Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Chưa hấp dẫn như kỳ vọng

Chia sẻ

PNTĐ-Phố đi bộ Trịnh Công Sơn được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian văn hóa nghệ thuật mới. Tuy nhiên, những kỳ vọng này dường như vẫn còn khá xa…

 
Cuối tuần qua, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (nằm sát công viên nước Hồ Tây, quận Tây Hồ) đã được khai trương và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân vào dịp cuối tuần. Cùng với phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian văn hóa nghệ thuật mới phục vụ người dân Thủ đô và du khách. Tuy nhiên, những kỳ vọng này dường như vẫn còn khá xa…
 
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Chưa hấp dẫn như kỳ vọng - ảnh 1
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội)

 
Sau hai năm được đặt tên, vừa qua, từ ngày 11 đến ngày 13/5, con phố Trịnh Công Sơn dài khoảng 900m, nối từ ngõ 612 Lạc Long Quân đến điểm giao với ngã ba Âu Cơ đã chính thức trở thành tuyến phố đi bộ thứ 2 của Thủ đô Hà Nội.
 
Trong 3 ngày cuối tuần diễn ra khai trương thí điểm phố đi bộ Trịnh Công Sơn, người dân đã tới khá đông. Với không gian thoáng đãng, quảng trường rộng tới 2.000m2, sức chứa lên đến hơn 1.000 người và con đường ven hồ nằm cạnh những đầm sen đang chúm chím nở, nơi đây đang thực sự trở thành điểm đến thơ mộng của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. 
 
So với phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn không náo nhiệt, ồn ào mà mang một phong cách trầm lắng và giản dị. Đến với phố đi bộ, người dân và du khách được nhâm nhi ly cà phê và thưởng thức những chương trình âm nhạc đặc sắc được tổ chức ngoài trời như nhạc trẻ, nhạc truyền thống và không gian riêng dành cho nhạc Trịnh. Trong thời gian đầu thí điểm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn mới chỉ bao gồm 15 gian hàng, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng ẩm thực đặc trưng của Tây Hồ như bún ốc, chè sen, xôi Phú Thượng, bánh tôm… Ngoài ra, nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm nghề truyền thống như tò he, lụa tơ tằm, mây tre đan… cũng được giới thiệu tại đây.
 
Năm 2016, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định mở tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và các phố phụ cận. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân, nhưng dường như tuyến phố Hồ Gươm vẫn quá tải do nhu cầu vui chơi của người dân là rất lớn. Bởi vậy, việc có thêm phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã nhận được sự mong mỏi từ nhiều người, đặc biệt là người dân Tây Hồ. Tuyến phố hoạt động tốt sẽ giảm tải được cho phố đi bộ Hồ Gươm. Tuy nhiên, qua những ngày đầu tham dự, phố đi bộ mang tên nhạc sĩ họ Trịnh vẫn chưa được như mong đợi…
 
Theo quan sát, nhiều hạng mục tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn được lắp đặt còn đơn điệu, không bắt mắt, các mặt hàng lưu niệm sơ sài, đơn giản. Trước đó, UBND Tây Hồ đã thông báo là sẽ có những gian hàng được thiết kế giống như nhà cổ Hội An, Hà Nội… nhưng khi ra thực địa mới thấy đây chỉ là những gian hàng được làm “mang máng” dáng nhà cổ, không được đẹp, bắt mắt.
 
Một dãy gian hàng ẩm thực san sát nhau nhưng lại đều kinh doanh những mặt hàng giống nhau như nước ép, sinh tố, xúc xích, nước đóng chai... Cùng với đó là những gian hàng bán quần áo, túi xách không rõ nguồn gốc tập hợp trong không gian nhỏ, chật hẹp. Quả thực, khu vực kinh doanh tại đây không khác chợ sinh viên là mấy. Cũng trong thời điểm bắt đầu thí điểm khai trương, một số hàng nước tự phát mọc lên, hàng rong cũng bắt đầu xuất hiện, manh nha tiếp cận du khách gây mất mỹ quan cho khu vực này. Ngay cả các chương trình hoạt động nghệ thuật cũng còn đơn điệu, chưa đặc sắc, không thu hút được sự quan tâm của người dân. 
 
Chưa kể, việc nói đến phố Trịnh Công Sơn thành phố đi bộ, người dân cũng kỳ vọng là sẽ có hình bóng của nhạc sĩ họ Trịnh tại đây, tuy nhiên để tìm được hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải điều dễ dàng. Tại một góc nhỏ được gọi là bích họa Trịnh Công Sơn, những bức tranh của cố nhạc sĩ được trưng bày lác đác, nghèo nàn và lạc lõng. 
 
Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng không phải một sớm một chiều có thể thành công được. Phố đi bộ muốn hoạt động tốt thì cần có nội dung hoạt động tốt, nội dung đó phải bao gồm các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí, hạng mục trang trí phong phú… Ngoài ra, phố đi bộ phải đúng nghĩa là một không gian văn hóa nghệ thuật đúng nghĩa, mang lại giá trị tinh thần cho người dân, không đề cao tính thương mại hóa… thì mới có thể tạo sức hấp dẫn bền vững. 
 
Hải An

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.