Tuyển sinh vào lớp 6: Càng giảm tải càng rắc rối

Chia sẻ

PNTĐ-Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT không sớm thay đổi cách tuyển sinh hiện tại thì nguy cơ chạy điểm làm đẹp hồ sơ từ bậc tiểu học rất dễ xảy ra.

 
Nhiều cha mẹ HS có con học lớp 6 ở Hà Nội vừa trải qua kỳ tuyển sinh đầu cấp với nhiều cảm xúc lo lắng xen lẫn băn khoăn. Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT không sớm thay đổi cách tuyển sinh hiện tại thì nguy cơ chạy điểm làm đẹp hồ sơ từ bậc tiểu học rất dễ xảy ra.
 
Tuyển sinh vào lớp 6: Càng giảm tải càng rắc rối - ảnh 1
Cách thức xét tuyển bằng điểm số vào lớp 6 của một số trường
được cho là chưa ưu việt. (Ảnh minh họa)
 
Khi trường “nói không” với điểm 8
 
Nhiều tháng nay, quận Thanh Xuân trở thành tâm điểm chú ý của nhiều gia đình khi trên địa bàn xuất hiện thêm trường THCS Thanh Xuân. Dù mới năm đầu tuyển sinh, nhưng THCS Thanh Xuân lại có sức hút lớn với cha mẹ HS vì “trường đẹp như Tây” mà “học phí kiểu Ta”. Trường được xây trên diện tích rộng hơn 5.000m2 với 28 phòng học, 11 phòng học bộ môn, các phòng chức năng, bể bơi bốn mùa… Song, điều kiện tuyển sinh vào lớp 6 của trường cũng khá ngặt nghèo như: HS phải đạt học lực giỏi; Điểm kiểm tra định kì cuối năm lớp 3,4, 5 môn Toán, Tiếng Việt đạt từ 9 điểm trở lên. Cũng có nghĩa, các HS không được phép có một điểm 8 nào trong học bạ suốt 5 năm tiểu học.
 
Chị Nguyễn H, ở phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung cho biết: Phường Thanh Xuân Trung hiện vẫn thiếu trường THCS. Con em phường Thanh Xuân Trung phải đi “học nhờ” ở trường THCS của phường Nhân Chính… Năm nay, nghe tin trường THCS Thanh Xuân được thành lập, lại đóng ngay trên địa bàn phường mình, tôi rất vui và có nguyện vọng cho con chuyển về học lớp 6 tại đây. Song, thông báo tuyển sinh của trường làm tôi thất vọng hoàn toàn. Lý do là năm lớp 1, con chỉ được xếp loại là học sinh tiên tiến nên nếu có nộp hồ sơ cũng không đủ điều kiện.
 
Một số PHHS khác, khi đến trường THCS Thanh Xuân nộp đơn xét tuyển cho con, cũng truyền tai nhau nhiều chuyện “bi thương” mà họ được chứng kiến. Đó là có cháu, chỉ vì bị duy nhất 1 điểm 8 năm lớp 4 (các năm học khác vẫn đạt từ 9 điểm trở lên) mà hồ sơ cũng bị loại từ... vòng gửi xe.
 
Đó là lý do vì sao, nhiều PHHS cho rằng, cách xét tuyển bằng điểm số như vậy là không công bằng và “định kiến” với trẻ. Chị H tâm sự: “5 năm trước, con tôi chập chững vào lớp 1 với nhiều bỡ ngỡ nên được học sinh tiên tiến. Từ các năm sau, con đã cố gắng học giỏi, giành điểm 9, 10 nhưng cuối cùng vẫn không được ghi nhận. Không lẽ, chỉ vì kết quả học lực từ lớp 1 mà đến lớp 6, con vẫn “mang án” và mãi mãi không được vào ngôi trường mà con mong muốn?”.
 
