Xử lý trẻ em phạm tội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 24/5, Quốc hội (QH) dành cả ngày thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

 
Do tính chất đặc biệt quan trọng của dự án Luật này nên thời gian thảo luận đã nhiều gấp đôi so với đa số các dự luật khác. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau nên lần đầu tiên, QH đã quyết định bố trí thêm một buổi thảo luận nữa để tiếp tục lắng nghe thêm. Việc làm này được xem là chưa có tiền lệ. Trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các ĐB, đáng chú ý là việc xử lý hình sự trẻ em phạm tội xung quanh 2 phương án được Ủy ban Thường vụ QH đưa ra.
 
Không chỉ xem xét trách nhiệm các em
 
Phương án 1: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
 
Phương án 2: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng (mức án cáo nhất 15 năm tù) và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
 
Phát biểu góp ý, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) ủng hộ phương án 2 bởi nếu theo phương án 1 sẽ không còn cơ hội cho trẻ em sửa đổi lỗi lầm, học tập và phát triển trong cả khi phạm tội ít nghiêm trọng.
 
"Ví dụ, một trẻ em do đánh nhau với bạn mà làm tổn hại sức khỏe của bạn từ 11 đến dưới 30% có thể sẽ phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm. Quy định như vậy chưa phù hợp với chính sách hình sự, đó là đối với trẻ em phạm tội, khi không còn biện pháp xử lý khác mới phải xử lý biện pháp hình sự, trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn quy định nhiều chế tài xử phạt đối với trẻ em vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như xử phạt hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc" - ĐB Lan bày tỏ. Các ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 2.
 
Không trực tiếp lựa chọn 2 phương án trên, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã dẫn số liệu thống kê nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trẻ em phạm tội là do các em chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình. "Có tới 10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ ly hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng. Đặc biệt rất nhiều em ở vào hoàn cảnh cả bố lẫn mẹ đều nghiện ma túy hoặc có tiền án, tiền sự. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa giải trí của các em chưa thực sự an toàn...". Từ cơ sở này, ĐB Thủy cho rằng, đứng trước tình hình trẻ em phạm tội, vấn đề không chỉ đơn giản là chúng ta xem xét trách nhiệm của các em mà điều quan trọng hơn đó là cần phải tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội đối với chính lớp người đang trưởng thành này.

Nhân đạo không nên dựa trên cảm tính
 
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) và Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khi phát biểu đều nêu quan điểm chọn phương án 1. Lý do được các ĐB nêu ra là thực tế thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ rất nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại, cần phải được xử lý nghiêm minh.
 
Xử lý trẻ em phạm tội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu - ảnh 1
ĐB Nguyễn Thị Phúc phát biểu góp ý
 
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nhân đạo phải có đạo lý, chứ nhân đạo không dựa trên nền cảm tính. "Tôi là người rất cứng rắn, nhưng khi tôi xem một số clip mà các em xâm phạm nhau, dùng tuýp nước đánh trẻ em nữ, xé quần áo, đón đường đánh nhau, tôi không thể xem được hết" - ĐB Nhưỡng nêu.
 
Phát biểu giải trình, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) cho biết: Qua xem xét thấy có nhiều ý kiến ủng hộ phương án 2. Nếu chúng ta quy định trách nhiệm hình sự quá rộng đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, đặc biệt là trong môi trường nhà tù thì tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực. Vì vậy, một trong những nguyên tắc Chính phủ tuân theo trong thiết kế điều này, đối với trẻ em ở độ tuổi này và nói chung dưới 18 tuổi thì chỉ khoanh lại ở những tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tăng hình phạt ngoài tù và tăng biện pháp ngoài tố tụng thay vì tù tội và tố tụng.
 
 Trong tuần làm việc thứ 2, QH thảo luận ở hội trường về các dự thảo luật như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)... và các chương trình: xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; hoạt động giám sát của QH năm 2018.
 
 
Phương Dung

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.