Đừng tự ý dời ngày “đèn đỏ”

Chia sẻ

PNTĐ-Trì hoãn hoặc ép ngày “đèn đỏ” đến sớm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ.

 
Trì hoãn hoặc ép ngày “đèn đỏ” đến sớm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Nếu thật sự cần thiết, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp an toàn, hiệu quả.
 
Đừng tự ý dời ngày “đèn đỏ” - ảnh 1
Dời ngày “đèn đỏ” bằng thuốc tránh thai cũng cần theo tư vấn của bác sĩ
(Ảnh minh họa)

Kết hôn hơn 3 năm nhưng vẫn chưa có con nên chị Nguyễn Thu H (SN 1982, Hà Nội) tới bệnh viện Phụ sản siêu âm và làm các xét nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy, chị H bị suy buồng trứng sớm nên không thể đậu thai, nguy cơ vô sinh cao. Qua khai thác bệnh sử được biết, do đặc thù công việc làm về lĩnh vực du lịch, chị H thường xuyên “né” ngày “đèn đỏ” bằng cách sử dụng thuốc tránh thai. Nhiều thời điểm phải 2 - 3 tháng kinh nguyệt của chị mới xuất hiện một lần. 
 
Không riêng chị H mà nhiều phụ nữ trong những tình huống đặc biệt như: đi biểu diễn, đi biển, công tác, ngày cưới, tuần trăng mật… nguy cơ trùng với ngày “đèn đỏ”, cũng muốn trì hoãn kinh nguyệt. 
 
Theo các bác sĩ sản khoa, kinh nguyệt là một hiện tượng tự nhiên xuất hiện khi phụ nữ đến tuổi dậy thì. Nguyên nhân do sự giảm đột ngột nồng độ estrogen và progesteron trong máu. Vì thế, để thay đổi ngày “đèn đỏ”, phải duy trì nồng độ estrogen và progesteron trong máu ở ngưỡng nhất định, không làm phóng thích prostaglandin F2 – hormone có tác dụng co thắt mạch máu ngoại vi, dẫn tới bong tróc nội mạc tử cung, gây nên hiện tượng kinh nguyệt. Muốn vậy, phải đưa nội tiết tố estrogen và progesteron vào cơ thể, và điều này khó đạt được bằng các phương pháp khác ngoài thuốc.
 
Bên cạnh đó, thực hiện việc dời ngày kinh, có nghĩa chúng ta chống lại cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể, cố tình để lượng nội tiết tố estrogen giữ ở mức cao liên tục. Điều này cũng có nguy cơ gây ra một số rối loạn như: ra máu bất thường, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, sau khi có kinh trở lại dễ bị rong kinh, băng huyết…
 
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Trưởng khoa Sản, Trung tâm y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết, chị em phụ nữ không nên lạm dụng để tránh xáo trộn về nội tiết tố trong cơ thể. Hiện tại, phương pháp phổ dụng nhất là dùng thuốc tránh thai hàng ngày, trước thời điểm dự kiến có kinh 7 ngày (tối thiểu 3 – 5 ngày), mỗi ngày 1 viên vào giờ cố định đến khi không muốn trì hoãn, để di dời ngày kinh chậm đi theo ý muốn chứ không đẩy sớm hơn được. Nhưng chỉ khi thật sự cần thiết chị em phụ nữ mới nên áp dụng phương pháp này. Bởi lẽ việc sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể gặp rủi ro nếu chẳng may người dùng uống nhầm thuốc giả hoặc thuốc thật nhưng hoạt chất không pha theo đúng tỉ lệ.
 
Ngoài ra, việc dùng thuốc cũng phải tuân theo những chỉ định và nguyên tắc nhất định. Thuốc tránh thai chống chỉ định với các trường hợp mắc bệnh liên quan đông máu như: suy gan, huyết khối hoặc viêm tắc mạch, huyết áp cao, lupus, ung thư vú, tăng sản nội mạc tử cung, xuất huyết âm đạo chưa xác định nguyên nhân… 
 
Chị em cũng không nên tự ý áp dụng các phương pháp truyền miệng như: uống nước dừa hay café đậm đặc, ăn rau răm trong nhiều ngày liên tiếp, ăn súp đậu lăng, uống giấm táo, tăng cường tập thể dục ở cường độ mạnh, ăn kiêng kéo dài, uống thuốc cảm cúm liên tục… để dời ngày “đèn đỏ” theo mong muốn.
 
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những phương pháp trên hiệu quả trong việc trì hoãn ngày “đèn đỏ”, thậm chí có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Tập thể dục quá mức về cường độ và thời gian có thể làm giảm lượng estrogen trong cơ thể, gây mất kinh. Lượng estrogen thấp cũng có thể gây ra tác dụng phụ khác, bao gồm cả việc gây giòn xương, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do cơ thể không thích ứng kịp. Ăn kiêng kéo dài khiến cân nặng thay đổi đột ngột cũng sẽ kéo theo sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể. Tuy nhiên, thói quen này không những gây hại mà có thể dẫn tới rối loạn nội tiết tố kéo dài…
 
Nếu thật sự muốn dời ngày “đèn đỏ” của mình, chị em nên tham khảo tư vấn của bác sĩ. Dựa trên tình trạng sức khỏe và cơ địa, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và lựa chọn cho mỗi người phương pháp phù hợp, an toàn nhất có thể.
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Nam giới thủ dâm có gây yếu sinh lý và rụng tóc?

Nam giới thủ dâm có gây yếu sinh lý và rụng tóc?

(PNTĐ) - Thủ dâm ở nam giới là hành động tự kích thích dương vật bằng tay hoặc các dụng cụ hỗ trợ để đạt được cực khoái. Có nhiều quan điểm cho rằng việc thủ dâm nhiều có thể gây rụng tóc ở nam giới. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào khẳng định cho quan điểm này.
Đẩy mạnh sự phát triển của phong trào võ thuật truyền thống

Đẩy mạnh sự phát triển của phong trào võ thuật truyền thống

(PNTĐ) - Trong 2 ngày 23 - 24/12, Đại hội đại biểu Hội Võ Thiên Môn Đạo TP Hà Nội nhiệm kỳ IV đã diễn ra tại UBND xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Với tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tập thể, thẳng thắn nghiêm túc kiểm điểm đánh giá tổng kết vai trò trách nhiệm của BCH Hội và từng cán bộ Hội viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. đại hội đã rút ra những bài học quý báu, đề ra phương hướng khắc phục những mặt tồn tại, phát huy điểm mạnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
An toàn tình dục cho tuổi teen

An toàn tình dục cho tuổi teen

(PNTĐ) - Thiếu hiểu biết về cách quan hệ tình dục an toàn, cách phòng tránh thai đã gây nhiều hệ lụy, nhiều trẻ em gái mang thai sớm, mắc bệnh phụ khoa, phá thai sớm...
Cùng cổ vũ nhau sống cuộc sống lành mạnh

Cùng cổ vũ nhau sống cuộc sống lành mạnh

(PNTĐ) - Là một hoạt động hấp dẫn thông qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, Giải chạy Herbalife Run đã chào đón hơn 54.000 người tham gia trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương kể từ năm 2020.