Tuyển sinh vào ĐH 2017: Thí sinh có thêm cơ hội

Chia sẻ

PNTĐ-Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, nhiều trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh với nhiều thay đổi trong hình thức tuyển, chỉ tiêu, nhóm ngành…

 
Tuyển sinh vào ĐH 2017: Thí sinh có thêm cơ hội - ảnh 1
Các thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016
 
Tăng chỉ tiêu, thêm hình thức tuyển
 
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Hiệu phó trường ĐH Ngoại thương, năm 2017, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh phải có điểm 3 môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường và đạt điều kiện sơ tuyển là trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên. Các môn xét tuyển nhân hệ số 1. Riêng các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Nhật, môn thi chính là ngoại ngữ sẽ nhân hệ số 2.
 
Có một số điểm mới trong tuyển sinh năm nay của trường là tăng thêm 50 chỉ tiêu so với năm 2016 (từ 3.700 lên 3.750 chỉ tiêu); bổ sung thêm một ngành học mới là Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản với 50 chỉ tiêu. Ngoài ra, trường cũng bổ sung tổ hợp xét tuyển mới D07 gồm 3 môn Toán - Hóa học - Tiếng Anh được áp dụng trong xét tuyển ở hầu khắp các ngành, chuyên ngành (trừ nhóm ngành ngôn ngữ) bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống trong tuyển sinh các năm trước.
 
Mùa tuyển sinh năm 2017, Học viện Báo chí Tuyên truyền có thêm 3 chuyên ngành chất lượng cao với tổng chỉ tiêu là 150: Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu, Kinh tế và quản lý, Quản trị truyền thông. Ngành báo chí (gồm một số chuyên ngành báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử, báo chí đa phương tiện...), thí sinh vẫn thi thêm môn Năng khiếu báo chí, thời gian thi sẽ được trường công bố cụ thể.
 
Theo ông Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân, khoảng giữa tháng 2, trường sẽ công bố phương án tuyển sinh năm 2017. Trường dự kiến giữ nguyên 4.800 chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2016 nhưng sẽ mở thêm 1 ngành học mới và 1 tổ hợp xét tuyển mới. Như vậy, thí sinh sẽ có thêm cơ hội chọn lựa ngành học và trúng tuyển vào trường.
 
Đặc biệt, sau hai năm tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh, năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ không tổ chức kỳ thi riêng mà sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 để xét tuyển đầu vào. Sự thay đổi này, được ĐH Quốc gia lý giải là do phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực chung mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai trong thời gian trước.

Vẫn băn khoăn về quy định điểm sàn
 
Theo Quy chế tuyển sinh đại học 2017 Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành, Bộ vẫn sẽ quy định điểm sàn ĐH (khác với dự thảo quy định bỏ điểm sàn).
 
TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: Trên thế giới, ở cấp độ Nhà nước không có quốc gia nào quy định "điểm sàn" hoặc nếu có thì chỉ quy định "điểm sàn" cho những nhóm trường công lập đẳng cấp. Chẳng hạn, tại tiểu bang California (Hoa Kỳ), để duy trì ổn định đẳng cấp của các cơ sở giáo dục đại học công lập, chính quyền tiểu bang đã đưa ra quy định, các trường thuộc hệ thống UC (gồm 10 trường được đào tạo tới cấp Tiến sĩ) chỉ được phép tiếp nhận sinh viên nằm trong tốp 12.5% đầu bảng tốt nghiệp trung học.
 
Các trường thuộc hệ thống CSU (gồm 23 trường được đào tạo tới cấp Thạc sĩ) được tuyển sinh viên nằm trong tốp 33% đứng đầu. Trong khi đó, các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng và các trường tư tuyển thí sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học và không bị khống chế về nguồn tuyển. Tại Việt Nam, gần đây, nhiều trường ĐH đã xét tuyển theo học bạ thì việc Bộ GD-ĐT đề ra ngưỡng điểm sàn đã không còn ý nghĩa. “Nhiều năm nay, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ đã phản đối Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn vì như vậy là xâm phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Tiếc là đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn không tiếp thu ý kiến đó” - ông Khuyến cho biết.
 
Một điểm khác trong quy chế chính thức của Bộ cũng thu hút sự quan tâm của dư luận là quy định việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, được cho là sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội, quyết định lựa chọn dễ dàng hơn.
 
Tuy nhiên, Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng, chỉ cần khoảng 4 nguyện vọng là đủ để thí sinh chọn lựa ngành dựa trên năng lực, mong muốn của bản thân. Từ nguyện vọng thứ 5 trở đi thí sinh sẽ bị “nhiễu” trong khi lại dẫn đến nguy cơ tăng tỷ lệ ảo.
 
 Đây là năm đầu tiên, TS dự thi THPT quốc gia với các bài thi tổ hợp môn. Đặc biệt, các em sẽ làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Ghi nhận tại nhiều trường THPT tại Hà Nội cho thấy, đây cũng là năm đầu tiên, có nhiều thí sinh chọn dự thi bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội. Tại trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, dự kiến có khoảng 150 em dự thi môn KHXH và Giáo dục công dân; trường THPT Đinh Tiên Hoàng, theo khảo sát thăm dò vừa qua, đa số các em đăng ký bài dự thi tổ hợp KHXH. Theo nhiều học sinh, việc thi trắc nghiệm các bài thi Lịch sử, Địa lý khiến các em thay đổi từ học thuộc sang học hiểu và ghi nhớ sự kiện chính nên TS không còn "sợ" những môn học này.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.