“4T” trong điều trị ung thư vú

Chia sẻ

PNTĐ-Phát hiện ung thư vú càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí thấp. Bởi vậy, chị em nên lắng nghe cơ thể mình, sớm nhận biết dấu hiệu của bệnh.

 
“4T” trong điều trị ung thư vú  - ảnh 1
Phụ nữ cần có những hiểu biết nhất định và thường xuyên kiểm tra sức khỏe tuyến vú 

 
Ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân mắc ung thư vú ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa. Thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) năm 2018 cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 164.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó hơn 15.000 trường hợp ung thư vú. 
 
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Để không còn ám ảnh bệnh ung thư vú” của báo điện tử VietnamPlus, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Phó giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung bình mỗi tháng bệnh viện có khoảng 20 - 25 trường hợp bệnh nhân được chuẩn đoán phát hiện bệnh ung thư vú. Cho đến thời điểm hiện tại, dù công tác truyền thông về tầm soát ung thư vú đã được chú trọng, nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ các chị em đến viện khám ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương xâm lấn ra ngoài da cũng như có các tổn thương di căn ở các tạng như: tổn thương di căn xương, di căn phổi, di căn gan, thậm chí là di căn não…
 
Những người bệnh này dù đã sờ thấy có bất thường ở vú cách đó một hai năm nhưng e ngại, giấu bệnh nên không đi kiểm tra ngay. Chỉ khi các tổn thương này nặng lên, gây loét, đau, thậm chí chảy máu, chảy dịch ra, người bệnh không thể chịu được mới đi khám bệnh. 
 
Theo các chuyên gia, bệnh ung thư vú nếu phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Với chi phí để điều trị bệnh ung thư vú, tùy vào giai đoạn bệnh có liệu pháp điều trị hoàn toàn khác nhau. Ở giai đoạn sớm có thể chỉ phẫu thuật bảo tồn, sau đó áp dụng các phương pháp điều trị tiếp theo như hóa trị hay xạ trị bổ trợ thì có thể khỏi bệnh. Đa số các chi phí điều trị phẫu thuật, hóa chất, xạ trị đều được bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy, nếu phát hiện bệnh sớm, người bệnh có bảo hiểm y tế chi trả thì chi phí điều trị hoàn toàn có thể chấp nhận được.
 
Ở giai đoạn muộn hơn, chi phí điều trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng thực sự trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đến thời điểm hiện tại, bảo hiểm y tế đã chi trả toàn bộ các kinh phí hóa chất, nhưng chất điều trị nhắm trúng đích thì bảo hiểm y tế mới chi trả 50%.
 
Để phát hiện sớm ung thư vú, PGS.TS Phạm Cẩm Phương khuyến cáo, hàng tháng sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt, chị em có thể tự kiểm tra bằng cách đứng trước gương và so sánh hai bên tuyến vú. Nếu thấy sự thay đổi hình dạng, tiết dịch bất thường ở núm vú, hoặc sờ thấy khối u là đã có tổn thương, cần đi kiểm tra ngay. Ngoài ra, tất cả phụ nữ trên 40 tuổi hàng năm đều nên tầm soát định kỳ bằng thăm khám lâm sàng tại cơ sở chuyên khoa ung bướu, chụp X-Quang tuyến vú, phát hiện sớm ung thư vú; để có thể điều trị khỏi hoàn toàn được bệnh, bảo tồn được tuyến vú và giảm chi phí điều trị. 
 
Hiện nay các chương trình tầm soát ung thư vú đang tập trung đến các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: phụ nữ 40 tuổi, phụ nữ béo phì, phụ nữ hút thuốc lá, phụ nữ không mang thai, không nuôi con bú, đặc biệt là những người trong gia đình có tiền sử mẹ, dì, chị em gái mắc bệnh ung thư vú. Nhưng người có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực, phụ nữ có hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) thường có nguy cơ cao mắc ung thư vú, nên không chỉ sàng lọc trên 40 tuổi mà phải sàng lọc phát hiện sớm hơn. Cũng nên tránh tình trạng người bệnh không tin tưởng ở bác sỹ.
 
“Nhiều trường hợp bác sĩ tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị nhưng người bệnh từ chối, tự ý điều trị bằng các biện pháp khác, mà các biện pháp này nhiều khi còn tốn kém hơn rất nhiều quá trình điều trị chính thống” - PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết.
 
Đối với những người đã mắc ung thư vú, PGS.TS Phạm Cẩm Phương khuyên rằng, bệnh nhân nên lưu ý 4T: Tinh thần, thuốc, thể dục,  thực phẩm. Trong đó “thực phẩm” có vai trò đặc biệt bởi  dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể đảm bảo chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Có sức khỏe, bệnh nhân mới có thể tiến hành điều trị hóa chất. Nếu bệnh nhân luôn luôn kiêng ăn, ăn cái gì cũng sợ nuôi tế bào ung thư thì có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, bệnh trạng ngày càng nặng thêm.
 
 
Yên Hưng 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...