hà Nội chủ yếu phân bố ở các quận nội thành cũ, trong các khu dân cư, địa điểm công cộng; còn tại một số bến xe, vườn hoa hay một số tuyến đường mới mở ở cửa ngõ TP, các quận mới, hệ thống nhà vệ sinh hoặc thùng rác gần như không có nên người dân lúc bí, không có cách nào khác thì cứ tiện đâu "xả" đấy một cách bừa bãi.
Hạnh Lê - Hoàng Thái