Trẻ bị ho, chớ coi thường!

Chia sẻ

PNTĐ-Ho là hoạt động tự nhiên của cơ thể nhằm đẩy vi khuẩn, dị vật có hại ra khỏi đường hô hấp. Nhưng đôi khi ho là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang ở mức nguy hiểm.

 
Trẻ bị ho, chớ coi thường! - ảnh 1
Nhiều bệnh nhi phải nhập viện, thở máy vì suy hô hấp do trời lạnh
 
Ho ở trẻ, do đâu?
 
BS Lê Ngọc Duy, Phó khoa Cấp cứu - Chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ban đầu, bệnh nhi 2 tháng tuổi chỉ bị ho, thở khò khè, chảy nước mũi, sốt nhẹ. Nghĩ con ốm do thay đổi thời tiết, cha mẹ bé tự cho con uống siro thảo dược trị ho và theo dõi tại nhà. 2 tuần sau, bệnh nhi có biểu hiện sốt cao, bỏ bú, khó thở, gia đình mới đưa con tới bệnh viện Nhi Trung ương khám. Dù được điều trị tích cực bằng thở máy, nhưng bệnh nhi bị suy hô hấp kéo dài, nhập viện quá muộn nên không qua khỏi. Đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt. Thời gian gần đây, do thời tiết lạnh kéo dài, số lượng bệnh nhi tới viện khám và cấp cứu vì suy hô hấp tăng nhanh, nhiều trường hợp tiên lượng khó.
 
Theo BS Duy, khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa lạnh, không khí lúc khô hanh, khi ẩm ướt, các loại vi khuẩn, nấm mốc phát tán nhiều, ảnh hưởng tới hô hấp của trẻ. Bên cạnh đó, do khả năng sinh nhiệt duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế, sức đề kháng yếu nên trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, nhẹ cân… dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Ho ở trẻ sơ sinh, chủ yếu là triệu chứng, dấu hiệu của một số căn bệnh đơn giản hoặc nghiêm trọng.
 
Một số bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh có biểu hiện ho, đó là: Viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí quản, viêm phổi, viêm phế quản, ho gà, cảm lạnh. Bệnh thường do các virus, vi khuẩn như: virus Rhino, Corona, Adeno,virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV, liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm… gây nên.
 
Ban đầu, bệnh không có biểu hiện đặc hiệu, chủ yếu giống như bị cảm (ho, sổ mũi, sốt nhẹ), sau đó trẻ sẽ ho nhiều hơn, ho có đờm (nhiễm trùng do vi khuẩn), khò khè, thở kéo lồng ngực... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, đường thở nhạy cảm, suyễn… Bệnh do virus gây ra nên dễ tiến triển nhanh thành viêm phổi, viêm tiểu phế quản, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không kịp thời chữa trị.

Nhận biết và điều trị
 
Theo các bác sĩ Nhi khoa, ho ở trẻ thường có hai biểu hiện: ho khan và ho có đờm. Nếu trẻ bị một trong hai kiểu ho này vào thời tiết lạnh, kèm theo sổ mũi, không sốt, ăn ngủ, chơi đùa tốt và không nôn trớ, là ho bình thường. Sau một tuần, trẻ có thể tự hết ho.
 
Tuy nhiên, BS Duy khuyến cáo, cha mẹ không nên tự "chẩn đoán" biểu hiện ho ở trẻ. Khi trẻ bị ho, cha mẹ không tự ý mua thuốc trị ho, thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc truyền miệng nào vì có thể làm tình trạng ho nặng thêm hoặc gây tiêu chảy, kháng thuốc mà nên đưa con tới bác sỹ thăm khám. Đặc biệt với trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu ho kèm các dấu hiệu bất thường dưới đây, cha mẹ càng cần đưa trẻ đến bệnh viện: Ho dai dẳng lâu ngày không khỏi; Ho nhiều kèm theo co thắt, cơ thể tím tái (đây có thể là biểu hiện trẻ bị mắc dị vật trong đường thở. Trường hợp này cần sơ cứu ngay lập tức trước khi đưa trẻ đến bệnh viện); Ho kèm theo sốt, nôn trớ (đây là dấu hiệu của viêm phổi.
 
Trường hợp trẻ ho nhiều về đêm kèm nôn trớ nhưng không sốt là dấu hiệu của trào ngược dạ dày); Ho nhiều kèm đờm, trong lồng ngực nghe được tiếng rên rít (thường là biểu hiện của viêm phế quản hoặc hen suyễn). Ngoài ra, trong quá trình chữa bệnh cho trẻ, cha mẹ phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng chung đơn thuốc với bệnh nhân khác.
 
Để phòng tránh ho và các bệnh hô hấp ở trẻ vào mùa Đông, cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi, giúp cơ thể trẻ tăng sức đề kháng. Không nên ủ ấm quá kỹ cho trẻ, khiến trẻ ngột ngạt khó chịu. Việc mặc quá nhiều quần áo ấm khiến trẻ ra mồ hôi, có thể ngấm vào cơ thể gây cảm lạnh, từ đó sinh ho.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.