Nữ công nhân học võ phòng thân

Chia sẻ

PNTĐ-Hàng trăm nữ công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh đang tham gia lớp học võ miễn phí, lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

 
Hàng trăm nữ công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh đang tham gia lớp học võ miễn phí, lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội để phòng chống xâm hại thân thể và rèn luyện sức khỏe.
 
Nữ công nhân học võ phòng thân - ảnh 1
Võ sư đang hướng dẫn nữ công nhân thực hiện các thế võ

 
Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết, các lớp võ tự vệ miễn phí là một những hoạt động của dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Dự án do Tổ chức Plan International Việt Nam, Hội LHPN Huyện Đông Anh và Viện phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng LIGHT phối hợp.
 
Lớp học nhằm trang bị kỹ năng tự vệ cơ bản để các chị em nữ công nhân lao động chủ động phòng tránh và thoát hiểm trước các hiện tượng xấu như cướp giật, xâm hại thân thể… Một khóa đào tạo võ thuật có thời gian là 3 tháng, mỗi tuần chị em được học một buổi trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ.
 
Giảng viên đứng lớp là võ sư Nguyễn Văn Hiệp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vovinam huyện Sóc Sơn và Đông Anh. Do thời gian làm việc hàng ngày của công nhân lao động có đặc thù riêng; nhiều chị em phải tăng ca tăng kíp trong những tháng cuối năm nên các lớp học võ chủ yếu tổ chức vào ngày cuối tuần và buổi tối các ngày trong tuần. Ở khóa học võ đầu tiên được tổ chức, có hơn 150 nữ công nhân đăng ký, được chia thành 5 lớp học, tổ chức tại 5 địa điểm khác nhau ở các xã Đại Mạch, Hải Bối, Võng La, Kim Lỗ, Kim Chung… nhằm tạo thuận lợi trong việc đi lại cho chị em. 
 
Hoàng Thị Nga - công nhân công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết: Hơn 70% nữ công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, trong đó đa phần chị em là người ngoại tỉnh. Ngoài thuê trọ ở xã Kim Chung chị em còn thuê nhà trọ ở các xã xung quanh. Việc di chuyển từ nhà trọ đến nhà máy nhiều khi tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là chị em phải đi làm ca ba, đi lại trên đường làng ngõ xóm vắng vẻ, chưa có đèn cao áp. Không chỉ Nga mà nhiều bạn trẻ ở các lớp học võ đều ít nhiều đã đối mặt với tình trạng bị trêu ghẹo hay có người bám theo mình. Vì vậy, khi biết thông tin về lớp học võ, Nga và nhiều chị em khác đã đăng ký ngay.
 
Võ sư Nguyễn Văn Hiệp - Chủ nhiệm CLB Vovinam huyện Sóc Sơn và Đông Anh cho biết: Vovinam là bộ môn võ truyền thống và lâu đời của Việt Nam. Bài giảng trong khóa học được thiết kế từ tình huống có thật trong cuộc sống và phù hợp với giới như cách xử trí, thoát hiểm an toàn khi chị em bị túm tóc; bị khóa tay, bóp cổ hay bị khống chế bằng dao, kim tiêm… 
 
Võ sư Nguyễn Văn Hiệp đánh giá cao sự nhiệt tình, hứng thú của các nữ học viên. Theo anh Hiệp, một số bạn nữ ban đầu chưa quen vận động nhiều nên các động tác thực hiện còn dè dặt nhưng qua một vài buổi làm quen, chị em đã tự tin hơn, các động tác đã dứt khoát hơn. “Với những kỹ năng cơ bản nhưng thiết thực như vậy, qua 12 buổi của khóa học võ tự vệ, chúng tôi mong các nữ công nhân tự tin hơn khi bị tấn công biết cách phòng thân, thoát hiểm an toàn”.
Việt Bách 

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".