Người nữ cựu tù kiên trung

Chia sẻ

PNTĐ-Người dân ở X.Tân Lập, H.Đan Phượng đều biết cụ bà Nguyễn Thị Mỹ là một nữ cựu tù kiên trung, anh dũng, không khuất phục trước đòn roi tra tấn dã man trong ngục tù của giặc Pháp.

 
Người nữ cựu tù kiên trung - ảnh 1
Cụ bà Nguyễn Thị Mỹ
 
Mùa Xuân năm Đinh Dậu này, cụ bà Nguyễn Thị Mỹ bước sang tuổi 91. Di chứng của những trận đòn roi mà giặc trút lên cơ thể nhỏ bé của người cán bộ tiền khởi nghĩa khiến sức khỏe bà Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng. Gần 7 năm nay, bà không đi lại được do các khớp ở phần dưới cơ thể bị gãy, không bó liền lại được. Nằm một chỗ trên giường nhưng khí phách và tinh thần của người chiến sỹ cách mạng vẫn vẹn nguyên trong con người bà. Đặc biệt, trí tuệ vẫn rất minh mẫn nên câu chuyện về thời tuổi trẻ dấn thân vì cách mạng được bà hào hứng chia sẻ với chúng tôi - những thế hệ sau tiếp bước bà xây dựng quê hương anh hùng.
 
Bà Mỹ sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xã Tân Lập. Cũng như bao cô gái trẻ trong làng, năm 17 tuổi bà Mỹ tham gia đội du kích địa phương. Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, bà Mỹ gặp và cảm mếm một người chiến sỹ cùng đội du kích. Lý tưởng cách mạng đã đưa họ đến với nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc và chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Thế nhưng, sau 4 năm sát cánh bên nhau, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ đã phải gánh chịu nỗi đau và mất mát lớn lao.
 
Trong một trận càn của giặc Pháp, chồng bà cùng một số người dân trong xã đã bị bắn chết, bỏ lại người vợ trẻ ở tuổi 21 cùng hai con thơ. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, bà Mỹ trong những ngày hoạt động bí mật đã nhận thêm tin dữ khi cả hai con cùng qua đời do bệnh tật. Mất người thân dưới họng súng của kẻ thù, quê hương đang lầm than, bà Mỹ đã nén nỗi đau riêng, biến đau thương thành hành động, nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Bà tham gia công tác địch vận, gây cơ sở nuôi giấu cán bộ và làm liên lạc bí mật với cấp trên.
 
Năm 1947, trong một lần đi làm nhiệm vụ, không may, bà Mỹ bị rơi vào tay giặc. Chúng bắt và đưa bà về bốt Đan Hội rồi dẫn giải xuống Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm hiện nay) để giam giữ, tra hỏi. Trong những ngày tháng này, người phụ nữ bé nhỏ Nguyễn Thị Mỹ đã chịu rất nhiều cực hình tra tấn đến mức thừa sống thiếu chết của địch. Đau đớn về thể xác, không biết bao nhiêu lần thét lên, ngất xỉu nhưng bà nhất quyết không khai nửa lời. Không thể khai thác thông tin từ người cán bộ cách mạng kiên trung, địch đưa bà về trại giam Sơn Tây giam giữ. 9 tháng sau đó, bà được trả tự do.
 
Trở về quê hương trong vòng tay của người thân và đồng đội, với sự khôn khéo, thông minh, nhanh nhẹn, bà Nguyễn Thị Mỹ lại nhanh chóng liên lạc với tổ chức để nhận nhiệm vụ, tiếp tục lao vào những ngày tháng hoạt động cách mạng sôi nổi. Được cấp trên tín nhiệm, bà Mỹ từng bước xây dựng chi bộ bí mật, phát triển Đảng; tham gia phong trào Hội mẹ chiến sỹ che chở và nuôi giấu cán bộ cách mạng… Tên tuổi và uy tín của người cựu tù kiên trung Nguyễn Thị Mỹ đã vang khắp huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, một lần nữa, kẻ thù đưa bà vào “tầm ngắm”. Sau nhiều ngày theo dõi, năm 1949, bà bị địch bắt lần thứ 2 và tạm giam ở trại Nhà Tiền (Hà Nội).
 
Những chuỗi ngày dài sống trong nỗi đau khôn cùng, cộng với sự tra tấn dã man, sức khỏe của bà Nguyễn Thị Mỹ giảm sút nghiêm trọng. Bà chỉ được trả tự do khi địch “chịu thua” không thể khai thác thông tin từ bà. Bà trở về quê hương và gia đình với cơ hội sống vô cùng mong manh. Được đoàn thể bí mật chăm sóc, thuốc thang trong một thời gian rất dài, bà mới dần bình phục.
 
Hòa bình lặp lại trên quê hương Đan Phượng vào năm 1954, bà Mỹ tham gia bình dân học vụ rồi chuyển sang công tác tại Hợp tác xã dệt màn thủ công nghiệp, góp phần kiến thiết và xây dựng lại làng xã. Cuộc sống mới  đã bắt đầu, nhiều người có ý nhắc bà quan tâm đến gia đình riêng của mình. Thế nhưng, nỗi đau của người phụ nữ có lẽ riêng bà mới biết. Sau những trận đòn roi tra tấn của kẻ thù, cực hình dã man của chúng đã lấy đi của bà thiên chức làm mẹ. Không có khả năng sinh con, bà từ chối mọi lời đề nghị của những người quan tâm đến mình. Quên đi hạnh phúc riêng, bà lại dành thời gian, tâm sức của mình cống hiến cho cách mạng, hoàn thành vai trò của một hậu phương luôn hướng về tiền tuyến lớn. Đó là cách để bà làm tròn lời hứa trước sự hy sinh của người chồng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhận bất cứ công việc nào, bà đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là trong phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" suốt từ năm 1964 – 1975.
 
Cả cuộc đời đi theo cách mạng, câu chuyện về tấm gương kiên trung, bất khuất và tấm lòng son sắc của bà Nguyễn Thị Mỹ được người dân xã Tân Lập kính trọng và tự hào. Những năm tháng tuổi già, bà đã được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của người thân, bà con chòm xóm và chính quyền.

Nguyễn Thị Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.