Theo chị Nguyễn Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Lương Định Của, quận 1, TP HCM, người đã từng có kiến nghị lên UBTV Quốc hội về việc xóa bỏ cách đánh giá bằng chấm điểm HS tiểu học cho rằng: Điểm số chỉ mang tính tương đối và không thể đại diện chính xác năng lực học tập của trẻ. Không thể nói một đứa trẻ bị điểm 8 là dốt hơn một đứa trẻ đạt điểm 9. Vì thế, sàng lọc đầu vào chỉ qua điểm số học bạ chưa phải giải pháp tốt.
 
Nguy cơ làm đẹp hồ sơ
 
Bắt đầu từ năm 2015, Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Dù nhiều năm đã qua, nhưng, câu hỏi nếu không thi tuyển thì thay thế bằng cách tuyển sinh như thế nào là hợp lý vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Năm học 2017 - 2018, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 109.000 HS vào lớp 6.
 
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, xét tuyển bằng điểm số không phải là giải pháp tốt, nếu không nói là nảy sinh nguy cơ tiêu cực như “chạy điểm” để làm đẹp học bạ tiểu học. Qua hai mùa tuyển sinh 2015-2016 và 2016-2017, mỗi năm, trường THCS Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6, nhưng có đến 1.000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Điều này khiến hội đồng tuyển sinh cũng phải bất ngờ vì không nghĩ có nhiều HS “xuất sắc”, hoàn hảo tới mức không có một điểm kém nào. Năm học 2017-2018 vừa qua, trong số 600 chỉ tiêu, trường cũng đã nhận vào 400 hồ sơ toàn điểm giỏi. “Trước kia, học sinh được điểm 7, điểm 8 đã là đáng ghi nhận. Vậy mà nay, có đến cả nghìn hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối là rất vô lý. Nếu đánh giá thực chất, Hà Nội chỉ có khoảng chục em xuất sắc như vậy”. Đáng nói hơn, nhiều HS “hoàn hảo” này khi vào THCS đã không chứng minh được năng lực học quá xuất sắc như điểm số của các em.
 
Bỏ cho điểm HS tiểu học, cấm thi tuyển vào lớp 6… là cách Bộ GD-ĐT giảm tải cho HS. Song, trên thực tế, Bộ càng giảm tải thì HS lại càng tăng tải. Một PHHS có con đang học tiểu học cho biết: Mỗi năm học qua đi là mỗi năm chị rất căng thẳng, chỉ sợ con sơ sảy bị điểm kém là sẽ đóng sập cánh cửa tương lai. “Bộ GD-ĐT không đánh giá bằng điểm số nhưng các trường THCS vẫn nhìn vào điểm số để tuyển chọn học sinh. Như vậy, các gia đình vẫn phải lao vào cuộc chiến dạy thêm học thêm để giành điểm giỏi, thậm chí không loại trừ dùng cả biện pháp tiêu cực khác như xin điểm, chạy điểm để làm đẹp học bạ”.
 
Sẽ lại thi tuyển vào lớp 6?
 
Theo PGS Văn Như Cương, ở Hà Nội, trong số 600 trường THCS, chỉ có một số ít trường có lượng cầu vượt cung đang gặp khó trong xét tuyển. Vì thế, nên chăng, Bộ GD-ĐT có thể xem xét để số ít trường này được tổ chức thi tuyển như trước, vì thi tuyển vẫn là cách thức được cho là công bằng nhất với các HS.
 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với một số trường chuyên có hệ THCS ở trong trường như Hà Nội - Amsterdam hay những trường ngoài công lập có lượng cầu vượt cung như Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, các trường công lập của các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy... có thể được phép thi tuyển theo đề án tuyển sinh riêng với điều kiện lựa chọn được HS theo đúng mục tiêu giáo dục của trường nhưng không gây áp lực, căng thẳng với học sinh.
 
Được biết, Bộ GD-ĐT cũng đang dự kiến cân nhắc để đưa ra giải pháp tuyển sinh vào lớp 6 hợp lý cho một số trường đặc thù từ năm học 2018-2019.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.