Trang bị kiến thức về ung thư vú

Chia sẻ

PNTĐ-Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 40 - 55, nhưng hiện nay, độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa.

Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 40 - 55, nhưng hiện nay, độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa, đã ghi nhận nhiều ca mắc trước 35 tuổi, thậm chí có những trường hợp 22 tuổi.
 
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị đúng phương pháp thì bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên đa số bệnh nhân bị ung thư vú nói riêng cũng như các loại ung thư nói chung đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn.
 
Bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn đầu và điều trị đúng phác đồ thì có đến trên 90% cơ hội sống trên 5 năm. Thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư vú sống khỏe mạnh tới 20 - 30 năm nhờ họ biết cách nâng cao miễn dịch, bảo vệ tế bào lành và chống di căn… Ở giai đoạn 2, tỷ lệ này sẽ là 60%. Sang giai đoạn 3, khả năng khỏi hẳn thấp. Giai đoạn 4, việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, để phát hiện sớm ung thư vú không có cách nào bằng tầm soát. Phụ nữ phải tự kiểm tra vú hàng ngày và khám vú định kỳ 6 tháng hay 1 năm hoặc ngay khi phát hiện có bất thường ở vú để kịp thời chẩn đoán xác định bệnh và có giải pháp điều trị hiệu quả.
 
Khi có những dấu hiệu bất thường như sờ thấy khối u ở vú; một bên vú dày và chắc hơn bên kia; một bên vú to lên; một phần hay toàn bộ vú bị sưng lên; một bên vú xệ xuống bất thường; da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; núm đau hoặc tụt vào trong; thay đổi màu sắc hoặc tính chất trên da của vú (màu da cam, co rút da); có hạch dưới nách; chảy dịch núm vú không phải sữa; đau, nổi đỏ, vẩy nến hoặc dày da ở núm vú hoặc da vú, cần sớm đi kiểm tra tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
 
Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm được xem là chìa khóa trong điều trị thành công ung thư vú. Bởi bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp tiên tiến khác: liệu pháp nội tiết tố, sinh học (điều trị nhắm trúng đích), bệnh nhân ung thư vú có thể được cứu sống.
 
Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư vú đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, nhưng những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ đã được chỉ ra là tuổi tác (tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi); tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú: mẹ, chị, em gái, con gái; phụ nữ có kinh nguyệt sớm (dưới 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 50 tuổi); không có con hoặc sinh con đầu lòng sau 30 tuổi; đột biến gen: BRCA1, BRCA2, BRCA3, p53; có bệnh lành tính ở vú như viêm, quá sản không điển hình; có khẩu phần ăn nhiều mỡ động vật, uống rượu, hút thuốc; tiếp xúc với tia phóng xạ...
 
Để tránh ung thư vú, phụ nữ cần có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ và lành mạnh (có nhiều trái cây và rau xanh), luyện thể dục thể thao để có chiều cao cân nặng ở mức độ bình thường. Nếu những người cùng huyết thống trong gia đình có tiền sử ung thư vú thì nên đi khám, sàng lọc sớm ở tuổi 35 - 40.
 
PV

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).