Kỳ 1: Thủ phạm “bức tử” môi trường cần sớm được loại bỏ

Chia sẻ

PNTĐ-Ít ai biết, hậu trường xử lý vòng hoa đã qua sử dụng lại bất cập và nguy hại cho môi trường, cho con người khủng khiếp đến mức nào.

 
Hiện nay, nhiều người dân khi đến các đám tang thường sử dụng những vòng hoa có “độn” nilon để phúng viếng. Tuy nhiên, đây lại là thủ phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này mà vẫn hài hòa với thói quen thể hiện sự tôn trọng với người quá cố? 
 
Chỉ với khoảng 200.000 đồng, một vòng hoa “độn” nilon đang được nhiều tập thể, cá nhân mua để phúng viếng người quá cố. Ít ai biết, hậu trường xử lý vòng hoa đã qua sử dụng lại bất cập và nguy hại cho môi trường, cho con người khủng khiếp đến mức nào.  
 
Kỳ 1: Thủ phạm “bức tử” môi trường cần sớm được loại bỏ - ảnh 1
Rất nhiều vòng hoa được “độn” nhiều nilon đang chờ vào viếng người quá cố tại nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng

Vòng hoa viếng xong sẽ đi về đâu?
 
Chị Tuyết – chủ cửa hàng hoa tươi Tuyết – Tuấn (135 Phùng Hưng) cho biết, mức giá trung bình hiện nay là 200.000 đồng/ vòng hoa. Ngoài bèo, lục bình, để làm khung cắm, thì loại hoa chủ yếu được sử dụng là hoa cúc, vàng anh, hoa hồng và hoa giả bằng nilon. Còn nếu khách đặt hoa lan, hoa ly… thì giá dao động từ 400.000 – 600.000 đồng/ vòng. Giá mỗi vòng hoa còn phụ thuộc vào loại hoa cũng như tỉ lệ hoa tươi khi sử dụng để kết. Hoa tươi càng nhiều thì giá càng cao. Mỗi ngày, chỉ tính riêng việc cung cấp cho khách đến phúng viếng tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, cửa hàng của chị cung cấp 30 – 40 vòng, chưa kể số lượng vận chuyển đến tận các gia đình tổ chức tang lễ tại nhà.
 
Với mỗi vòng hoa có giá 200.000 đồng, chỉ có 3/5 vòng hoa nhỏ là hoa tươi, 2 vòng lớn là hoa được kết từ nilon, mút, xốp, giấy bóng kính… Thậm chí, lớp lá phủ ngoài tạo tán xòe rộng cho vòng hoa cũng được làm bằng nhựa. Còn công nghệ sản xuất những vòng hoa “độn” này cũng siêu nhanh bởi khung tre, hoa giả luôn được chuẩn bị sẵn, xếp chật kín nhà. Có khách đặt, chủ cửa hàng chỉ cần cắm đệm 2 - 3 vòng nhỏ bằng hoa tươi là có thể giao cho khách.
 
Ông Nguyễn Xuân Bách – Tổ trưởng tổ phục vụ tang lễ, Nhà tang lễ Thành phố, 125 Phùng Hưng, cho biết, những đám tang lớn có đến hàng trăm vòng hoa, chi phí lên tới  cả trăm triệu đồng. Điều đáng nói, những vòng hoa ấy, phần lớn chỉ sau lễ phúng viếng là bị đem đi vứt bỏ.
 
Theo quy trình tổ chức tang lễ, sau khi kết thúc lễ phúng viếng để đưa người đã khuất đến đài hóa thân Hoàn Vũ, vòng hoa cũng sẽ được vận chuyển đi theo xe tang. Vòng hoa nhiều khi cũng khiến gia chủ bối rối, phải thuê thêm xe tải chở rất cồng kềnh, tốn kém. Vài năm trở lại đây, tại đài hóa thân Hoàn vũ cũng đã cho quy hoạch một khoảng đất rộng gần 50 m², quây kín xun g quanh bằng tôn để làm hố chứa, tập kết vòng hoa đã viếng người quá cố. Sau khi làm xong thủ tục cho người đã khuất, vòng hoa sẽ được nhân viên đưa xuống hố chứa này. Ông Bách cho biết thêm, đơn vị đã ký hợp đồng với một số người dân quanh vùng. Hàng ngày, họ sẽ vận chuyển vòng hoa  để mang về thả xuống ao cho cá ăn. Cá sẽ ăn các bẹ bèo, hoa tươi, số còn lại là khung xương bằng tre nứa, hoa nilon lại được vớt lên để đốt. “Thực tế họ có đốt hay chuyển thẳng ra bãi rác thải thì chúng tôi không được rõ”– ông Bách cho biết thêm.
 
Ông Văn – người quản trang của nghĩa trang dân sinh Vạn Phúc, Hà Đông cho biết, hàng tuần, đội quản trang đều cắt cử nhau dọn dẹp, thu gom rác thải, chủ yếu là vàng mã được người dân đem ra đốt và rác thải từ những vòng hoa quanh các ngôi mộ mới. “Hoa tươi chỉ sau 1 tuần – 10 ngày là phân hủy hoàn toàn vào với đất, còn hoa nilon không có khả năng phân hủy thì vương vãi khắp khu nghĩa trang. Vào những hôm trời mưa lớn mà chúng tôi chưa kịp thu dọn, chúng trôi xuống xuống con mương cạnh nghĩa trang, gây tắc nghẽn, ứ đọng rất bẩn thỉu”.
 
Hoa nilon có thể gây ung thư, dị tật thai nhi…
 
Nói về tác hại của các vật phẩm hoa bằng nilon khi được thải ra môi trường, TS Nguyễn Thế Hưng, đại học Tài nguyên Môi trường cho biết, hoa nilon và các phụ kiện khác của vòng hoa nilon là vật liệu polymer nhân tạo rất khó phân hủy (đặc biệt trong điều kiện bình thường).
 
Theo tính toán của các nhà khoa học, phải mất vài trăm năm nilon mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi vật phẩm làm từ nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
 
Thành phần hóa học của nhiều loại nilon là sản phẩm của công nghiệp hóa dầu vì vậy khi phân rã ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nilon thải ra môi trường gây ảnh hưởng tới cảnh quan chung, làm tắc nghẽn các hệ thống thoát nước dẫn tới ngập úng khi mưa, tạo thành những ổ dịch bệnh và gây hại cho sinh vật khi chúng ăn phải. Ngoài ra, màu sắc bắt mắt của bông hoa nilon nếu được nhuộm bằng các loại thuốc nhuộm độc hại còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất và người sử dụng, người xử lý chúng, bởi đây là các hợp chất có khả năng gây ung thư, bệnh ngoài da, dị tật thai nhi…
 
Theo TS Nguyễn Thế Hưng, hiện nay, ở Việt Nam chưa có quy trình phân loại và tiêu hủy rác thải hiệu quả mà chủ yếu con người tiêu hủy bằng việc đốt rác. Việc đốt rác này lại gây ô nhiễm bầu không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi hít phải khí độc này, gây nhiều nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
 
(Kỳ sau đăng tiếp)
Hà My

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.