Quyết liệt trả vỉa hè cho người đi bộ
PNTĐ-Các quận, huyện trên địa bàn TP đang đồng loạt kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự đô thị, trật tự giao thông khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội như được “khoác áo mới”...
![]() |
Du khách dạo bước trên hè phố Hà Nội |
Xử lý dứt điểm, không có ngoại lệ
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến phố là bước thứ 2 trong kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội sau gần 10 ngày, các quận huyện tổ chức vận động, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương của TP và ký cam kết không vi phạm. Với cách tổ chức thực hiện bài bản nên lần ra quân này, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, người dân cảm nhận sự thay đổi cơ bản. Đơn cử, tuyến “phố cà phê” Triệu Việt Vương, Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng không còn tình trạng xe máy để tràn dưới lòng đường, bàn ghế bày tràn mà vỉa hè được dành 1/2 diện tích cho người đi bộ. Phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình đoạn giáp với đường Bưởi – Lạc Long Quân, các hộ kinh doanh hoa cây cảnh chuyển hết hàng hóa vào trong nhà, vỉa hè được sơn vạch trắng để xe máy, ½ còn lại dành cho người đi bộ.
Trong ngày đầu ra quân thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm, tổ công tác của quận Hoàn Kiếm do Thượng tá Bùi Văn Đang – Phó trưởng Công an quận đã cùng với lực lượng chức năng của phường hướng dẫn các hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã, Hàng Chiếu sắp xếp, bày hàng đúng trong khuôn viên cửa hàng, không chiếm dụng vỉa hè để treo, móc và bày hàng hóa tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị. Chỉ với một vài thay đổi như vậy đã khiến tuyến phố thường ngày lộn xộn trở nên thông thoáng, phong quang. “Vỉa hè gọn gàng khiến Hà Nội sạch đẹp như trong những ngày Tết. Tôi mong TP tiếp tục duy trì mãi như thế này để người dân được hưởng lợi” – bác Nguyễn Thành Nghĩa trú tại phố Cầu Đông chia sẻ. Là hộ kinh doanh nhưng bác Nguyễn Kim Loan ở 60 Hàng Mã lại rất ủng hộ kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè lòng đường. “Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của TP. Tôi mong lần này TP sẽ làm dứt điểm và đồng bộ, hộ kinh doanh nào lấn chiếm xử lý nghiêm, vi phạm sẽ không tái diễn”.
Là công việc thường xuyên thực hiện nhưng đây là lần ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường quyết liệt nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Tấm biển chỉ dẫn của phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng đặt trên vỉa hè đã bị tháo dỡ ngay trong sáng 10/3. Một số biển quảng cáo tấm lớn sai quy cách của các hộ kinh doanh trên phố Bạch Mai được quận Hai Bà Trưng “điều” xe thang tháo dỡ. Tương tự, bậc thềm trụ sở UBND phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa lấn ra vỉa hè cũng được phá dỡ. Đặc biệt, chiều ngày 10/3, trên phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa vẫn còn tồn tại nhiều bục cửa, cầu sắt, cầu bê tông kiên cố lấn chiếm vỉa hè. Lực lượng chức năng đã huy động 2 máy khoan, đục để phá dỡ vi phạm.
Để người dân tâm phục, khẩu phục
Với đặc thù của một số tuyến phố nằm trong các quận nội thành cũ, đợt ra quân lần này khiến công việc kinh doanh của không ít hộ dân bị tác động. Đơn cử, tại phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, các hộ kinh doanh tre nứa rất băn khoăn bởi với chiều cao từ 7-10m, hơn chiều cao của nhà đến 3 lần, họ không thể cho các mặt hàng vào trong nhà. Chính quyền phường Hàng Bồ đã rất linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh buôn bán nhưng chỉ cho phép bày một số hàng vào sát chân tường, chủ yếu mang tính chất tượng trưng, giới thiệu; còn lại các hộ phải có kho riêng để cất giữ và vận chuyển hàng cho khách từ kho, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường.
Các hộ gia đình trên tuyến phố cấm để xe vỉa hè, lòng đường như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông… gặp nhiều khó khăn trong việc nhập hàng, tìm kiếm chỗ gửi xe cho gia đình và khách hàng do bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn quận đang thiếu trầm trọng. Đây là bài toán rất khó với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, vừa cần đến các giải pháp lâu dài (nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện đề án giãn dân phố cổ để từng bước giảm áp lực dân số trong khu phố cổ; quy hoạch lại bãi đỗ xe tĩnh để người dân giao dịch hàng hóa thuận tiện) vừa cần những giải pháp cấp bách trước mắt (cho phép xe chở hàng được dừng đỗ trong một khoảng thời gian nhất định) để tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, sinh hoạt.
Tại quận Đống Đa đang có tới 333 điểm bán hàng nước tự phát, hoạt động trên hè phố. Theo thống kê của Công an quận, có 6 trường hợp trong số đó là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; 288 trường hợp gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, phải chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ, người thân bị ốm đau, bệnh tật… Vi phạm chủ yếu của họ là căng phủ bạt, bày hàng quán, để phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cản trở giao thông; xả, thải nước, rác mất vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường; hoạt động gần tủ điện lưới, cột điện... vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy; một số điểm có dấu hiệu hoạt động tệ nạn xã hội (lô đề, cá độ...).
Trước tình hình này, quận Đống Đa trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ gia đình nghiêm chỉnh thực hiện các quy định nhằm đảm bảo trật tự công cộng, văn minh đô thị. Với các điểm núp bóng bán hàng nước để hoạt động phạm tội, tệ nạn xã hội sẽ tập trung triệt phá. Với đặc thù của quận Đống Đa, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung gợi ý, những hộ đặc biệt khó khăn và khó khăn thực sự, có thể tìm cách hỗ trợ trong vòng 6 tháng để người dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Đức Hạnh – Công Thành – Lan Anh