NSND Thúy Mùi: Cháy mãi ngọn lửa với nghệ thuật truyền thống

Chia sẻ

PNTĐ-Ở tuổi 55 nhưng ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong người phụ nữ này vẫn căng tràn như thời thanh xuân.

 
Nhân dịp kỉ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội (2008 - 2018), Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ hội đường phố với chủ đề “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng” vào ngày 29/7 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chương trình khắc họa rõ nét về văn hóa Hà Nội một cách tổng quát. Ít ai ngờ, tổng đạo diễn chương trình đồ sộ ấy là một phụ nữ - NSND Thúy Mùi. 
 
NSND Thúy Mùi: Cháy mãi ngọn lửa với nghệ thuật truyền thống - ảnh 1
NSND Thúy Mùi

 
Khắc họa một Hà Nội truyền thống
 
Lễ hội đường phố với chủ đề “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng” nhân dịp kỉ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế. Có tới 5.000 người gồm nghệ sĩ, diễn viên, người dân tham gia hoạt động biểu diễn, diễu hành, khắc họa nên một hình ảnh văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm văn vật đậm đà sắc màu truyền thống qua các màn diễu hành về làng nghề truyền thống, biểu diễn những điệu múa cổ đặc sắc của người Hà Nội như: múa nón, múa hoa mai, múa hoa sen, múa lân, múa “Con đĩ đánh bồng”, múa rước trạng vinh quy…
 
Cùng với đó là nhiều hoạt động nghệ thuật hấp dẫn khác như: trình diễn áo dài thời trang, đồng diễn thể thao, vũ hội carnival 10 khối màu sắc... Lễ hội cũng là dịp tôn vinh các di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của thành phố, hướng đến việc thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Lễ hội là hoạt động do UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hiện.
 
Để thực hiện được Lễ hội, với vai trò tổng đạo diễn, NSND Thúy Mùi đã kết hợp nhịp nhàng với 3 nữ đạo diễn là NSND Lê Khanh, NSND Hương Thơm và NSƯT Mai Hương, đem đến một bức tranh rực rỡ mà đồ sộ về văn hóa Hà Nội. Điều đáng nói Lễ hội là chương trình hoàn toàn được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa và người có công đầu trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa chính là NSND Thúy Mùi ở vai trò GĐ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
 
Suốt cả mấy tháng nay, NSND Thúy Mùi đã vất vả ngày đêm để chuẩn bị, rồi cả tháng trời dàn dựng và tập luyện cùng người dân, chị mong mỏi làm sao qua Lễ hội người dân sẽ thấy được bề dày truyền thống của Hà Nội. Khó khăn trăm bề khi không chỉ phải nghiên cứu tập hợp các điệu múa đặc trưng của từng vùng, NSND Thúy Mùi phải tìm về từng địa phương để vận động người dân tham gia. Việc vận động không hề dễ dàng khi người nào cũng có công việc riêng, rất khó sắp xếp để tập luyện kéo dài và biểu diễn, thế nhưng, cái tài khéo léo của một phụ nữ, lại mang đầy nhiệt huyết với nghệ thuật truyền thống, văn hóa của người Tràng An, NSND Thúy Mùi đã thuyết phục được người dân cùng chung tay làm nên một Lễ hội đường phố rực rỡ. 
 
Đau đáu với nghệ thuật truyền thống
 
Sau khi rời cương vị giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thúy Mùi tiếp tục nhận trọng trách mới, làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Ở tuổi 55 nhưng ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong người phụ nữ này vẫn căng tràn như thời thanh xuân. Dường như càng ngày khát vọng góp phần “hồi sinh” và phát triển nghệ thuật truyền thống trong chị lại càng cháy bỏng. 
 
Khi trở thành Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, NSND Thúy Mùi đã đưa nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đến với công chúng. Ban đầu, chị tổ chức chương trình nghệ thuật và biểu diễn miễn phí vào các tối thứ 7 tại làng nghề Vạn Phúc với các loại hình nghệ thuật như: múa rối, chèo, tuồng, diễn xướng hầu đồng, ca trù, chầu văn… nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với người dân và du khách quốc tế. Sau một thời gian, chương trình hoạt động ổn định, NSND Thúy Mùi bắt đầu tìm kiếm các địa điểm phù hợp khác để tổ chức mô hình tương tự. 
 
NSND Thúy Mùi cũng đã xây dựng đề án số hóa tư liệu các chân dung nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, thời gian tới, chị tiếp tục xây dựng đề án giới thiệu nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng trong các trường học. NSND Thúy Mùi dự định sẽ vận động mọi nguồn kinh phí để thực hiện được những tiểu phẩm mẫu mực của nghệ thuật truyền thống và giới thiệu những tiểu phẩm đó trong các chương trình ngoại khóa của trường học. Chị cho rằng, việc xây dựng đối tượng khán giả cũng là một cách bảo tồn và phát triển, đặc biệt là đối với những khán giả trẻ.
 
Hải Hương 

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.