Viên uống chống nắng: Không thần kỳ như quảng cáo

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, trên thị trường đang rao bán tràn lan các loại viên uống chống nắng, có công dụng thần kỳ khiến không ít các chị em xiêu lòng.

 
Viên uống chống nắng: Không thần kỳ như quảng cáo - ảnh 1
Theo FDA, viên uống chống nắng không có khả năng chống nắng nhiều như quảng cáo

 
Chỉ cần gõ cụm từ “viên uống chống nắng” trên thanh công cụ tìm kiếm google, lập tức xuất hiện 490.000 kết quả khác nhau trong vòng 0,28 giây. Các sản phẩm viên uống chống nắng được giới thiệu khá đa dạng: viên uống chống nắng nội sinh, viên uống chống nắng sáng da… với xuất xứ từ Mỹ, Nhật. Mức giá trung bình từ 350.000 – 1.500.000 đồng tùy hộp.
 
Đáng nói, các loại viên uống chống nắng được quảng cáo rầm rộ với rất nhiều công dụng. Đơn cử trên website beasun… giới thiệu một sản phẩm sản xuất thuốc làm theo công thức độc quyền, đạt tiêu chuẩn GMP ở Mỹ… Theo đó, viên uống này có khả năng chống nắng từ bên trong; phát huy hiệu quả sau 48h kể từ viên uống đầu tiên và duy trì tác dụng 24h; chống oxy hóa và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, hồng hào, hỗ trợ điều trị nám, tàn nhang; ngăn ngừa các tác hại từ tia cực tím, bức xạ từ máy tính, điện thoại, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại; ngừa ung thư da hiệu quả; giúp bảo vệ toàn diện mắt, môi, tóc; không gây bất kì khó chịu ngoài da nào; dùng được cho cả nam lẫn nữ, trẻ em trên 10 tuổi mà không gây bất kì tác dụng phụ nào… Với vô vàn công dụng nêu trên, trang web nêu mức giá cho một vỉ 60 viên lên tới gần 1,4 triệu đồng. 
 
Nói về công dụng thực sự của viên uống chống nắng, TS.BS Vũ Nguyệt Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, sử dụng viên uống chống nắng cũng là một trong những phương pháp chống nắng (ngoài các cách thông thường như bôi kem hoặc sử dụng quần áo chống nắng). Do ánh nắng là một trong những yếu tố tác động nhiều đến da, đặc biệt nguy cơ gây ung thư da, nên tất cả phương pháp chống nắng đều có tác dụng dự phòng ung thư da, không riêng viên uống chống nắng. Ngoài ra, trên viên uống chống nắng thường phối hợp nhiều thành phần, trong đó có các vitamin như  E, C... chống lại gốc tự do, giúp làm giảm tổn thương tế bào da do ánh nắng, góp phần dự phòng ung thư da, nhưng khả năng ngăn ngừa ung thư da không phải rất cao.
 
Tùy theo từng hãng sản xuất cũng như thành phần của nó mà mỗi loại viên uống chống nắng có tác dụng khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả những loại viên chống nắng được đánh giá có chất lượng tốt đang lưu hành, các nhà sản xuất cũng chỉ khuyến cáo khả năng chống nắng ở mức 40%, không quá 4 giờ. Trong khi đó, nếu sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPS 50+, kèm theo quần áo chống nắng, thì tỷ lệ này có thể ở mức trên 90%. Bên cạnh đó, việc sử dụng viên uống chống nắng nên có sự chỉ định, kê đơn của bác sĩ thay vì tự ý sử dụng theo quảng cáo.
 
Với những bệnh nhân nám má, đang điều trị bằng phương pháp dùng tia laze, bệnh nhân có da nhạy cảm, dễ bắt nắng… ngoài phương pháp chống nắng bằng sử dụng khẩu trang, bôi kem… bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân viên uống chống nắng dùng tại nhà. Thực tế, viên uống chống nắng có thể xem như một loại thực phẩm chức năng, có tác dụng giảm thiểu lão hóa da, hạn chế các bệnh về da… chứ không phải một sản phẩm “thần kỳ” như nhiều lời quảng cáo.
 
Trước thực trạng các sản phẩm viên uống chống nắng xuất hiện tràn lan trên thị trường, ngày 22/5 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát đi thông báo khẳng định: "Chúng tôi đã tìm thấy nhiều sản phẩm hứa hẹn có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời nhưng chúng không thể làm được như quảng cáo đã nói. Thay vào đó chúng lại gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và khiến họ gặp phải rủi ro khi sử dụng". Một vài sản phẩm, công thức làm sáng da nâng cao như: Sunsafe Rx, Solaricare và Sunergetic… thậm chí đã bị FDA yêu cầu ngừng bán.
 
Theo các chuyên gia y tế, đến nay không có biện pháp nào chống nắng đạt hiệu quả 100%, những biện pháp tốt nhất như dùng kem chống nắng chuyên biệt cũng chỉ hơn 90%. 
 
Lê Phương

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.