Ca khúc dung tục và trách nhiệm của nhạc sĩ

Chia sẻ

PNTĐ-Mới đây, ca khúc “Như lời đồn”của nhạc sĩ Khắc Hưng ra mắt qua giọng hát của Bảo Anh một lần nữa dấy lên phản ứng của giới chuyên môn và dư luận về tính “dung tục” trong âm nhạc.

 
Mới đây, ca khúc “Như lời đồn” của nhạc sĩ Khắc Hưng ra mắt qua giọng hát của Bảo Anh một lần nữa dấy lên làn sóng phản ứng của giới chuyên môn và dư luận về tính “dung tục” trong âm nhạc trẻ hiện nay.
 
Thực chất đây không phải chuyện mới. Trước Như lời đồn, đã có rất nhiều ca khúc bị cho “lên thớt”. Đơn cử như chính Khắc Hưng với Như cái lò ra mắt hồi năm ngoái, hay Nắng cực của Phạm Toàn Thắng, Oh My chuối với Sỹ Thanh, Xếp hình của Tăng Nhật Tuệ…
 
Ca khúc dung tục và trách nhiệm của nhạc sĩ - ảnh 1
Một cảnh trong MV gây phản ứng: “Như lời đồn”

Giới hạn nào cho “cái tôi” nghệ sĩ
 
“Trần tình” về Nắng cực, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng từng nói: “Nó có thể đúng hoặc sai. Nhưng tuổi trẻ cũng phải thể hiện cái tôi. Mọi người phê phán vì có thể tôi không đúng, nhưng cũng nên cho tôi được thể hiện cái tôi như vậy. Ít ra, để tôi không bị sự kìm hãm, bí bách trong âm nhạc, nếu không phù hợp, tự tôi sẽ biết điều chỉnh”. Thể hiện “cái tôi”, như Phạm Toàn Thắng giãi bày, không phải xấu mà thậm chí còn là điều bắt buộc của một nghệ sĩ. Nhưng thể hiện như thế nào, ở đâu và cho ai thì đó thể hiện cái “tâm” và “tầm” của người sáng tác. 
 
Để nói về “cái tôi”, lại phải nhắc đến một cộng đồng hoạt động âm nhạc mà ở đó, tất cả khuôn mẫu đều bị xem nhẹ và “cái tôi” gần như là tất cả: underground. Giới nghệ sĩ này hoạt động tự phát, chưa được hoặc không muốn bước chân lên sân khấu chuyên nghiệp. 
 
Thời điểm trước khi có sự xuất hiện của những cái tên như đã nêu ở đầu bài viết, mỗi khi dư luận lên án một ca khúc nào đó là “tục tĩu”, hay “phản cảm” thì gần như mặc định rằng nó xuất phát từ một nghệ sĩ underground. Có thể lấy ví dụ như D.C.M.E của Andree & Rhymastic hay Phiếu bé ngoan của Yanbi đã bị “tuýt còi”... 
 
Những ca khúc ấy mang đậm quan điểm, suy nghĩ, lối sống và cái cá nhân của nghệ sĩ, nó có thể bị số đông kỳ thị, nhưng chưa từng trở thành một vấn đề gây “chấn động” thị trường âm nhạc như hiện nay. Bởi đơn giản, nó chỉ tồn tại trong cộng đồng riêng, phục vụ cho chính những người đón nhận nó. Các nghệ sĩ sáng tác hay thể hiện cũng không phải “gương mặt thân quen” trên sân khấu đại chúng. 
 
Còn câu chuyện của Như lời đồn, Nắng cực… thì khác, dù rõ ràng về tính dung tục thì chưa là gì so với nhạc underground. Nhưng Khắc Hưng, Phạm Toàn Thắng, Bảo Anh… đều là nghệ sĩ nổi tiếng, hoạt động âm nhạc theo cách chính thống và bởi vậy, bắt buộc họ phải tuân thủ “luật lệ” chung. 
 
Điều này cũng giống như việc bạn đứng giữa nơi công cộng mà chửi thề vậy. Có trách nhiệm với từng động thái của mình trước công chúng là biểu hiện của người nghệ sĩ “có tâm”. Một khi đã đứng trên sân khấu đại chúng, không thể theo kiểu “tôi thích thì tôi làm”. 
 
Trở lại với underground, thời gian gần đây không ít nghệ sĩ thuộc giới này đã bước ra mainstream (đại chúng). Justa Tee, Soobin Hoàng Sơn khi trở thành “người của công chúng” đã tạo cho mình một hình ảnh hoàn toàn khác, “sạch sẽ” và dễ gần hơn. Phạm Toàn Thắng, những phản ứng của dư luận, đã biết lắng nghe và trở lại là một Phạm Toàn Thắng “dễ thương” với “Tháng tư là lời nói dối của anh” hay “Thả vào mưa”. 
 
Còn với trường hợp của Khắc Hưng, sau Như cái lò, anh tiếp tục bỏ ngoài tai mà làm tiếp Như lời đồn. Sau những lần “thả phanh” với “cái tôi” như vậy, hình ảnh của chàng nhạc sĩ trẻ từng giành giải Âm nhạc cống hiến còn lại gì?
 
“Tục” theo cách tinh tế
 
“Thực tế đặt tên cho tác phẩm của mình là quyền tự do của nhạc sĩ. Tuy nhiên, âm nhạc cũng cần đề cao giá trị chân, thiện, mỹ”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đưa ra quan điểm về những sáng tác “phản cảm” thời gian gần đây. 
 
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói: “Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật, đối với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đẹp đến nội dung ý nghĩa, đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác là người điêu khắc nên trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp. Cần hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi và lối sống đẹp”.
 
Tính tục trong âm nhạc trước nay không hiếm. Những cái tên gạo cội như Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Lam Phương,… đều đã có những sáng tác đầy “trần trụi”. Nhưng khác biệt ở chỗ, họ là những “bậc thầy ngôn từ”, biết cách chuyển hoá cái “tục” thành cái “mỹ” và từ đó tạo ra một tác phẩm đẹp. Rừng xưa đã khép của Trịnh Công Sơn nếu nói rõ ý, sẽ thấy nhạc sĩ đang ám chỉ “vùng nhạy cảm” của người phụ nữ, song ta không hề thấy nó thô. 
 
Còn với những sáng tác gây bão như đã kể trên, khi bước qua tiêu đề mà nhìn vào tổng thể lời ca thì có thể thấy… chẳng liên quan. Tưởng chừng như tác giả đã dồn hết tâm huyết cho một tiêu đề rất “sâu cay” và bỏ mặc phần còn lại của tác phẩm. 
 
My Trương

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.